'Nếu làm rời rạc thì đến 2045 TP.HCM cũng không làm xong metro'

Theo quan điểm của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, cần phải có cách tiếp cận mới trong xây dựng các tuyến metro tại thành phố để phát huy tính hiệu quả.

 

“Nếu làm rời rạc từng tuyến metro như hiện nay thì đến năm 2045 cũng không xong, mà nếu xong cũng khó dùng”. Đây là ý kiến của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM nêu tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53 ngày 29/8/2005 và Kết luận số 27 ngày 2/8/2012 diễn ra tại TP.HCM sáng nay (12/7).

Ông Phan Văn Mãi cho rằng, vấn đề kẹt xe đang có những tác động lớn tới sự phát triển của địa phương. Để giải quyết được hạn chế này, thành phố đang triển khai đề án tổ chức lại giao thông công cộng, trong đó có nghiên cứu cả hành vi, thói quen, văn hóa giao thông… Theo ông Mãi, cần phải có cách tiếp cận mới trong xây dựng các tuyến metro để phát huy hiệu quả.

Tuyến metro số 1 - bên trái đường Xa lộ Hà Nội.“Câu chuyện tổ chức lại hệ thống metro cần cách tiếp cận khác. Nếu cứ làm từng tuyến và làm rời rạc như hiện nay thì tới năm 2045 cũng chưa xong, mà khi xong cũng không phát huy được hiệu quả”, ông Mãi chỉ rõ.

Theo quy hoạch, TP.HCM có 8 tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố, chủ yếu đi ngầm trong nội đô. Ngoài ra còn có 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt 1 ray…

Trong đó, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hiện đạt hơn 90% tiến độ và dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, dự kiến hoàn thành trong quý III năm nay, các tuyến khác đang trong giai đoạn kêu gọi xúc tiến đầu tư.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Phan Công Bằng cho biết, các chỉ số liên quan đến lĩnh vực giao thông của thành phố thường chiếm 1/4 cả nước nên áp lực hệ thống giao thông rất lớn.

Năm 2020, số điểm ùn tắc giao thông của thành phố là 18 điểm (giảm từ 37 điểm năm 2016, 34 điểm năm 2017, 28 điểm năm 2018, 22 điểm năm 2019), tập trung tại khu vực cảng hàng không Tân Sơn Nhất, khu vực cảng Cát Lái, khu vực trung tâm và cửa ngõ.

Kết quả khảo sát tại khu vực cửa ngõ, trung tâm và cảng hàng không cho thấy, lưu lượng giao thông tại các giao lộ đã tiệm cận và vượt khả năng thông hành của giao lộ. Qua nghiên cứu, mỗi năm, TP.HCM thiệt hại khoảng 6 tỷ USD vì tình trạng ùn tắc giao thông./.

Hà Khánh/VOV-TP.HCM

 

Bình luận

    Chưa có bình luận