Kinh tế phục hồi, nguy cơ lạm phát hiện hữu

  • 07/07/2022 18:19:09
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

GDP của Việt Nam tăng 7,7% trong quý II/2022 so với cùng kỳ năm trước và vượt xa mức dự báo 5,9%. Song, các chuyên gia nhận định 6 tháng cuối năm nguy cơ lạm phát vẫn hiện hữu.

 

Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ

Xung đột giữa Nga và Ukraine trong 4 tháng qua đã làm gián đoạn nguồn cung lương thực và nhiên liệu toàn cầu, gây ra nguy cơ khủng hoảng năng lượng, lương thực toàn cầu và làm cho giá cả trên thế giới gia tăng. Trước tình hình này, hầu hết các tổ chức quốc tế đã dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm so với dự báo trước đó. Cụ thể, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo ở mức 3,6%, thấp hơn 0,8 điểm phần trăm; Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2022, giảm mạnh so với mức 4,5% được đưa ra trong dự báo vào tháng 12/2021.

Tại Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu, ngày 7/6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022, từ 4,1% xuống còn 2,9%. Ở các nước khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, WB cũng dự báo tăng trưởng GDP giảm xuống 4,4%. Tuy nhiên, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới mà WB đã rà soát và dự báo điều chỉnh đà tăng trưởng GDP từ mức 5,5% vào đầu tháng 1/2022 lên 5,8% vào tháng 6/2022.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK), căn cứ để WB đưa ra dự báo trên là do chính sách ứng phó với đại dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam hiệu quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát là nền tảng căn bản cho duy trì sự ổn định xã hội, tâm lý người dân, các hoạt động kinh tế quay trở về trạng thái bình thường, ổn định và phát triển. Các chính sách hỗ trợ sản xuất, an sinh xã hội kịp thời, đúng đối tượng là tiền đề cho tiến trình khôi phục sản xuất, đảm bảo an toàn, an sinh tới mọi người dân...

Tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 6 tháng/2022 ước tính đạt 371,2 tỷ USD, tăng 16,4%, tương ứng tăng 52,17 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3%. Trong tháng 6 cả nước ước xuất siêu 276 triệu USD và xuất siêu 710 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2022.

Khẳng định tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, kết quả chúng ta đạt được sau 6 tháng đầu năm 2022 đã phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế. Con số này cho thấy nền kinh tế của chúng ta đang phục hồi rất mạnh mẽ.

Lo ngại lạm phát tăng

Mặc dù nền kinh tế được đánh giá sẽ tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh, nhưng không ít chuyên gia lo ngại rủi ro gia tăng lạm phát là đáng kể, do giá năng lượng vẫn đang tiếp tục tăng cao. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá hàng hóa thiết yếu tăng cao, lạm phát cao trên toàn cầu… sẽ tác động lớn tới Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hương lo ngại về áp lực lạm phát gia tăng bởi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động từ tình hình chính trị, kinh tế thế giới. Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là giá xăng dầu tăng cao tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của DN và tiêu dùng của người dân. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2022. Do vậy, cần kiểm soát lạm phát, hạ nhiệt giá xăng dầu là ưu tiên hàng đầu.

Tại Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm, nhiều chuyên gia cho rằng 6 tháng cuối năm, giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu còn đứng ở mức cao và có khả năng tăng thêm, dẫn đến chi phí sản xuất hàng hóa sẽ tăng theo và gây áp lực làm tăng giá của hầu hết các hàng hóa trên thị trường.

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính dự báo 6 tháng cuối năm 2022, thị trường giá cả ở Việt Nam có nhiều nhân tố làm tăng chỉ số tiêu dùng, dẫn đến chi phí sản xuất hàng hóa sẽ tăng theo và gây áp lực làm tăng giá của hầu hết các hàng hóa trên thị trường.

Trước thực trạng này, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, dưới áp lực của giá xăng dầu thế giới liên tục có biến động tăng thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng các giải pháp liên quan đến các chính sách thuế đánh trên mặt hàng xăng dầu để đề xuất cấp có thẩm quyền có giải pháp hỗ trợ, bảo đảm kiểm soát, kiềm chế sự tăng nhanh của giá xăng dầu tác động mạnh mẽ tới đời sống của người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngay trong ngày 4/7, sau khi được Chính phủ thông qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn. Cụ thể, mức thuế đối với xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít, nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít,... Việc giảm thuế đối với nhóm xăng, dầu sẽ góp phần làm giảm giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn, từ đó góp phần hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, góp phần giảm giá thành sản phẩm và góp phần ổn định lạm phát.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, ngoài giải pháp giảm giá xăng dầu, Bộ Tài chính cũng chủ động các giải pháp, phương án khác đối với chính sách thuế với mặt hàng xăng dầu, bao gồm cả thuế nhập khẩu, thuế GTGT, tiêu thụ đặc biệt. “Căn cứ vào diễn biến thực tế của giá xăng dầu trên thế giới và diễn biến giá xăng dầu ở Việt Nam ở từng thời điểm, từ nay đến cuối năm sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền có những động thái hoặc chính sách điều chỉnh cho phù hợp nhằm mục tiêu ổn định giá xăng dầu trong nước và hỗ trợ cho phát triển kinh tế, xã hội cho cả nước”, ông Chi nói.

Cũng tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cũng chỉ ra những vấn đề lớn của kinh tế Việt Nam là giá cả và thiếu hụt lao động. “Bộ KH&ĐT đã phân tích rất kỹ tác động của việc tăng giá, giá dầu tăng đã ảnh hưởng tới hàng loạt giá cả khác, đặc biệt là giá nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao khiến giá hàng hoá tăng, sản xuất khó khăn hơn, bán hàng khó khăn hơn, ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Còn thiếu hụt lao động không phải vấn đề mang tính dài hạn nhưng lại ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp, đặc biệt là các khu vực trung tâm động lực của nền kinh tế khi lao động chưa sẵn sàng quay trở lại làm việc”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nói.

 

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương:

Dự báo 6 tháng cuối năm, Bộ KH&ĐT đã xây dựng 2 kịch bản kinh tế. Về kịch bản đạt mục tiêu theo Nghị quyết của Chính phủ tăng trưởng 6,5%. Đây là con số có tính khả thi với những giải pháp đã đề ra. Về vấn đề lạm phát ở nước ta chưa quá nóng như các nước châu Âu hay Hoa Kỳ, nhưng nguy cơ và sức ép là hiện hữu, do vậy chúng ta phải hết sức thận trọng trong việc điều hành giá cả để làm sao mức tăng CPI dao động dưới 4% đúng mục tiêu đề ra.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh:

Tính đến ngày 4/7, theo báo cáo của các Sở LĐTB&XH, các tỉnh, thành phố, đã tiếp nhận hồ sơ của 13.880 doanh nghiệp để hỗ trợ cho 558.024 lao động với kinh phí hỗ trợ hơn 357 tỷ đồng tại 45 địa phương. Các địa phương đã phê duyệt cho 280.954 lao động với tổng kinh phí là 209 tỷ đồng tại 38 địa phương. Đã có 15 địa phương giải ngân cho 13.541 lao động với kinh phí hơn 70 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 7 cơ bản hoàn thành hỗ trợ, theo quy định chậm nhất là ngày 15/8/2022 phải hoàn thành toàn bộ việc này.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận