Doanh nghiệp vận tải buộc tăng giá cước trước bão giá nhiên liệu

Trước biến động tăng liên tục của giá xăng dầu, giá cước vận tải của nhiều doanh nghiệp ở Gia Lai đang được điều chỉnh để phù hợp với tình hình chung.

 

Ông Châu Văn Liên (tổ 2, phường Hội Phú, thành phố Pleiku) mua một vé xe của nhà xe Thuận Tiến đi từ Pleiku tới thành phố Hồ Chí Minh với giá 350.000 đồng. Ông Liên cho biết, so với chuyến xe của 4 tháng trước ông đi, giá vé xe đã tăng thêm 50.000 đồng. Giá vé xe tăng phần nào ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, tuy nhiên mọi người đều thông cảm vì giá nhiên liệu liên tục tăng cao khiến các hãng vận tải hành khách gặp nhiều áp lực.

“Ngày trước tôi đi giá xăng chỉ hơn 20.000 đồng/lít, bây giờ giá xăng nhà nước đã lên gần 34.000 đồng/lít. Doanh nghiệp người ta kinh doanh đương nhiên phải có lợi nhuận. Vừa rồi qua đại dịch các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng vất vả nhiều, theo giá xăng mà doanh nghiệp lên giá đó thì tôi là người dân tôi thấy cũng chấp nhận được” - ông Châu Văn Liêm chia sẻ.

Nói về việc điều chỉnh tăng giá vé, ông Nguyễn Hồng Hải-Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hồng Hải cho biết: Sau một thời gian dài phải dừng hoạt động tại một số tuyến do dịch Covid-19, doanh nghiệp rất muốn giữ ổn định mức giá vé để thu hút hành. Thế nhưng, sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì giá xăng dầu lại tăng mạnh khiến chi phí mỗi chuyến đi hiện nay bắt buộc phải tăng giá vé.

“Từ đây đi thành phố Hồ Chí Minh chạy hết 400 lít dầu, trước đây báo giá của chúng tôi là có 300.000 đồng/vé mà bây giờ giá dầu lên tới 31.000 đồng/lít gần gấp đôi, vé chỉ tăng được thêm 50.000 đồng/vé vì khó khăn chung của xã hội. 400 lít dầu của một chuyến xe đi và về hết 12 triệu đồng, lại còn đường BOT, lương của lái xe, lệ phí hai đầu bến, giờ tình hình chung như vậy thì phải cùng nhau chia sẻ khó khăn này” - ông Nguyễn Hồng Hải nói.

Cũng liên quan đến việc điều chỉnh tăng giá vé xe, bà Trần Thị Ánh, Phó giám đốc Công ty TNHH Mai Linh Gia Lai bày tỏ: Điều chỉnh tăng giá vé xe là việc bất khả kháng đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách khi giá xăng dầu tăng cao. Tuy nhiên, đơn vị cũng đưa ra mức điều chỉnh tăng giá phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích của khách hàng và doanh nghiệp.

“Trước việc tăng giá xăng dầu như vậy buộc đơn vị phải điều chỉnh giá cước để phù hợp với tình hình thực tế. Đơn vị tăng giá gần nhất là vào ngày 20/6, tăng bình quân tầm 16% so với trước đây. Tình hình sau dịch rất khó, trong lúc điều kiện xăng dầu cao như này buộc doanh nghiệp tăng giá, tăng giá nhưng có những nỗi trăn trở của doanh nghiệp, nhưng muốn tồn tại phải tăng theo tỷ lệ”- bà Trần Thị Ánh nói.

Nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách phải tăng giá vé trước áp lực xăng dầu liên tục tăng cao.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã 12 lần tăng, 3 lần giảm và đang “lập kỷ lục” về giá từ trước tới nay. Để duy trì hoạt động, 25 doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh, doanh nghiệp kinh doanh taxi trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đồng loạt điều chỉnh tăng giá vé, giá mở cửa. Mức điều chỉnh tăng giá vé của các doanh nghiệp vận tải lần này bình quân là 15%.

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai, đơn vị đã nhận được công văn kê khai điều chỉnh tăng giá vé của hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh. Sau khi tiếp nhận, Sở đã đề nghị các đơn vị thực hiện niêm yết và thu đúng giá vé kê khai, việc điều chỉnh tăng giá vé phải phù hợp với tỷ lệ tăng giá nhiên liệu…

Ông Nguyễn Bá Minh, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kế hoạch-Tài chính-Vận tải, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai cho biết: “Khi nhận được các hồ sơ kê khai của các đơn vị thì chúng tôi cũng đã yêu cầu các đơn vị thực hiện niêm yết, thu đúng giá được kê khai theo quy định. Đồng thời chỉ đạo các bến xe, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện kê khai và thu giá cước của các đơn vị đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật nhà nước”./.

Hoàng Qui/VOV-Tây Nguyên

 

Bình luận

    Chưa có bình luận