Nâng cao tính cạnh tranh của gạo Việt Nam

  • 30/06/2022 06:51:41
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Làm thế nào để nâng cao tính cạnh tranh của thương hiệu gạo Việt và có thể chen chân vào thị trường cao cấp bán với giá cao vẫn là vấn đề đáng bàn.

Tính cạnh tranh chưa cao

Việt Nam được biết đến là cường quốc xuất khẩu (XK) gạo với sản lượng xuất khẩu khoảng 6,3 triệu tấn gạo/năm, đã có mặt ở hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo thống kê, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo đạt gần 2,77 triệu tấn, tương đương trên 1,35 tỷ USD với mức giá XK trung bình đạt 489 USD/tấn, lần lượt tăng 6,6% về khối lượng nhưng giảm 4% về trị giá và giảm 9,9% về giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 5 tháng qua, Philippines vẫn là thị trường XK hàng đầu của gạo Việt Nam, chiếm 45,9% tổng lượng và chiếm 43,6% tổng trị giá gạo XK của cả nước. Thị trường XK lớn thứ hai là Trung Quốc, chiếm trên 14% tổng lượng và chiếm 15% tổng trị giá XK.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT đánh giá, XK gạo hiện đang khá sôi động do nhu cầu tăng mạnh từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka. Đối với thị trường EU, dự báo XK sẽ tăng mạnh trong cả năm 2022 nhờ ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA).

Ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Công ty CP Phân tích và dự báo thị trường Việt Nam (Agromonitor) phân tích, việc Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chuyển từ nhập khẩu gạo chất lượng trung bình sang nhập khẩu gạo chất lượng cao đã tạo ra cú hích rất lớn cho ngành gạo Việt Nam. Nhờ đó cơ cấu gạo XK của Việt Nam đang tích cực chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo trắng phẩm cấp cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Những năm về trước, lúa chất lượng cao chỉ chiếm từ 35 - 40% trong cơ cấu sản xuất thì đến năm 2020, con số này đã đạt từ 75 - 80%, đưa giá gạo XK của Việt Nam tăng lên rất nhanh trong vài năm gần đây.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cơ cấu giống lúa đã dịch chuyển từ nhóm giống chất lượng trung bình sang nhóm lúa thơm, đặc sản, nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Cụ thể, vụ lúa đông xuân 2021 - 2022 ở Đồng bằng sông Cửu Long các giống lúa thơm, đặc sản chiếm 33,29%, lúa chất lượng cao chiếm 49,64%, lúa chất lượng trung bình chiếm 7,12%...

Tuy nhiên, tính cạnh tranh của thương hiệu gạo Việt vẫn chưa cao và chưa thuận lợi khi vào thị trường cao cấp để bán với giá cao. Bên cạnh đó, hạt gạo Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi bảo hộ lương thực và lạm phát gia tăng ở khắp các nền kinh tế...

Bà Bùi Kim Thùy, chuyên gia kinh tế hội nhập cũng cho biết, Việt Nam là quốc gia có độ mở lớn, xuất khẩu nhiều nhưng rất ít DN Việt xuất khẩu sử dụng thương hiệu chính mình. Bởi lẽ DN Việt còn chưa thực sự ý thức về việc làm thương hiệu trên thị trường nước ngoài.

Đánh giá về sức cạnh tranh của gạo Việt Nam với đối thủ Thái Lan, ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng giám đốc Tân Long Group cho rằng, Việt Nam có lợi thế về sự giống gạo thơm đa dạng mà Thái Lan, Campuchia không có. Một số thị trường mới tại châu Phi như Ghana rất thích gạo thơm của Việt Nam. Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan về giá gạo ST24. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là nguồn cung và chất lượng gạo không ổn định. Hiện gạo ST24, ST25 không đủ bán.

Cần có chiến lược dài hạn

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, để ngành lúa gạo nâng cao năng lực cạnh tranh cùng với phát triển bền vững ở những thị trường chiếm thị phần tiêu thụ lớn cần giải quyết nhiều vấn đề như: Thu nhập người nông dân từ việc sản xuất lúa; Phối hợp giảm chi phí vận chuyển; Có chiến lược dài hạn phát triển logistics để thuận tiện vận chuyển hàng hoá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long...

Bà Bùi Kim Thùy cho biết, bên cạnh vấn đề an ninh lương thực, tăng số lượng thì còn phải tập trung để có sản phẩm tốt, có thương hiệu, chất lượng cao hướng đến người dùng đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe. Về giá gạo XK, theo bà Thùy, để có được giá bán tốt, bên cạnh chất lượng, giống, quy trình sản xuất thì yếu tố thương hiệu là khâu khó nhất và cũng ít người làm nhất.

Ông Nguyễn Chánh Trung cho rằng, cần có kế hoạch tăng diện tích vùng canh tác. Doanh nghiệp phải có kế hoạch dài hạn, cần có giống tốt, bảo quản tốt, lưu trữ xử lý sau thu hoạch bài bản. Giống gạo ngon nhưng để quá lâu, ách tắc vận chuyển, xử lý sau thu hoạch chậm thì gạo cũng bị giảm chất lượng. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả chỉ cần chậm xuất đi nước ngoài là bị trả lại.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, để phát triển nông nghiệp nông thôn, Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược quan trọng, ngay từ đầu năm 2022 Chính phủ cũng đã đề ra những chiến lược đột phá cho ngành nông nghiệp, trong đó gạo cũng được xác định là ngành chiến lược.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT: “Không chỉ khơi thông những gì đang tắc nghẽn, chúng ta cần phải khơi thông cả những kỳ vọng, mong muốn đối với ngành lúa gạo Việt Nam. Tôi hy vọng hạt gạo Việt Nam không chỉ dừng ở doanh số xuất khẩu 3 tỷ USD mỗi năm mà còn hướng đến việc giảm số lượng xuất khẩu nhưng tăng giá thành, giá trị xuất khẩu”.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận