Lạng Sơn ổn định thông quan xuất nhập khẩu bằng đường sắt

Trong 6 tháng đầu năm đã có 1.600 bộ tờ khai với trị giá trên 127 triệu USD làm thủ tục thông quan hàng hóa qua cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng.

 

Tỉnh Lạng Sơn có 3 cửa khẩu đường bộ và 1 cửa khẩu đường sắt. Từ đầu năm đến nay, trong khi hoạt động thông quan của các cửa khẩu đường bộ tại Lạng Sơn diễn ra không ổn định, hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng lại phát huy được thế mạnh.

Gần đây trong bối cảnh chung, nhiều DN chuyển hướng sang làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa qua tuyến đường sắt Đồng Đăng (Việt Nam) - Bằng Tường (Trung Quốc) thay vì đưa hàng hóa qua các cửa khẩu đường bộ tại tỉnh Lạng Sơn. Chính quyền và ngành chức năng Lạng Sơn cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho DN.

“Chúng tôi đã chủ động phối hợp với các DN vận tải đường sắt, đặc biệt là Chi nhánh Tổng Công ty đường sắt Việt Nam Ga Đồng Đăng và đơn vị vận chuyển hoá vận của Ga Đường sắt Quốc tế trong công tác bố trí toa xe, nâng cao năng lực xếp dỡ hàng hoá làm thủ tục xuất nhập khẩu qua đây”, bà Cao Hoài Phương, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Ga Đường sắt quốc tế Đồng Đăng, Lạng Sơn cho biết.

Nhân viên Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng phun khử khuẩn các toa tàu sau mỗi chuyến hàng.

Với quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu đường bộ, DN, thương nhân phải thực hiện giao thức đổi phương tiện, “cắt” đầu container, tổ chức nhân lực vận chuyển hàng hóa qua lại với những thủ tục phòng chống dịch qua nhiều khâu chặt chẽ… Còn khi xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu đường sắt, hàng hóa chạy thẳng giữa đôi bên, lực lượng Hải quan thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo quy định khi qua ga, đỡ phiền toái hơn.

“Hiện tại việc xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc qua đường sắt hết sức thuận lợi, các DN có thể sử dụng xe container chở hàng đến tận ga (nơi đã phân luồng xếp dỡ sẵn), sau đó bốc xếp lên tàu và xuất thẳng sang Trung Quốc. Đoàn tàu sẽ do nhân viên đường sắt Trung Quốc sang kéo về, tất cả nhân viên tổ tàu chỉ có khoảng 7 người và nhân viên 2 bên đều không tiếp xúc trực tiếp với nhau, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Đơn vị cũng bố trí cán bộ trực 24/24, phục vụ xếp dỡ, dồn toa tàu, phối hợp với các lực lượng phun khử khuẩn… để tàu sang Trung Quốc một cách thuận lợi và nhanh nhất”, ông Phạm Đức Khái, Trưởng Ga Đường sắt Quốc tế Đồng Đăng nhận định.

Bà Nguyễn Lan Anh, đại diện Công ty TNHH MTV Trường Thạch cho biết, thường 1 lô hàng khi DN đưa hồ sơ vào sẽ được các cán bộ phân công làm thủ tục thông quan rất nhanh, trong khoảng 30 phút đã có kết quả, từ đó giúp DN dễ dàng khắc phục những thiếu sót nếu còn vướng mắc. “Nhìn chung thủ tục rất nhanh và cơ quan hải quan tạo nhiều điều kiện tối đa cho DN”, bà Lan Anh nói.

Các mặt hàng xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng chủ yếu là quặng sắt, thép các loại, đồ gỗ mỹ nghệ, hàng gia dụng. Trong 6 tháng đầu năm, Chi cục Hải quan Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng đã tiếp nhận và giải quyết thủ tục cho trên 1.600 bộ tờ khai với trị giá trên 127 triệu USD. Đến thời điểm này, đơn vị đã thu trên 215 tỷ đồng, đạt hơn 100% chỉ tiêu được giao năm nay.

Lực lượng Hải quan Lạng Sơn đã tiếp nhận và giải quyết thủ tục cho trên 1.600 bộ tờ khai với trị giá trên 127 triệu USD.

Theo bà Cao Hoài Phương, để tạo thuận lợi hơn nữa cho các DN có hoạt động xuất nhập khẩu qua ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, đảm bảo yêu cầu công tác phòng chống dịch, với cơ sở hiện tại còn nhiều hạn chế, chi cục hải quan đã kiến nghị với UBND tỉnh Lạng Sơn có ý kiến với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tiếp tục đẩy nhanh đề án nâng cấp cơ sở hạ tầng của ga, mở rộng bãi hoá trường, xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đảm bảo để cho công tác quản lý nhà nước về hải quan thời gian tới đáp ứng được nhu cầu của DN.

Vào thời điểm chính vụ, các mặt hàng nông sản hiện nay, việc xuất khẩu hàng hóa qua tuyến đường sắt liên vận được coi là một phương án hữu hiệu để nâng cao năng lực thông quan tại tỉnh Lạng Sơn. Chi cục Hải quan Ga đường sắt Đồng Đăng sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm điện tử quản lý nghiệp vụ; tích cực lắng nghe những khó khăn phát sinh khi tiếp nhận thủ tục xuất nhập khẩu của DN. Mặt khác, chủ động tuyên truyền đến DN khi có những thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu qua đường sắt, để DN chủ động nắm bắt kịp thời, hạn chế rủi ro trong quá trình giao thương./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận