Giá xăng dầu cao kỷ lục: Sốt ruột chờ giảm thuế

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ về phương án tiếp tục miễn giảm thuế bảo vệ môi trường để 'hạ nhiệt' giá xăng dầu. Chính phủ đang nghiên cứu vấn đề này.

 

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu được điều chỉnh tới 14 đợt, trong đó giá xăng RON95 tăng 8.157 đồng/lít, xăng E5 tăng 7.962 đồng/lít và dầu diesel tăng 10.606 đồng/lít.

Tại kỳ điều chỉnh gần nhất (ngày 13/6), giá bán lẻ xăng dầu trong nước tiếp tục lập đỉnh mới sau khi tăng mạnh. Xăng E5RON92 tăng 882 đồng/lít, lên mức 31.117 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 797 đồng/lít lên mức 32.375 đồng/lít. Đặc biệt giá dầu diesel 0.05S tăng đến 2.626 đồng/lít, lên mức 29.020 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel và dầu hỏa đều tăng mạnh tại kỳ điều hành này.

Tại kỳ điều chỉnh gần nhất (ngày 13/6), giá bán lẻ xăng dầu trong nước tiếp tục lập đỉnh mới sau khi tăng mạnh (Ảnh minh họa: KT)

Nghiên cứu tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

Trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội sáng 16/6, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan này đang phối hợp các cơ quan nghiên cứu phương án tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

“Bộ Tài chính đã trình tới Chính phủ về phương án tiếp tục miễn giảm thuế bảo vệ môi trường để “hạ nhiệt” giá xăng dầu. Hiện nay Chính phủ đang nghiên cứu vấn đề này”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.

Liên quan tới vấn đề này, đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho biết, thị trường xăng dầu thế giới sẽ còn nhiều biến động khó lường, khó dự báo, có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước. Theo đó, Chính phủ sẽ nghiên cứu kỹ vấn đề này để có cân đối tổng thể việc giảm giá xăng dầu và các chính sách khác. Những chính sách này nhằm ổn định tình hình kinh tế vĩ mô.

Đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam.

Theo đại biểu Trần Văn Khải, các Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã có trả lời, thông tin trước Quốc hội về việc điều hành giá xăng dầu trong các phiên chất vấn của Quốc hội cũng như trong kỳ họp. Trong cân đối chung của nền kinh tế, Chính phủ đang có những giải pháp toàn diện nhất về kiểm soát giá xăng dầu.

“Chính phủ đang bám sát tình hình diễn biến thực tế của thị trường thế giới và trong nước. Dự báo giá xăng dầu có thể lên cao nữa, Chính phủ cũng sẽ có những chuẩn bị những kịch bản rất kỹ về dự trữ xăng dầu và các giải pháp khác để có phương án tối ưu nhất”, ông Khải nói.

Cùng trao đổi về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, bà cũng như nhiều đại biểu khác đã kiến nghị tại kỳ họp thứ 3, Chính phủ xem xét giải pháp giảm thuế để "hạ nhiệt" mặt hàng xăng dầu.

"Cần kìm đà tăng của giá xăng dầu, giảm thiểu tác động của việc tăng giá đến đời sống người dân, người lao động và sự phát triển kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh hồi phục sau đại dịch COVID-19", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, hiện thuế bảo vệ môi trường với xăng đã giảm ở mức 2.000 đồng/lít, dư địa vẫn còn và có thể giảm tối đa 2.000 đồng/lít còn lại đối với loại thuế này. Do đó, bà Nga kiến nghị Chính phủ sớm rà soát, xem xét để trình Quốc hội phương án giảm thuế đối với xăng dầu.

Bên cạnh giải pháp về thuế, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng kiến nghị đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đẩy mạnh sản xuất trong nước và có thể tính đến các giải pháp an sinh xã hội nếu cần thiết.

Còn nhiều dư địa để giảm giá khi cắt giảm thuế, phí xăng dầu

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khi giá xăng dầu tăng 10% làm cho lạm phát của nền kinh tế tăng 0,36 điểm phần trăm. Lạm phát bình quân 5 tháng đầu năm nay của nền kinh tế tăng 2,25% và trong cùng thời gian này giá xăng dầu tăng gần 50%, góp vào 1,8 điểm phần trăm; giá gas tăng trên 20%, góp 0,3 điểm phần trăm trong mức lạm phát bình quân chung của nền kinh tế.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

“Xăng dầu là mặt hàng chiến lược quốc gia, được sử dụng trong hầu hết các ngành kinh tế và tiêu dùng của dân cư. Giá xăng dầu đang tăng và đứng ở mức cao theo giá xăng dầu thế giới, ảnh hưởng đến sản xuất và hiệu quả thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Nếu tình hình này vẫn tiếp diễn trong thời gian tới sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế, nguy cơ lạm phát tăng cao”, TS. Nguyễn Bích Lâm cảnh báo.

Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, ông Lâm cho rằng, Quốc hội và Chính phủ nên giảm thuế đánh vào xăng dầu nhằm kiểm soát giá mặt hàng này không vượt ngưỡng cao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cuộc sống của người dân. Đây được xem như khoản đầu tư và sẽ mang lại hiệu quả tức thì, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước trong tương lai gần.

Cũng theo ông Lâm, với cơ cấu hình thành giá với 44% là thuế, phí nên mặt hàng xăng dầu có nhiều dư địa để giảm giá khi cắt giảm thuế, phí đánh vào xăng dầu.

“Kiềm chế giá xăng dầu là yếu tố quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô nên cần khẩn trương thực hiện linh hoạt, hiệu quả bởi giá xăng dầu tăng ở mức cao gây ra nhiều khó cho nền kinh tế, làm giảm hiệu quả của chính sách tài khóa và tiền tệ. Khi giá dầu thế giới chững lại, chúng ta có thể áp dụng trở lại như bình thường”, TS. Nguyễn Bích Lâm nêu quan điểm, đồng thời cho rằng việc giảm thuế đối với xăng dầu không làm giảm thu ngân sách nhà nước mà chỉ thay đổi cơ cấu thu.

“Thu từ các loại thuế đánh vào xăng dầu sụt giảm, nhưng khi giảm thuế xăng dầu sẽ giữ ổn định sản xuất của nền kinh tế, thu ngân sách từ thuế sản xuất, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác gia tăng sẽ bù đắp và vượt phần hụt thu từ giảm thuế xăng dầu”, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nêu rõ./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận