Tín dụng bất động sản: Cần 'nắn' thay vì 'siết'

Đại biểu Quốc hội cho rằng, không nên 'siết' chung mà cần 'nắn' dòng vốn trong lĩnh vực bất động sản để sử dụng đúng mục đích.

 

Không phải cứ đầu tư bất động sản là đầu cơ

Lo ngại việc siết tín dụng vào bất động sản (BĐS), trao đổi với phóng viên Báo điện tử VOV bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, việc kiểm soát dòng vốn tín dụng không khéo léo có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các dự án đầu tư BĐS.

Bày tỏ lo ngại thị trường BĐS sẽ gặp khó khăn về nguồn cung nếu siết quá chặt dòng vốn, ông Cường cho rằng, cần phải có cái nhìn rạch ròi về đầu tư bất động sản, không phải cứ đầu tư bất động sản là đầu cơ. Bởi ngành bất động sản kích thích tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt, trong bối cảnh phục hồi kinh tế hiện nay, việc đẩy mạnh cho thị trường này phát triển càng trở nên cần thiết.

“Nguồn cung bất động sản càng khan hiếm, giá cả càng tăng, người dân có nhu cầu ở thực càng khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở. Muốn điều chỉnh giá thì phải tăng nguồn cung, mà để thực hiện tăng nguồn cung bất động sản thì việc tiếp cận vốn rất quan trọng”, ông Cường nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.Do đó, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, không nên “siết” chung mà cần “nắn” dòng vốn trong lĩnh vực bất động sản để sử dụng đúng mục đích.

"Nếu doanh nghiệp bất động sản có hoạt động đầu tư, biến một mảnh đất trống thành khu vực có hạ tầng, có công trình, phát triển thành các khu đô thị, khu thương mại dịch vụ, khu công nghiệp, mang lại giá trị cho xã hội, tạo ra sự giàu mạnh cho đất nước, cần phải được khuyến khích", ông Cường nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Lâm, đoàn Bắc Giang cho rằng, tại một số thời điểm, khi có nguy cơ lạm phát cao, cần hạn chế dòng vốn tín dụng vào những lĩnh vực đang nóng như: BĐS, chứng khoán...

“Quản lý vĩ mô tả cần phải quản được các dòng tiền này để đảm bảo hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, đặc biệt là nguồn vốn, trong đó có vốn tín dụng được sử dụng một cách có hiệu quả nhất, đóng góp vào sự tăng trưởng, phát triển bền vững của kinh tế đất nước”, đại biểu Trần Văn Lâm nêu quan điểm.

Đại biểu Trần Văn Lâm, đoàn Bắc Giang.Theo ông Lâm, một số lĩnh vực động sản nóng mang tính đầu cơ thì cần phải hạn chế tín dụng, nhưng một số lĩnh vực bất động sản phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu của người dân, đặc biệt nhà công nhân, nhà tái định cư hay là xử lý các chung cư cũ… rất cần các nguồn lực các nguồn vốn tín dụng để hỗ trợ và thúc đẩy.

Khuyến khích cho vay đối với những nhà đầu tư tạo ra sản phẩm cho số đông

Nêu thực tế có hiện tượng các tổ chức, cá nhân vay vốn để kinh doanh, sản xuất nhưng lại đổ tiền vào mua BĐS, đại biểu Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đây là một trong những yếu tố tăng tính đầu cơ, đẩy giá BĐS tăng cao ở nhiều địa phương trong thời gian qua.

“Việc này cần kiểm soát sớm, tránh nguy cơ vỡ bong bóng thị trường BĐS. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư có năng lực, làm dự án BĐS thật và cần nguồn vốn để phát triển dự án cần phải được ưu tiên tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm dự án”, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho hay.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.Theo ông Thịnh, đã có quy định về mục tiêu mức tăng trưởng tín dụng, bên cạnh đó, room tín dụng cũng đang gần hết nên không quá khó để cân nhắc lựa chọn cho vay đối với các dự án BĐS.

“Các cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước có nhiều công cụ để kiểm soát nguồn vốn. Để kiểm soát, các tổ chức tín dụng chỉ cần hướng ưu tiên cho việc thẩm duyệt hồ sơ, đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân đủ năng lực được vay. Trong đó, ưu tiên, khuyến khích cho vay đối với những nhà đầu tư tạo ra sản phẩm cho số đông”, đại biểu Phạm Văn Thịnh nêu rõ.

“Xử lý những cái méo mó, hư hỏng của thị trường chứ không phải đóng cửa”

Trước đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 9/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận "đang phải chịu áp lực", bởi nhiều nước đã tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, trong khi ngành ngân hàng phải phấn đấu giảm lãi suất, một việc rất khó.

"Các giải pháp về điều hành tín dụng, lãi suất, tỉ giá và các công cụ khác... cần phải điều hành, phối hợp đồng bộ sao cho có lợi nhất đối với ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng không chủ quan đối với lạm phát", bà Hồng nói.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đối với thị trường chứng khoán và bất động sản, các nhà điều hành đều nói không có siết, tuy nhiên, thực tế mấy tháng nay thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất èo uột, nhất là nhà đầu tư có tiềm lực huy động vốn để đảo nợ hoặc tiếp tục đầu tư mới rất khó khăn. Thị trường bất động sản cũng vậy. Do đó, phải thanh tra, kiểm tra sớm, tránh như các cụ nói từ xưa là “mất bò mới lo làm chuồng” là rất dở.

“Nhưng để mất bò rồi mà còn không dám làm chuồng thì còn dở hơn. Cho nên, tất cả thị trường phải thông suốt, một mặt phải giám sát thị trường, mặt khác phải tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường phát triển. Chúng ta chấn chỉnh xử lý những cái méo mó, hư hỏng của thị trường chứ không phải đóng cửa, hạn chế thị trường phát triển. Chính sách đối với tài chính kinh tế không thể giật cục được, nó phải nhất quán thông suốt, dự phòng, dự liệu nội dung khác nhau”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.

Cẩm Tú/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận