Cần phải thay đổi cơ cấu cây trồng, phương thức tổ chức sản xuất, chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp với tình hình thời tiết thay đổi bất thường. Đây là một trong những nội dung được các chuyên gia, cơ quan chức năng đưa ra tại Tọa đàm bàn giải pháp tổng hợp để khắc phục thiệt hại trên cây lúa và hoa màu sau thiên tai. Tọa đàm do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị tổ chức sáng nay (11/5) tại huyện vùng trũng Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Đợt mưa lũ bất thường xảy ra vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua tại khu vực miền Trung gây thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp. Riêng tại tỉnh Quảng Trị, hơn 11.000 ha lúa Hè Thu bị ngập úng, ngã đổ, thiệt hại từ 30% - 70%, sản lượng lúa vụ Hè Thu giảm 40.000 tấn, ảnh hưởng đến an ninh lương thực của 45.000 hộ nông dân. Hiện nay, nông dân đang tập trung khắc phục hậu quả, khôi phục sản suất, trước mắt tập trung triển khai vụ Hè Thu đảm bảo thắng lợi bù đắp lại thiệt hại vụ Đông Xuân.
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Trần Thị Thu Hà, Giảng viên Trường Đại học Nông lâm Huế cho rằng, thiên tai ngày càng dị thường, cực đoan, khó lường ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Cây trồng ngày càng mẫn cảm với nhiệt độ, lượng mưa, khí thải trong không khí, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Vì vậy, cần thiết phải thay đổi cơ cấu cây trồng, phương thức tổ chức sản xuất cho phù hợp với tình hình mới.
PGS.TS. Trần Thị Thu Hà khuyến cáo, trước mắt để khôi phục sản xuất, nông dân tập trung vệ sinh đồng ruộng, vì sau thiên tai, trên đồng ruộng có nhiều sâu bọ gây hại, ảnh hưởng đến vụ sau. Các địa phương cần thay đổi cơ cấu giống, sử dụng giống lúa ngắn ngày có khả năng chống chịu với thiên tai và rút ngắn thời vụ tránh lũ tiểu mãn.
“Đối với vùng thấp trũng như huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có khí hậu bất thường như hiện nay thì việc nghiên cứu, chuyển đổi cây trồng rất cấp thiết, đặc biệt vùng trũng như hiện nay không nên trồng lúa. Cây trồng y hiện nay mang lại hiệu quả cao là cây sen, bởi vì cây sen mang lại nhiều giá trị. Còn vùng không chuyển đổi được thì phải dùng giấy lúa ngắn ngày có khả năng chống úng được nhưng giống lúa này cũng rất khó tìm kiếm trên thị trường”, PGS.TS. Trần Thị Thu Hà khuyến cáo.
Đại diện các HTX nông nghiệp vùng trũng huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị kiến nghị nhà nước cần hỗ trợ nông dân giống lúa ngắn ngày và hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng để khôi phục sản xuất. Về lâu dài, cần đầu tư hoàn thiện, nâng cấp tuyến đê bao ngăn lũ và hệ thống bơm tưới chống ngập úng khi mưa lũ bất thường.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp khắc phục hậu quả. Trước mắt, đề nghị Trung ương hỗ trợ 1.200 tấn giống lúa và hoa màu để khôi phục sản xuất vụ Hè Thu; kiến nghị HĐND tỉnh thông qua gói hỗ trợ lãi suất để các HTX nông nghiệp vay vốn mua phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng cho vụ Hè Thu tới.
“Đối với vùng trũng Hải Lăng và Triệu Phong cần có nghiên cứu đánh giá toàn bộ hệ thống nâng cao năng lực tiêu úng, thoát lũ, đặc biệt là lũ dị thường. Tiếp tục nghiên cứu loại giấy cây trồng, con vật nuôi mới phù hợp với biến đổi khí hậu. Quy hoạch, chuyển đổi các hình thức tổ chức sản xuất giữa trồng trọt, chăn nuôi thủy sản hài hòa”, bà Phương lưu ý./.
Theo VOV.VN