Khách dồn dập rủ nhau đi chơi, các tour du lịch liệu có 'bùng nổ'?

Khách du lịch nội địa không chỉ bùng nổ dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, mà, nhiều đơn vị lữ hành đã kín lịch đăng ký của các đoàn khách cho dịp hè.

 

Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là việc bùng phát của đợt dịch lần thứ 4, ngành du lịch trong nước nói riêng và thế giới nói chung tưởng chừng đã kiệt quệ. Nhưng khi dịch bệnh vừa lắng xuống, các quy định về phòng chống dịch bệnh dần được nới lỏng thì lượng khách vọt tăng đột biến.

Giám đốc cũng "xắn tay" làm sales

Đang dẫn hai đoàn khách đi Pleiku – Măng Đen (Kon Tum), ông Đoàn Tuấn, Trưởng phòng Du lịch trong nước, Công ty Du lịch dịch vụ Hà Nội (Hanoi Toserco), hào hứng cho hay, sau hơn 2 năm đóng băng, nhân viên công ty mới ở lại văn phòng làm việc khuya đến vậy. 22h đêm hôm trước, ông cùng mọi người vẫn tất tả hoàn thiện mọi công việc để 4h sáng hôm sau dẫn đoàn khách này đi Kon Tum.

“Số lượng khách đặt tour rất khả quan. Năm nay khách đặt sớm, khởi động lại các chuyến đi sau thời gian bí bách vì dịch bệnh. Dự báo hè này du lịch nội địa sẽ bùng nổ”.

Ông Tuấn tự tin nhận xét như vậy là bởi Hanoi Toserco đã chốt và ký hợp đồng cho 800 khách bay Đà Nẵng ở resort 5 sao, gồm hai đoàn từ 27-29/5 và 28-30/5. Một đoàn 1.700 khách khác cũng sẽ khởi hành đi Thanh Hóa vào tháng 6.

Giám đốc một DN lữ hành tại phố Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) miêu tả, không khí tại công ty ồn ào, náo nhiệt như trên sàn chứng khoán. Nhân viên không đủ thời gian tư vấn khách, nhất là khách lẻ, chỉ đặt dịch vụ vé máy bay và phòng khách sạn mà đi ngắn ngày. Ngay cả giám đốc cũng xắn tay cùng 7 nhân viên sales làm việc từ 8h sáng tới 9h tối vì thiếu người. Ông Bằng tiết lộ, dịp lễ 30/4-1/5 này không còn gì để bán vì đã hết từ lâu.

Tất nhiên, vị CEO này cho rằng khó có thể kỳ vọng lượng khách du lịch đặt tour trọn gói qua các đơn vị lữ hành đông như thời điểm trước dịch Covid-19 (năm 2019), cũng không phải DN nào cũng đón được lượng khách lớn tùy vào thương hiệu, uy tín và sự linh hoạt, thích ứng của từng đơn vị. Chưa kể, các yếu tố khác như nhân sự thiếu trầm trọng, dịch vụ còn đứt gãy, xu hướng du lịch thay đổi... cũng tác động đáng kể tới hoạt động lữ hành. Song, đây là bước khởi động lạc quan.

Ngay dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, một số công ty lữ hành nhận xét, có sự khác biệt rất lớn so với thời điểm trước dịch Covid-19 là khách chốt tour rất nhanh, không đắn đo cả vài tháng như trước, kể cả những đoàn đông trên 1.000 người.

Nhờ đó, trong tháng 3, Saigontourist đã tổ chức cho khoảng 3.000 du khách đến Đà Nẵng, trong đó có những đoàn lên tới 700 người. Tổng lượng khách tháng 3 toàn hệ thống phục vụ khoảng 80.000 khách. Trong tháng 4, riêng dịp giỗ Tổ 10/3, lượng khách là 8.000 lượt. Dự kiến dịp lễ 30/4-1/5, Saigontourist phục vụ 30.000-35.000 khách trong và ngoài nước.

Tại Công ty du lịch Vietravel, số lượng khách đặt tour dịp lễ 30/4 đã lên tới 15.000 khách, tour hot còn rất ít chỗ. Sức mua tại Fiditour-Vietluxtour cũng tăng hơn 30-40% so với kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm ngoái.

Các loại hình du lịch mới đang hút khách

Bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống đã phổ biến từ trước tới nay như: các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch theo đoàn... thường là đặt tour tại các công ty hay lữ đoàn du lịch thì việc du lịch tự túc (hay đi phượt) cũng được thế hệ các bạn trẻ quan tâm và ưa chuộng vì sự tự do và sự hấp dẫn khi không tuân theo những lịch trình cứng nhắc mà du lịch truyền thống mang lại.

Hình thức du lịch mới này ngày càng được ưa chuộng do tính tự do và phá cách mới mẻ, sự phá cách mà chỉ riêng hình thức du lịch này mới có thể mang lại. Hơn nữa, các dịch vụ đi kèm như nghỉ dưỡng cũng đang trở nên ngày càng đa dạng để phục vụ riêng cho những đối tượng khách du lịch này như homestay. Đây là một hình thức nghỉ dưỡng mới nổi lên trong một số năm gần đây, loại hình dịch vụ lưu trú mà khách du lịch sẽ nghỉ, ngủ tại nhà người dân bản địa, nơi mà họ đặt chân đến nhằm giúp du khách khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu phong tục tập quán, đời sống văn hóa của từng vùng miền tại địa phương đó. Loại hình nghỉ dưỡng này khá tiện lợi và phù hợp với các bạn trẻ do việc đặt phòng không phải cần quá nhiều thủ tục rườm rà như các nhà nghỉ hay khách sạn. Bên cạnh đó họ còn được trải nghiệm cuộc sống của những người dân bản địa, hòa mình gần hơn với thiên nhiên, nhất là một quốc gia đa dạng văn hóa như Việt Nam.

Du lịch biển được nhiều khách ưa chuộng.Du lịch tâm linh là một loại hình du lịch không mới nhưng nổi lên trong những năm gần đây là một đối thủ đáng gờm khi hàng loạt các ngôi chùa lớn bậc nhất Đông Nam Á mọc lên thu hút lượng khách khổng lồ trong và ngoài nước như chùa Tam Chúc ở tỉnh Hà Nam được mệnh danh ngôi chùa lớn nhất thế giới hay chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh, ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất đạt kỷ lục Việt Nam...

Du lịch tâm linh là hình thức du lịch dựa trên cơ sở khám phá văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh vừa có mục đích đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người. Du lịch tâm linh không chỉ mang đến cho khách du lịch những trải nghiệm mới lạ về một vùng đất mới, mà còn chứa đựng những giá trị, trải nghiệm tinh thần hết sức thiêng liêng cho người đi du lịch.

Bằng việc duy trì các tour du lịch tâm linh, mở ra khu trưng bày, triển lãm, kết hợp hệ thống nghỉ dưỡng... cũng là cách địa phương gia tăng việc làm, tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương và thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Vì thế đây là hình thức du lịch được các địa phương ưu tiên trong trong việc phát triển để thúc đẩy kinh tế, cũng như tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương./.

CTV Đặng Tân/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận