Thị trường chứng khoán: Tìm cơ hội trong rủi ro

Theo nhiều chuyên gia, thị trường đang mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro cho nhà đầu tư, so với khi thị trường tăng nóng.

 

Sau chuỗi rớt điểm liên tiếp suốt từ đầu tháng 4, VN-Index đảo chiều tăng vọt trở lại ở cuối phiên giao dịch hôm nay (26/4) và kết thúc khi tăng hơn 30 điểm.

VN-Index rung lắc mạnh trong biên độ tới 80 điểm

Sau nhiều tuần liên tục "gồng lỗ", nhà đầu tư cá nhân đã không còn giữ được bình tĩnh khi chứng kiến thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch sáng nay 26/4 tiếp tục rơi thẳng đứng, các chỉ số khác cũng giảm sâu và cổ phiếu vốn hóa lớn giảm sàn hàng loạt. Toàn bộ nhóm cổ phiếu thuộc nhóm VN30 chìm trong sắc đỏ. Các cổ phiếu lớn như VIC, VHM, NVL, MSN, MWG... đều "nằm sàn". Đến khoảng 9h40, VN-Index mất gần 50 điểm về sát vùng 1.260 điểm. Hàng loạt cổ phiếu giảm sàn khiến nhà đầu tư tái mặt. Khối lượng giao dịch đạt khoảng 3.800 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch trong nhóm VN30 chiếm khoảng 50% toàn thị trường. Trong khi thị trường bất ngờ giảm mạnh, khối ngoại vẫn tích cực mua vào liên tục. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 400 tỷ đồng trong đầu phiên sáng nay, tập trung vào nhóm hóa chất, phân bón, bất động sản, các mã bluechip.

Đến 10h, VN-Index xuất hiện dấu hiệu phục hồi. Việc một số bluechips trong VN30 xanh trở lại đã giúp VN-Index thu hẹp đà sụt giảm còn -13 điểm. Toàn thị trường có 175 mã giảm, 836 mã lấy lại tham chiếu, 551 mã giảm giá. Dẫn đầu khối lượng giao dịch là nhóm các cổ phiếu VPB, MBB, HPG, ACB… Trong khi đó, cổ phiếu VHM, FPT, MSN, EIB vẫn giảm mạnh, ảnh hưởng nhiều nhất đến đà giảm của VN-Index. Thanh khoản toàn thị trường đạt 8.000 tỷ đồng.

Từ việc bay gần 50 điểm và mất mốc 1.270 điểm, VN-Index đóng cửa phiên giao dịch hôm nay tăng 30,42 điểm lên 1.341,34 điểm.

Tuy nhiên, sang đến phiên chiều, lực cầu bắt đáy tăng mạnh đã khiến VN-Index đảo chiều hồi phục và tăng mạnh ở những phút gần cuối phiên. Góp công lớn trong cú lội ngược dòng ngoạn mục này đến từ dòng tiền đổ vào mua nhiều mã chứng khoán trụ cột, sở hữu vốn hóa lớn trên thị trường, điển hình là VPB, GAS, VHM, SAB, VIC, BID, VNM, MBB, VRE, GVR...

Phiên giao dịch ngày 26/4 kết thúc với nhiều diễn biến nhanh và bất ngờ. Từ việc bay gần 50 điểm và mất mốc 1.270 điểm, VN-Index đóng cửa phiên giao dịch hôm nay tăng 30,42 điểm (+2,32%), lên 1.341,34 điểm với 338 mã tăng (53 mã tăng trần) và 105 mã giảm; chỉ giảm còn 3,8 điểm (-0,29%) xuống 1.307 điểm, HNX-Index tăng 7,66 điểm (+2,27%), lên 345,17 điểm và UpCoM-Index tăng 1,6 điểm (+1,61%), lên 101,15 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt hơn 24.320 tỷ đồng. Đáng chú ý, chốt phiên hôm nay, riêng nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 1.020 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trở thành phiên thứ sáu mua ròng liên tiếp với tổng giá trị hơn 3.920 tỷ đồng.

Thị trường đang mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro cho nhà đầu tư

Sau khi thị trường chứng khoán liên tục lao dốc trong thời gian dài, chuyên gia của Công ty cổ phần Quản lý Quỹ VinaCapital cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức giá rất hợp lý cho đầu tư dài hạn với mức P/E (thị giá trên thu nhập của một cổ phiếu) năm 2022 là 11,5 lần, thấp hơn hẳn so với mức trung bình 5 năm gần nhất (14,5 lần).

“Khi thị trường chứng khoán biến động ngắn hạn, thay vì bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông thì chúng ta cần bình tĩnh và thấy đó là một cơ hội tiềm năng để đầu tư thêm với giá rẻ hơn. Như Warren Buffett đã từng khuyên: "Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi". Nếu đầu tư ngay đỉnh thị trường, nghĩa là mua khi giá chứng chỉ quỹ hay cổ phiếu ở mức cao thì nhà đầu tư cần đầu tư dài hạn và tiếp tục đầu tư thêm khi giá giảm sẽ giúp giá trung bình thấp hơn”, chuyên gia của VinaCapital nêu quan điểm.

Do đó, các chuyên gia bày tỏ tự tin rằng thị trường có thể vượt qua những sự kiện tiêu cực trong ngắn hạn và diễn biến tích cực hơn trong phần còn lại của năm 2022 vì nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, với GDP được dự báo tăng khoảng 6,5% trong năm nay.

Còn theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI, khi tăng lãi suất, giá vốn không còn rẻ thì thị trường chứng khoán tất nhiên sẽ giảm điểm. Đây là nguyên nhân chính của xu thế thị trường khi cả thế giới đang kiểm soát cung tiền. Việc cơ quan chức năng kiểm soát việc giao dịch của một số nhóm thao túng thị trường, cũng như đang kiểm tra chấn chỉnh việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các tập đoàn kinh tế tư nhân đã ảnh hưởng giảm sâu đến thanh khoản và giá của một số mã chứng khoán nhưng thực sự vẫn theo xu thế chung của thị trường thế giới. Theo đó, từ đầu năm đến nay, VN-Index giảm 7%, chỉ số chứng khoán Mỹ (SP500) giảm 6,4%, ở Hàn Quốc giảm 9%, ở Trung Quốc giảm 16,5%, Hang Seng giảm 9,7%,…

Thống kê cho thấy, 2 tháng đầu sau khi tăng lãi suất, thị trường chứng khoán luôn bị điều chỉnh giảm, sau 12 tháng thì đa số thị trường tăng điểm trở lại và cao hơn so với trước khi tăng lãi suất, theo chia sẻ của ông Nguyễn Duy Hưng.

Còn theo Bloomberg, P/E dự báo của thị trường Việt Nam cho năm 2022 là khoảng 13,5. Mức P/E này được Chủ tịch SSI cho là khá thấp trong bối cảnh nhiều ngành nghề của Việt Nam sẽ được hưởng lợi trước tình hình hiện tại của thế giới.

“Thị trường đang mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro cho nhà đầu tư, so với khi thị trường tăng nóng ở đỉnh. Khi thị trường sụt giảm bất kể vì lý do gì thì các nhà đầu tư đang giữ danh mục cổ phiếu đều thấy mất tiền và có cảm giác bi quan. Tuy nhiên, “qua cơn mưa trời lại sáng”, việc lành mạnh hoá thị trường luôn là yếu tố tích cực nhằm bảo vệ nhà đầu tư và cả nền kinh tế”, ông Nguyễn Duy Hưng khẳng định./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận