Sơn La phát triển logistics để trở thành trung tâm chế biến nông sản

  • 13/04/2022 12:00:00
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Sơn La là tỉnh có sản lượng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích cây ăn quả ước đạt trên 84.000 ha, sản lượng đạt trên 450.000 tấn. Mặc dù tiềm năng nông sản dồi dào nhưng dịch vụ logistics của Sơn La chưa có tính liên kết cao, chưa mang lại giá trị gia tăng lớn, quy mô tương đối nhỏ.

 

Mục tiêu trở thành trung tâm chế biến nông sản

Chia sẻ tại hội nghị “Định hướng phát triển logistics trong tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La” vừa qua, ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết, hiện tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra toàn tỉnh ước đạt trên 84.000 ha, với sản lượng đạt trên 450.000 tấn. Trong số này Sơn La có một số loại nông sản chính như tinh bột sắn, ngô, cà phê, chè, mận, xoài, nhãn… Tỉnh Sơn La hiện có trên 500 cơ sở chế biến nông sản, trong đó 50 cơ sở chế biến xuất khẩu với các sản phẩm như sữa, đường, cafe, chè, chanh leo, xoài, nhãn… Với quy mô này, đây cũng là tỉnh có sản lượng cây ăn trái lớn nhất miền Bắc hiện nay.

Đến nay, toàn tỉnh Sơn La có 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thuỷ sản an toàn, 24 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, 35 sản phẩm được lên sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, tỉnh đã xúc tiến xuất khẩu và giới thiệu được 17 sản phẩm nông sản vào thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. “Sơn La đặt mục tiêu trở thành trung tâm chế biến nông sản, cây dược liệu, du lịch của vùng Tây Bắc. Vì vậy địa phương kỳ vọng thu hút ngày càng nhiều hơn các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến vào tỉnh”, ông Lê Hồng Minh cho hay.

Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La cho biết, hiện nay tỉnh đã thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản quy mô lớn. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 35 nhà máy, cơ sở chế biến sản phẩm nông sản, thủy sản và trên 2.500 cơ sở sấy long nhãn. Trong đó, một số nhà máy có quy mô lớn như: Nhà máy chế biến rau, quả Daveco Sơn La, Nhà máy chế biến rau quả và đồ uống công nghệ cao - Tập đoàn TH, Nhà máy chế biến Chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Công ty CP Nafoods Tây Bắc; Nhà máy Cà phê Phúc Sinh, Nhà máy sữa Mộc Châu,…. Tuy nhiên hệ thống dịch vụ logistics còn thiếu và yếu. Nhìn chung, các dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, loại hình dịch vụ đơn giản, chưa có tính liên kết cao, chưa mang lại giá trị gia tăng lớn. Chủ yếu là các hoạt động vận tải, chuyển phát hàng hóa đơn lẻ hoặc dịch vụ thuê kho, bãi. Các dịch vụ khác như: Hỗ trợ bảo quản (kho lạnh, sấy nhiệt, chiếu xạ), đóng gói, hỗ trợ thủ tục hải quan, giao nhận, phân tích và kiểm định kỹ thuật, ... hầu như chưa có doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. Hạ tầng đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ, năng lực bốc xếp cũng như khả năng kết nối với các tuyến đường bộ còn hạn chế. Sơn La không có các tuyến đường sắt và đường hàng không vận chuyển hàng hóa trực tiếp. Tỉnh có 01 Cảng hàng không Nà Sản (huyện Mai Sơn, cách thành phố Sơn La khoảng 20km) được đầu tư cải tạo đưa vào khai thác giai đoạn 1978-1979, đến năm 2004 thì dừng khai thác do cơ sở hạ tầng xuống cấp không đáp ứng được điều kiện bay.

Bà Đỗ Thị Bích Châu cho hay: “Tỉnh có 02 cửa khẩu chính thực hiện việc xuất nhập khẩu hàng hóa với nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, là Cửa khẩu Chiềng Khương - Huyện Sông Mã và Cửa khẩu Lóng Sập, huyện Mộc Châu. Điều kiện cơ sở vật chất tại 02 khu vực cửa khẩu còn tương đối sơ sài, mới chỉ có nhà kiểm soát liên hợp và bãi tập kết hàng hóa (với diện tích tương đối hạn chế khoảng 1.000 m² với Cửa khẩu Lóng Sập và 2.000 m² với cửa khẩu Chiềng Khương)”.

Xây dựng mạng lưới phân phối

Đánh giá về thực trạng hoạt động logistics ở Sơn La, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng, Sơn La có số lượng và quy mô doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics còn hạn chế; chưa có các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ logistics chuyên nghiệp theo chuỗi liên hoàn, khép kín từ khâu đóng gói, vận chuyển, tập kết, bốc dỡ hàng hóa, làm thủ tục thông quan, lưu kho... nên hàng nông sản tươi số lượng lớn của tỉnh đa số phải thuê các doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp từ các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhu cầu tiêu dùng, sử dụng dịch vụ logistics, bao gồm vận tải đường bộ, khai thuế hải quan, kho bãi, đóng gói, quản lý kho hàng, giao nhận hàng hóa, quản lý đơn hàng, dịch vụ hàng hóa, dịch vụ thủ tục giấy tờ... của các doanh nghiệp tại Sơn La là khá thường xuyên. Hầu hết các dịch vụ này được các doanh nghiệp thuê ngoài bởi chưa có đủ cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực chuyên nghiệp để có thể tiến hành các dịch vụ logistics trọn gói.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương: Việc phát triển các trung tâm logistics đòi hỏi thời gian xây dựng lâu dài nên kiến nghị Chính phủ cần có các chính sách để kêu gọi và hỗ trợ đầu tư trung tâm logistics. Cụ thể như ưu đãi thuế, bảo lãnh khoản vay, bảo hiểm tín dụng, tài trợ lãi suất thấp... Bên cạnh đó, quy hoạch các trung tâm logistics đồng bộ, gắn với quy hoạch chung, với các mục tiêu phát triển của địa phương, khu vực, vùng miền, quốc gia... Cùng với đó, tỉnh Sơn La cũng xây dựng chính sách nhằm khuyến khích phát triển Trung tâm Logistics tại khu cửa khẩu quốc gia Lóng Sập - huyện Mộc Châu; Xây dựng chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng thương mại đặc biệt là các chợ đầu mối nông sản, chợ biên giới; Tỉnh sớm phê duyệt các HTX đủ điều kiện được hỗ trợ xây dựng nhà sơ chế, kho lạnh bảo quản nông sản, nâng cao chất lượng hàng nông sản.

Đối với dịch vụ vận tải, các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải, giao nhận kho vận tại Sơn La hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và nhỏ, không ít công ty vốn đăng ký chỉ một vài trăm triệu đồng, hoạt động tản mạn, manh mún. Chưa có doanh nghiệp nào có năng lực đủ mạnh để tham gia cung ứng dịch vụ logistics hoặc cung ứng dịch vụ vận tải tổng hợp tại nước ngoài.

“Vì thế, để Sơn La trở thành trung tâm cốt lõi nội vùng, cùng với các địa phương khác trong khu vực Tây Bắc hình thành cực phát triển, là cầu nối với các vùng kinh tế năng động, phấn đấu trở thành trung tâm logistics nông sản của vùng Tây Bắc trong tương lai thì tỉnh cần xây dựng một mạng lưới phân phối, hệ thống chi nhánh, nơi phân phối cuối cùng. Khuyến khích đầu tư kho bãi, đặc biệt là kho mát để bảo quản hàng nông sản, ICD, các trung tâm sơ chế, đóng gói và bảo quản nông sản, các trung tâm sấy, chiếu xạ, khử trùng, các điểm tập kết xe tải, container, các thiết bị nâng hạ xếp dỡ container”, ông Khoa nhấn mạnh.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận