Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi: Cần có cơ chế đặc thù để thu hút nhà đầu tư chiến lược

Sau hơn 13 năm thực hiện, Luật Dầu khí sửa đổi bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp, đặc biệt là chưa có cơ chế khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

 

Vì thế việc sửa đổi Luật Dầu khí, trong đó việc đề ra cơ chế khuyến khích đặc thù là rất cần thiết nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đang gây ra sự thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi do Bộ Công thương soạn thảo quy định như thế nào về cơ chế đặc thù cho hoạt động đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí? Những đổi mới này liệu đã đủ thông thoáng, cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí?

Luật Dầu khí sửa đổi do Bộ Công thương soạn thảo có 9 chương, 57 Điều, gồm: Những quy định chung; Điều tra cơ bản về dầu khí; Hợp đồng dầu khí; Trình tự, thủ tục phê duyệt trong triển khai hoạt động dầu khí và dự án dầu khí; Quản lý nhà nước về dầu khí…

Cụ thể, với chính sách của Nhà nước về dầu khí, dự thảo Luật quy định: Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư để tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí tại Việt Nam. Kinh phí cho điều tra cơ bản về dầu khí được bố trí từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân.

Liên quan đến hợp đồng dầu khí, dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi quy định, thời hạn hợp đồng theo hướng linh hoạt, ưu tiên cho nhà thầu đang thực hiện hợp đồng. Cụ thể: quy định 30 năm đối với cả dầu và khí; các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt, thời hạn hợp đồng dầu khí không quá 35 năm (tăng thêm 5 năm so với Luật Dầu khí trước đây); thời hạn của giai đoạn tìm kiếm thăm dò dầu khí có thể được gia hạn thêm nhưng không quá 5 năm (tăng thêm 3 năm so với Luật Dầu khí trước đây).

Về quyền ưu tiên tham gia trong hợp đồng dầu khí, dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi quy định: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được ưu tiên tham gia vào hợp đồng dầu khí; ưu tiên mua lại một phần hoặc toàn bộ quyền lợi tham gia của nhà thầu trong hợp đồng; nhận chuyển giao toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ tham gia của nhà thầu trong trường hợp nhà thầu quyết định rút khỏi hợp đồng dầu khí vì lý do đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, dự thảo Luật quy định: sau khi kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí được phê duyệt, trong trường hợp cần nghiên cứu, thu thập bổ sung thông tin để giảm thiểu rủi ro, nhà thầu có thể lập kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, báo cáo Bộ Công Thương thẩm định và phê duyệt.

Lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau: Nằm ở vùng nước sâu, xa bờ, khu vực có điều kiện địa lý đặc biệt khó khăn, địa chất phức tạp; Đã tổ chức đấu thầu theo các điều kiện kinh tế - kỹ thuật của hợp đồng dầu khí thông thường nhưng không có nhà thầu, nhà đầu tư quan tâm; Các mỏ dầu khí cận biên thuộc các lô dầu khí đã ký kết hợp đồng dầu khí... Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt.

Hợp đồng dầu khí đối với lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32%, thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 10% và mức thu hồi chi phí tối đa 70% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.

Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi đang được Bộ Công thương lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan. Dự thảo Luật sẽ tiếp tục được chỉ lý, hoàn thiện, gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trước khi Chính phủ trình ra Quốc hội.

Vì sao cần phải có cơ chế đặc thù cho hoạt động đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí? Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi liệu có giải quyết được những vướng mắc hiện nay?

PV VOV Giao thông phỏng vấn ông Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam.

PV: Ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết phải có cơ chế, chính sách đặc thù để kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí?

Ông Ngô Thường San: Bây giờ, tình trạng tất cả những mỏ lớn, trên 20 năm khai thác, trữ lượng nó sẽ cạn kiệt đi dần, sản lượng suy giảm. Do đó, bây giờ phải phát triển những mỏ mới. Muốn tìm những mỏ mới phải đi xa vùng sâu, xa bờ, khai thác rất khó khăn.

Do đó chúng ta phải có cơ chế khuyến khích đầu tư, phải có một một tiêu chí mới, đặc biệt là vấn đề an ninh. Thứ hai là phải tạo điều kiện cho PVN tự chủ.

Bây giờ khai thác phải đi vào các tầng chứa phức tạp hơn nhiều, do đó phải đầu tư công nghệ mới, nhất là trong các cuộc cách mạng 4.0 chúng ta phải cải tiến và đầu tư công nghệ mới.

Do đó Petro Vietnam phải có cái quyền tự chủ cao hơn, để đầu tư công nghệ mới để phát triển mỏ. Do đó, Luật phải thoáng, trong luật đừng có đưa quá nhiều đề mục, rất ít thôi để tạo điều kiện thu hút đầu tư.

PV: Ông đánh giá như thế nào về quyền và trách nhiệm của Petro Việt Nam trong dự thảo lần này mà Bộ Công thương đang trình Chính phủ?

Ông Ngô Thường San: Nó vẫn không đổi mới, mà cái này chúng ta phải đổi mới từ tư duy là tạo hành lang rất thoáng, đừng vì những khuyết điểm trong thời gian vừa qua mà cho rằng Petro Vietnam sai lầm trong đầu tư. Tôi nghĩ rằng Bộ Công thương, Bộ Tài chính trong quản lý vốn Nhà nước phải thông thoáng hơn nữa, tạo điều kiện, giao quyền cho Petro Vietnam quyết định về đầu tư.

Bây giờ chúng ta vẫn không đưa sản lượng nâng cao được, thời gian vừa qua đâu có đầu tư về thăm dò, tăng trữ lượng, đâu có đầu tư cải tiến khai thác. Do đó, tôi nghĩ rằng cách quản lý sợ mất vốn rất nguy hiểm. Đối với dầu khsi là phải mạnh dạn, phải thông thoáng hơn. Thứ hai là tạo điều kiện cho Tập đoàn Dầu khí có quyền tự chủ quyết định đầu tư khai thác.

PV: Vậy để giải quyết căn cơ bài toán đầu tư, những vướng mắc về thẩm quyền ra quyết định của nhà đầu tư, theo ông cần được quy định rõ như thế nào trong Luật Dầu khí sắp tới?

Ông Ngô Thường San: Không những Luật Dầu khí mà nhiều khi những luật của mình nó chống với nhau. Có thể Luật Dầu khí nó mở, nhưng Luật Đầu tư lại đóng. Do đó, cái đó cũng rất khó.

Cũng như những công trình đầu tư từ biển vào tới bờ, xây dựng đường ống trên biển và xây dựng đường ống trên bờ, ngay cả có thể nhà máy xử lý ở trên bờ, đó là công trình toàn bộ hết.

Bây giờ mà tính theo trên bờ và tính theo Luật Xây dựng cơ bản trong nước, ngoài biển tính đấu thầu nước ngoài, mà đấu thầu nước ngoài là đấu thầu toàn bộ chứ đâu phải đấu thầu riêng ở đất liền hay trên biển, mà theo cái giá của xây dựng cơ bản của Việt Nam thì không ai chấp nhận. Không làm được, nó tắc hết. Do đó, những người làm luật phải hiểu về dầu khí.

PV: Xin cảm ơn ông.

Ảnh minh hoạ (internet).

Liên quan đến việc phân cấp, phân quyền và thẩm quyền ra quyết định đầu tư trong hoạt động dầu khí trong dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi lần này, PV VOV Giao thông phỏng vấn Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội xung quanh nội dung này.

PV: Để đảm bảo an ninh năng lượng trong nước, giảm bớt sự phụ thuộc từ nước ngoài, ông đánh giá như thế nào về cơ chế, chính sách đặc thù để kêu gọi thu hút đầu tư vào tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam?

Ông Phạm Văn Hòa: Bổ sung, sửa đổi Luật Dầu khí là hết sức cần thiết, để tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực dầu khí. Tuy nhiên, như Thủ tướng Chính phủ nói, chúng ta không đánh đổi môi trường để lấy lĩnh vực kinh tế, phải đảm bảo về kinh tế, đảm bảo về lĩnh vực môi trường, vì môi trường hiện nay cũng rất quan trọng, trong khi đó ngành dầu khí cũng ảnh hưởng đến vấn đề môi trường.

Cho nên phải đảm bảo sự hài hòa, đôi bên cùng có lợi, mà cái quan trọng, cốt lõi là được nhà đầu tư chiến lược, được các nhà đầu tư lớn để đầu tư vào ngành dầu khí của Việt Nam.

PV: Theo ông chúng ta cần phải quy định rõ hơn về thẩm quyền ra quyết định của nhà thầu trong Luật Dầu khí như thế nào?

Ông Phạm Văn Hòa: Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi thì Petro Việt Nam chưa có đủ thẩm quyền, cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của Petro Việt Nam trong ngành dầu khí thì chưa rõ ràng lắm.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có rất nhiều tổng công ty, nhiều đơn vị nhỏ, cho nên không những của Petro Việt Nam, mà ngành dầu khí của Việt Nam nếu là ngành của Nhà nước nắm cổ phần chi phối thì cũng phải có trách nhiệm lớn và có nhiệm vụ, quyền hạn tương đối để làm sao cho ngành dầu khí vươn lên trên thế giới.

Cho nên phải xem xét cho kỹ, cụ thể nhiệm vụ đó để làm sao thực hiện chức năng của ngành dầu khí càng ngày càng tốt hơn.

PV: Theo ông, chúng ta cần nới lỏng hơn nữa trong việc phân quyền phân cấp trong những trường hợp nhất định như thế nào?

Ông Phạm Văn Hòa: Phân quyền phân cấp không đồng nghĩa là giao cho những đơn vị trực thuộc đó tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm. Phân quyền, phân cấp phải có kiểm tra, thanh tra và các đơn vị được phân quyền phân cấp đó phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với Chính phủ về việc phân quyền của mình; phát huy đúng vai trò của mình.

Cho nên trong phân quyền, phân cấp phải có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng. Tôi rất đồng tình trong dự thảo luật là phân quyền phân cấp cho từng lĩnh vực cho Tổng công ty. Họ có đủ thẩm quyền để ký kết, liên doanh với các đối tác, trong đó có đối tác nước ngoài.

Nhưng phải làm đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam và trách nhiệm của đơn vị phân cấp, phân quyền và trách nhiệm của cấp trên, phải có trách nhiệm liên đới với nhau, đặc biệt là đối với những người đứng đầu về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.

PV: Xin cảm ơn ông.

Hoàng Hà/vovgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận