Xuất khẩu của Việt Nam trong quý I/2022 tăng 12,9%

  • 04/04/2022 12:00:00
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine … nhưng xuất khẩu của Việt Nam trong quý I/2022 tăng 12,9%.

 

Theo Bộ Công Thương, mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine… nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2022 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, ước tính đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,37% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9%; nhập khẩu hàng hóa đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I/2022 ước tính xuất siêu 809 triệu USD. Cụ thể, về xuất khẩu hàng hóa:

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3/2021 hồi phục mạnh mẽ, ước đạt 34,06 tỷ USD, tăng 45,5% so với tháng trước và tăng 14,8% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu tăng cả về lượng và giá ở nhiều nhóm hàng, đặc biệt ở một số nhóm mặt hàng như: nông sản, dầu thô, xăng dầu, phân bón, chất dẻo…

Tính chung quý I/2022, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 88,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ, trong đó khu vực doanh nghiệp trong nước tăng cao (tăng 22%) hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 10%), điều này cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Trong quý I/2022 có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 5 mặt hàng so với quý I/2021, chiếm 83,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,9%). Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản quý I/2022, ước đạt 7,27 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Những mặt hàng tăng trưởng cao trong nhóm này gồm có: cà phê tăng 19,4% về lượng và tăng 50,4% về kim ngạch XK do giá xuất khẩu cà phê tăng cao; hạt tiêu mặc dù giảm 11,5% về lượng nhưng do giá xuất khẩu tăng nên tăng 40,8% về kim ngạch XK; gạo tăng 24% về lượng và tăng 10,5% về kim ngạch; sắn và các sảm phẩm về sắn mặc dù giảm 0,6% về lượng nhưng tăng 15,5% về kim ngạch XK; thủy sản tăng 38,7% về kim ngạch XK. Ngược lại, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm như: rau quả giảm 12%, nhân điều giảm 5%; chè các loại giảm 11,9%.

Điểm nổi bật trong xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản là xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 ước tính đạt 900 triệu USD, tăng 41% so với tháng 02/2022 và tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong quý I/2022, xuất khẩu thủy sản cả nước ước tính đạt 2,4 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước (trong đó cá tra và tôm là mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất). Nguyên nhân chủ yếu là các thị trường hiện đều có nhu cầu rất cao đối với thủy sản Việt Nam. Tình hình xung đột Nga - Ukraine mặc dù tác động nhỏ đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nga và Ukraine (Nga chiếm 2%, Ukraine chiếm 0,3%) nhưng lại có tác động lớn đến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam khi hai thị trường này là 2 trong số 20 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến quý I/2022 tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch đạt 76,18 tỷ USD, tăng 11,6% so với quý I/2021 và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.

Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm đều tăng trưởng cao hơn so với quý I/2021. Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 14,23 tỷ USD, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 13,05 tỷ USD, tăng 9,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 9,9 tỷ USD, tăng 8,8%; hàng dệt may đạt 8,84 tỷ USD, tăng 22,5%; giày dép đạt 5,29 tỷ USD, tăng 10,1%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,04 tỷ USD, tăng 5,6%; Sắt thép các loại đạt 2,16 tỷ USD, tăng 7,1%. Trong đó, một số mặt hàng tăng mạnh so với quý I/2021 như: phân bón các loại tăng 183% (do giá phân bón tăng cao và nhu cầu tăng đột biến); hóa chất tăng 67%; Đá quý và kim loại quý tăng 55,7%; Mây, tre, cói và thảm tăng 34,4%; Sản phẩm chất dẻo tăng 30,2%; Thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 29,7%...

Đối với mặt hàng xăng dầu, do tình hình địa chính trị bất ổn, nguồn cung khan hiếm, sự phục hồi kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới đã ảnh hưởng lớn đến giá xăng dầu thế giới. Vì vậy, trong thời gian tới Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng linh hoạt, hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân, đảm bảo thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế của Chính phủ.

Đồng thời, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu và hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã được giao trong năm 2022 và giao bổ sung theo Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/02/2022 của Bộ Công Thương để có sự điều hành phù hợp.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận