Tạo động lực để doanh nghiệp nhà nước 'giữ vị trí then chốt'

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn: doanh nghiệp nhà nước tiên phong, vượt khó, tạo bước phát triển nhanh, bền vững.

 

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị

"Những gì những doanh nghiệp tư nhân, FDI chưa làm được, chưa có điều kiện để làm hoặc những nơi khó khăn thì doanh nghiệp nhà nước phải xốc vác, tiên phong"

"Chung tay xây dựng hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp, môi trường lành mạnh, cạnh tranh, bình đẳng, trách nhiệm, nghĩa tình, nhân văn và không tham nhũng, phù hợp với định hướng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc...nhiệm vụ này cả Chính phủ, doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương và từng cá nhân cần phải chung tay". 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ: “Chúng ta xác định doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển KTXH”. Thủ tướng mong muốn: doanh nghiệp nhà nước tiên phong, vượt khó, tạo bước phát triển nhanh, bền vững. Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong chia sẻ với Báo TNVN những kỳ vọng trong tạo động lực cho doanh nghiệp nhà nước.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Doanh nghiệp nhà nước cần tiên phong, dẫn dắt, mở đường

Thưa Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, mặc dù được kỳ vọng khá lớn nhưng dường như một bộ phận doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) còn chưa cảm nhận được đầy đủ động lực phát triển. Ông nhận xét gì về thực tế này?

DNNN ở Việt Nam có một vị thế đặc biệt cũng hoạt động trong một môi trường tương đối đặc thù. Trong một thời gian dài DNNN Việt Nam là trụ cột tổng hợp, toàn diện, lâu dài của nền kinh tế, đặc biệt là thời kỳ đất nước có chiến tranh. Sau đổi mới, vị thế, môi trường của DNNN có sự điều chỉnh theo hướng thị trường nhiều hơn nhưng vẫn đảm nhận sứ mệnh xã hội rất lớn, đồng thời đóng vai trò đặc biệt trong việc xây dựng những trụ cột lớn của kinh tế, đặc biệt là cơ sở hạ tầng cũng như trong một số lĩnh vực mũi nhọn, ưu tiên, trong công nghiệp quốc phòng. Cho đến nay, DNNN hoạt động chung với DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài theo điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, tuy nhiên một bộ phận vẫn hoạt động trong một khung thể chế khá đặc thù, nhất là những DN thuộc lĩnh vực nhà nước độc quyền, lĩnh vực phi lợi nhuận, nhất là quốc phòng và an ninh. Và động lực của các DN này đương nhiên là phục vụ mục tiêu quốc gia, theo chỉ đạo và cơ chế mà nhà nước đã dành cho họ. Còn những DNNN khác, nhất là DN đã cổ phần hóa (CPH) thì cơ bản hoạt động theo thị trường, lấy động lực kinh doanh, mục tiêu lợi nhuận, mục tiêu xã hội phù hợp khác làm động lực cho mình.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: "Khu vực DNNN luôn có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong từng giai đoạn, từng kỳ Đại hội Đảng. Tôi hy vọng, sau hội nghị này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có những quyết sách quan trọng, căn cơ để "cởi trói", tạo động lực mạnh mẽ, khơi thông nguồn lực để DNNN có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới".

Vậy theo ông, với những cơ chế đặc thù đó, các DNNN đã tạo ra được những kết quả khác biệt tương xứng hay chưa?

Đây là một câu hỏi không dễ trả lời bởi nó đòi hỏi một sự tổng hợp rất lớn về đầu tư cũng như kết quả DNNN đạt được. Nhưng cảm nhận thực tiễn thì chúng ta cần ghi nhận các DNNN đã đóng được trọn vai trò lịch sử của mình ở những giai đoạn và lĩnh vực quan trọng. Ví dụ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh, công nghiệp hóa dầu, điện, than… DNNN đã đảm nhận tốt nhiệm vụ và đạt được kết quả tương xứng với những cơ chế đặc thù mà Nhà nước dành cho họ. Tuy nhiên, cũng còn những tập đoàn làm ăn chưa hiệu quả, chưa được như mong muốn, điển hình là 12 đại dự án của Bộ Công Thương đang phải xem xét điều chỉnh. Rõ ràng là kết quả đạt được không tương xứng với những nguồn lực, cơ chế họ đã được nhận từ Nhà nước. Như vậy, về tổng thể không thể nói là kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư mà cần phân tích rõ trong những bối cảnh, thời điểm khác nhau, trong những lĩnh vực khác nhau và thậm chí là trong từng DN khác nhau.

 

Tôi cũng nhất trí với quan điểm của ông là khi đánh giá DNNN không thể “vơ đũa cả nắm” mà cần tách bạch mặt được và mặt chưa được. Tuy nhiên, với những gì mà một số DNNN thể hiện thì rõ ràng chúng ta cần cơ chế phù hợp hơn trong quản lý các DNNN. Theo ông, đó là những giải pháp như thế nào?

Một trong những mục tiêu của quá trình đổi mới, sắp xếp, CPH và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN là thu gọn lại những lĩnh vực mà DNNN tham gia. Quá trình này được triển khai khoảng 20 năm nay, tăng tốc trong những năm gần đây nhưng thời gian này có xu hướng chậm lại. Ngay cả khái niệm “vai trò trụ cột”, “vai trò nòng cốt”, “vai trò chủ đạo” của DNNN cũng được điều chỉnh khác với trước đây. Trước đây chúng ta hiểu trụ cột tức là nắm giữ phần lớn, cơ bản, ổn định vững chắc, cồng kềnh trong tỷ trọng nền kinh tế, nhưng hiện nay sự chủ đạo được hiểu theo nghĩa linh hoạt hơn rất nhiều. Thứ nhất, chỉ chủ đạo trong một số lĩnh vực Nhà nước độc quyền và cần phải độc quyền (ví dụ như dầu lửa hay quốc phòng, an ninh…). Thứ hai, chủ đạo cũng không phải trên cơ sở đầu tư hay chiếm lĩnh thị trường hoặc chiếm tỷ trọng cao nhất, cố định mãi mãi mà nó linh hoạt theo từng thời điểm, khi nào thị trường không có ai đầu tư hoặc cần phải kiểm soát đầu tư thì DNNN tham gia đầu tư và đóng vai trò chủ đạo, còn khi mà DN tư nhân làm tốt rồi thì DNNN rút ra theo hướng CPH, như vậy là có sự tham gia và rời khỏi thị trường bằng công cụ cổ phần, cổ phiếu và đầu tư chứ không hoàn toàn xây dựng dạng DN cố định 100% như trước đây. Thứ ba, tiêu chí để đánh giá hiệu quả của DNNN cũng dựa theo tiêu chí chung của kinh tế thị trường, trừ những trường hợp đặc biệt đánh giá theo tiêu chí an ninh quốc gia hoặc lợi ích xã hội, mục tiêu phi lợi nhuận hay ổn định kinh tế... Những DN trong những ngành đặc thù như vậy ngày càng ít và phần lớn là DN đảm bảo an toàn, cân đối, ổn định vĩ mô. Tôi cho rằng hiện nay vẫn còn những khúc mắc trong quản lý doanh nghiệp hậu CPH cần giải quyết để định hướng thị trường nhiều hơn cũng như hiệu quả cao hơn trong khi vẫn đảm bảo những yêu cầu quan trọng liên quan đến an ninh quốc phòng, đến ổn định vĩ mô. Đây là một bài toán mà cho đến nay dù có rất nhiều quyết sách được thông qua, đang triển khai nhưng rõ ràng là lời giải tốt nhất vẫn ở phía trước.

Doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hiện chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ (0,08%) nhưng đóng góp 28% tổng số nộp ngân sách Nhà nước với con số bình quân là 576 tỷ đồng, gấp 43 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 14 lần doanh nghiệp dân doanh.

Tháo gỡ “nút thắt” về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp nhà nước

Ông vừa nói thời gian gần đây hoạt động cổ phần hóa DNNN bị chậm lại, theo ông nguyên nhân vì sao?

Tôi đã tham gia Hội thảo về CPH DNNN do Bộ Tài chính tổ chức. Tại đây, chúng tôi phân tích nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ CPH DNNN có chững lại. Một trong những lý do quan trọng nhất là những DNNN từ trước đến giờ chúng ta CPH đa phần là nhỏ, ít các giá trị tài sản phức tạp, do đó có thể CPH nhanh, thậm chí bán lỗ cũng bán hoặc cho phá sản. Thế nhưng những DNNN lớn, tập đoàn lớn thì nắm giữ rất nhiều tài sản, đất đai... trong khi cơ chế để xác định giá đất hoặc các giá trị cổ phần DN cũng như hướng dẫn vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Chính vì thế chúng ta đã phải trả giá cho một số hoạt động CPH mà không tính đúng, tính đủ giá trị của quyền sử dụng đất dẫn đến bức xúc dư luận và không có sự đồng thuận trong các bên có liên quan, thậm chí tranh chấp mà vụ Hãng phim truyện Việt Nam là một ví dụ điển hình. Đại dịch Covid-19 cùng những khó khăn mà nó mang lại khiến hoạt động CPH DNNN khó triển khai một cách bình thường. Cũng có tình trạng một số cán bộ có liên quan, nhất là những người đứng đầu, ngại trách nhiệm hoặc thiếu những động lực cả về mặt hành chính cũng như về tài chính, do đó chưa thật sự sốt sắng. Chính phủ đang có những giải pháp để thúc đẩy, cốt lõi là làm thế nào để không thất thoát tài sản công trong CPH; Tăng sự hấp dẫn về mặt cơ chế sau CPH; Vấn đề tài chính DN và phương án CPH phải thu hút nhà đầu tư.

Cần tháo gỡ nút thắt trong cổ phần hóa DNNN

Theo ông cần tạo những động lực như thế nào để kích thích DNNN tiên phong?

Làm thế nào để chuyển thành chính sách, thành hành động, thì chưa được thể hiện đầy đủ, kết nối với nhau tạo ra sự thống nhất, nhưng những nguyên tắc cơ bản tương đối rõ. Thứ nhất là định rõ lộ trình của các DNNN trong thời gian tới sẽ như thế nào. Rất tiếc là chúng ta đang có một sự thay đổi về khái niệm DNNN, trước đây DNNN là DN có 100% vốn Nhà nước, nhưng bây giờ khái niệm DNNN đã bị thay đổi, bao gồm cả những DN CPH mà Nhà nước nắm giữ trên 51% cổ phần, do đó khái niệm trở nên phức tạp, cơ chế và phương thức thống kê cũng phức tạp hơn, vì thế các tiêu chí đánh giá DNNN cũng không phải dễ dàng.

Về cơ bản vẫn phải phân định rõ các nhóm DNNN theo diện 100%, diện khống chế gồm những loại nào, danh sách như thế nào, vai trò đến đâu để quản lý, nếu không sẽ luôn bị trễ vì một loạt những lý do chủ quan, kỹ thuật và thị trường. Thứ hai, khi đã có lộ trình CPH thì phải phân định trách nhiệm thật rõ, tránh tình trạng đá bóng sang ngang, lẩn tránh trách nhiệm. Chúng ta lại có một cái vướng là phương án xây dựng thì dài, lộ trình thì lâu trong khi nhiệm kỳ cán bộ thì ngắn nên rất dễ dẫn đến tình trạng người mới lên thì soạn còn người sắp về thì muốn né... Thứ ba, cần có sự điều chỉnh theo hướng, dù DNNN hay không phải DNNN thì môi trường phải thực sự giống nhau trong tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn và trong các quyền lợi khác. Tránh cơ chế bao cấp ẩn hoặc những đặc quyền đặc lợi mà một số DNNN vẫn giữ được, nhất là DN độc quyền, sẽ tạo ra tình trạng trì trệ, bám níu trong các DNNN. Cuối cùng, nên có một sự mạnh dạn, đột phá hơn nữa trong cơ chế tính giá trị của DN. Gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có một ý tưởng rất tốt mà chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, đó là để CPH các DNNN thành công thì không nên tính giá trị quyền sử dụng đất vào trong phương án giá trị của DN, mà chỉ tính phần nổi, còn đất trả về Nhà nước. Sau đó dựa theo phương án sử dụng đất của DN để có thể giao đất có thời hạn, cho thuê đất... dựa theo mục tiêu, nhiệm vụ và tính chất hoạt động của DN sau CPH. Không để như trước đây, lên phương án thì rất hay, định giá quyền sử dụng đất thấp rồi ăn chênh lệch địa tô, sau khi CPH thì bán đất hoặc chuyển công năng sử dụng, các nhà đầu tư hướng vào đó như một mục tiêu để tham giá quá trình CPH DNNN. Việc đó làm lệch hướng mục tiêu CPH, thậm chí làm méo mó hoặc tạo ra tham nhũng trong quán trình CPH.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến đầu năm 2021, Việt Nam còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Quy mô tài sản bình quân của 01 DNNN là 6.095 tỷ đồng, cao gấp 18 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 139 lần doanh nghiệp dân doanh. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 là 10,46%; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 là 4,87%, cao hơn khối doanh nghiệp ngoài nhà nước (1,26%).

Bên cạnh đó, tất cả cán bộ đang làm, lãnh đạo cấp cao thì sẽ phải có cơ chế trả lương theo thị trường chứ không phải Nhà nước trả lương cứng, để từ đó tạo ra động lực buộc họ phải có trách nhiệm, buộc họ phải có năng lực để tồn tại và phát triển trong cơ chế thị trường chứ không thể dựa vào sự bao cấp của Nhà nước. Mọi cơ chế, quyết định phải công khai, minh bạch, rõ ràng và trách nhiệm của cơ quan tư vấn, cơ quan chủ quản, trách nhiệm của người đứng đầu phải thật rõ ràng để có thể xử lý bằng tài chính, hành chính hoặc hình sự nếu xảy ra vi phạm.

Xin cảm ơn ông!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận