Ông Nguyễn Đàm Văn, Tổng giám đốc Công ty Du lịch lữ hành Văn Minh, cho biết giá xăng dầu tăng cao đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó cạnh tranh và dẫn đến một trạng thái khủng hoảng mới sau khủng hoảng vì dịch bệnh Covid-19.
“Dịch Covid-19 bùng nổ, kéo dài hơn 2 năm khiến doanh nghiệp rơi vào thua lỗ nặng nề. Từ khi khống chế được dịch, xe bắt đầu có khách thì giá xăng dầu tăng chóng mặt. Chi phí đầu vào bị đội lên, trong khi giá vé vẫn thế, nhà xe đã lỗ càng tiếp tục lỗ nặng hơn”, ông Văn nói.
Ông Tô Quang Học, Giám đốc Công ty TNHH Phiệt Học, cũng trong tâm trạng tương tự. Theo ông Học, trong hoạt động của doanh nghiệp vận tải, xăng dầu chiếm từ 35 - 40% trong cơ cấu giá cước. Khi giá xăng dầu tăng sẽ lập tức tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, gây áp lực rất lớn đến chi phí vận hành. Từ đầu năm đến nay chi phí xăng dầu cho đội xe bị đội lên hàng 5 - 10% trong khi giá cước không tăng, buộc doanh nghiệp phải chạy cầm chừng.
“Xăng dầu từ sau Tết bất ngờ tăng cao quá, doanh nghiệp rơi vào tình thế khó xử. Với giá xăng dầu như hiện tại, doanh nghiệp phải tính toán tăng mức giá mới tương ứng với mức tăng thêm của xăng dầu với thời điểm hiện tại. Nhưng tăng cũng không dễ vì không có khách”, ông Học cho hay.
Tương tự, theo ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại, Dịch vụ Đất Cảng, giá xăng dầu tăng cao cũng đã tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của ngành vận tải nói chung và Đất Cảng nói riêng.
“Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, hoạt động vận tải khách liên tỉnh được khai thông, chúng tôi đã lên phương án mở lại một số tuyến đường nhưng cũng chỉ chạy “bữa đực bữa cái” vì không có khách. Từ nhiều tháng nay, giá xăng dầu tăng cao, vận tải hành khách đa số thua lỗ, đừng nói đến có lãi”, ông Hải nói.
Vẫn cần giảm thêm thuế
Từ 1/4, thuế bảo vệ môi trường giảm 2.000 đồng cho mỗi lít xăng và 1.000 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn. Với mức giảm thuế như nêu trên, theo tính toán của Bộ Tài chính, giá bán lẻ xăng sẽ giảm tương ứng là 2.200 đồng/lít, giá các mặt hàng dầu giảm 1.100 đồng/lít.
Nhưng theo giới chuyên gia, giá dầu thế giới vẫn còn tiếp tục biến động phức tạp, các kỳ điều hành tới, giá bán lẻ xăng dầu trong nước chịu áp lực tăng giá rất lớn. Trong bối cảnh quỹ bình ổn đã cạn kiệt, giải pháp khả thi hơn cả để điều tiết giá xăng dầu là giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, cho hay hiện nay mặt hàng xăng dầu đang chịu cùng lúc nhiều sắc thuế. Đã có không ít ý kiến băn khoăn việc áp dụng cả thuế môi trường (3.800 đồng đối với RON 92, 4.000 đồng đối với RON 95) và thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với xăng dầu. Trong khi xăng dầu không phải là hàng hóa xa xỉ, đã phải chịu thuế bảo vệ môi trường, lại phải gánh cả thuế tiêu thụ đặc biệt.
“Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng chắc chắn giúp “hạ nhiệt” giá bán mặt hàng này, giảm áp lực lạm phát, tránh ảnh hưởng quá lớn tới đời sống người dân, doanh nghiệp”, ông Long nhấn mạnh.
PGS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng nên cân đối thuế tiêu thụ đặc biệt. Bởi sắc thuế này chỉ nên đánh vào những hàng hóa dịch vụ gây hại, hàng xa xỉ trong khi xăng dầu là hàng hóa thiết yếu. Hơn nữa xăng dầu cũng đang chịu thuế bảo vệ môi trường.
Theo ông Thịnh, việc giảm, miễn các loại thuế tính trên tỉ lệ % giá thành sẽ bảo đảm tính linh hoạt và khả năng tác động tới các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế. Trường hợp nguồn thu từ các loại thuế, phí cố định trên giá xăng dầu bị giảm do các chính sách điều tiết mới, thì sẽ được cân đối một phần bởi nguồn thu từ dầu thô xuất khẩu.
Đồng quan điểm, ông Tô Quang Học cho rằng thời điểm này nên tạm thời miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, không để mặt hàng này tiếp tục leo thang.
“Tôi cho rằng trong thời điểm này nên tạm thời bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu. Thực tế giá xăng dầu giảm đồng nào, doanh nghiệp đỡ tốn đồng ấy. Trong bối cảnh vừa lao đao vì dịch, nay xăng dầu liên tục leo thang thì không đỡ nổi. Khi nào doanh nghiệp hồi phục, khi đó sẽ thu bù sau”, ông Long kiến nghị.
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, để hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, nên tạm dừng thu thuế bảo vệ môi trường, khi doanh nghiệp khỏe lại rồi tính tiếp.
"Doanh nghiệp vận tải vừa “chết hụt” vì dịch bệnh kéo dài, nay thêm giá xăng, dầu tăng cao thì doanh nghiệp chết hẳn. Giảm thuế bảo vệ môi trường nhỏ giọt sẽ không giải quyết được gì nhiều”, ông Bằng nhận xét./.
Hàng không điêu đứng vì giá xăng liên tục leo thang
Trong văn bản gửi các Bộ Tài chính, Giao thông Vận tải... mới đây, hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc giá nhiên liệu tăng cao.
Trước tình hình trên, Vietnam Airlines kiến nghị Bộ Tài chính xem xét báo cáo Thủ tướng phê duyệt phương án áp dụng chính sách miễn 100% thuế môi trường đối với nhiên liệu máy bay trong năm 2022 (hiện đang áp dụng mức giảm 50%) để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các hãng hàng không. Hãng bay này dự tính sẽ giảm được 600 tỷ đồng chi phí nhiên liệu trong năm nay.
Tương tự, hãng hàng không mới thành lập Vietravel Airlines cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không xuống 0% (so với mức 7% hiện nay) và điều chỉnh giảm thuế môi trường về 1.000 đồng/lít. Thời gian áp dụng kiến nghị từ nay cho đến hết 2022./.
|
Theo VTCNEWS