Giá thức ăn chăn nuôi tăng kỷ lục
Từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 chưa hết phức tạp, lại thêm chiến sự Nga - Ukraine đã đẩy giá nguyên liệu liên tục tăng cao, khiến giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm cũng tăng theo. Cụ thể, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm hiện tại đã tăng 18 - 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 2, ngô tăng 12,5%; khô dầu đậu tương tăng 17,65%; cám mỳ tăng 3%; cám gạo tăng trên 17%...
Theo dự báo, giá nguyên liệu vẫn duy trì và tăng đến hết năm 2022. Trong khi đó, chăn nuôi trong nước chủ yếu sử dụng thức ăn từ nguồn nhập khẩu. Mỗi năm cả nước sử dụng khoảng 33 triệu tấn nguyên liệu, nhưng trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn, chiếm khoảng 40%. Số còn lại phải nhập khẩu với 22,3 triệu tấn.
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết, từ cuối tháng 2/2022 đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trên thị trường quốc tế, chủ yếu là do hậu quả của xung đột giữa Nga - Ukraine đã gây khó khăn và thách thức lớn cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng. Lợi nhuận người chăn nuôi lợn giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ.
Thống kê từ Cục Chăn nuôi cho thấy, từ tháng 1/2021 đến tháng 8/2021 giá thịt lợn hơi xuất chuồng giảm 30 - 35%, duy trì ở mức thấp 43.000 - 49.000 đồng/kg; đến tháng 11/2021 tăng nhẹ lên trên 50.000 đồng/kg; tháng 12/2021 giá tăng lên và dao động quanh mức 54 - 57.000 đồng/kg và duy trì đến trung tuần tháng 2/2022. Tuy vậy, đến cuối tháng 2/2022, giá lợn thịt hơi xuất chuồng có xu hướng giảm, sang đầu tháng 3/2022 chỉ còn 50.000 - 53.000 đồng/kg.
Theo tính toán, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65 - 70% giá thành sản phẩm. Tại Việt Nam, hiện nay tỷ trọng thức ăn chăn nuôi công nghiệp chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu thức ăn của toàn ngành, số còn lại khoảng 30% là do người chăn nuôi tận dụng từ nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có hoặc mua nguyên liệu về tự phối trộn.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, phân tích, hiện giá thành sản xuất lợn hơi tăng lên mức 55.000 đồng/kg. Trong trường hợp dịch bệnh thì giá thành có thể lên trên 60.000 đồng/kg. Thế nhưng, từ sau Tết Nguyên đán 2022, giá lợn hơi chỉ ở mức hơn 50.000 đồng/kg. Như vậy, người nông dân đang chịu cảnh thua lỗ. Và số hộ nuôi bỏ chuồng sẽ tăng lên bởi càng nuôi nông dân càng bị lỗ.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho hay, cứ 100kg lợn hơi xuất chuồng, nông dân lỗ 300.000 - 500.000 đồng. Nhiều hộ chăn nuôi đã phải bỏ chuồng.
Tận dụng nguyên liệu sẵn có
Nhằm giảm chi phí, tăng thu nhập, gia tăng giá trị sản phẩm một số hộ dân đã tự sản xuất thức ăn cho chăn nuôi theo phương thức an toàn sinh học và tận dụng phụ phẩm để làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mô hình nuôi ruồi lính đen của anh Lê Minh Hiếu ở xã Long Phước, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một ví dụ điển hình. Anh Hiếu nuôi ruồi đen trong môi trường gồm chế phẩm sinh học kết hợp với mật mía và nước sạch. Phòng nuôi có diện tích khoảng 200m2, với mỗi lần nuôi khoảng 100 gram trứng, trong 12 ngày anh Hiếu sẽ thu được 300kg ấu trùng thương phẩm để làm thức ăn cho vật nuôi của gia đình. Anh cho biết mô hình nuôi ruồi lính đen đã giúp anh giảm rất nhiều chi phí trong chăn nuôi.
Bà Đinh Phương Khanh cho biết, châu Âu và Mỹ rất ưa chuộng ruồi lính đen vì năng suất sinh học cao tới 10.000 tấn protein/ha. Ruồi lính đen tạo nguồn protein trong sản xuất thức ăn chăn nuôi thay cho nguyên liệu nhập khẩu, đạm cá… Việt Nam có điều kiện phù hợp với nuôi loại ruồi này. Tuy nhiên, theo bà Khanh ở Việt Nam cần có quy định cụ thể trong việc quản lý nuôi ruồi lính đen, tránh trường hợp người dân và doanh nghiệp làm tự phát, quản lý rất khó.
Ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam đưa ra giải pháp, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích chế biến phụ phẩm nông nghiệp thành thức ăn chăn nuôi. Các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ nên chủ động chuyển sang sản xuất hữu cơ, sử dụng các nguyên liệu sẵn có ở địa phương, tự chế biến thức ăn chăn nuôi và ít phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp. Như vậy, sẽ giúp giảm giá thành sản xuất mà giá trị sản phẩm tăng lên.
Việt Nam có khoảng 156,8 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản; trong đó, gần 90 triệu tấn bã dứa, bã sắn, men bia, phụ phẩm thủy sản… có thể thu gom, chế biến, bảo quản làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Trong khi ở các nước tiên tiến, các loại phụ phẩm giết mổ như nội tạng, tiết gia súc, gia cầm được sử dụng để sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thì ở nước ta các loại phụ phẩm này vẫn được dùng làm thực phẩm cho người, hoặc hủy bỏ rất lãng phí mà lại gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, kiến nghị Nhà nước quy hoạch cơ sở chế biến thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm… để tạo điều kiện cho việc thu gom và chế biến các nguồn phụ phẩm.
Trước việc phải nhập khẩu rất lớn lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đang xây dựng đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn hướng đến giải quyết vấn đề thức ăn chăn nuôi theo từng vùng, miền, gắn với các cơ sở chăn nuôi nhằm giảm áp lực về logistics, nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Với định hướng của ngành, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành cùng đồng hành triển khai hàng loạt giải pháp thì sẽ giảm giá thành đầu vào cho chăn nuôi.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kêu gọi các doanh nghiệp không tăng giá thức ăn chăn nuôi trong thời điểm khó khăn này.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus Việt Nam: “Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi rất khó khăn vì giá nguyên liệu, logistics phi mã. Chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT thông tin cho doanh nghiệp về kế hoạch xây dựng vùng sản xuất thức ăn chăn nuôi trọng điểm, vùng nào trồng cây gì để doanh nghiệp chủ động liên kết với địa phương”.
|