Chiến sự Nga - Ukraine: Rủi ro của thị trường tài chính

Ngày 4/4 tới đây, Nga sẽ phải thanh toán 2 tỉ USD trái phiếu đáo hạn. Liệu nước này có thể trả được nợ trong bối cảnh cuộc chiến với Ukraine hiện nay?

 

Ngày 4/4 tới đây, Nga sẽ phải thanh toán 2 tỉ USD trái phiếu đáo hạn. Liệu nước này có thể trả được nợ trong bối cảnh cuộc chiến với Ukraine hiện nay? Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga vỡ nợ? Thị trường tài chính Việt Nam chịu ảnh hưởng như thế nào? Báo Tiếng nói Việt Nam trao đổi với chuyên gia tài chính - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu:

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

Thưa ông, giới tài chính quốc tế đều đang quan tâm đến khả năng trả nợ của Nga trong bối cảnh cuộc chiến Nga - Ukraine. Vậy ông đánh giá như thế nào về khả năng trả nợ này?

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Khả năng trả nợ của Nga tôi đánh giá là rất thấp. Hiện nay Nga có tổng nợ nước ngoài bằng ngoại tệ lên đến khoảng hơn 40 tỉ USD, và trong năm 2022 này Nga phải trả ít nhất là 4,6 tỉ USD. Tuần vừa rồi Nga mới trả 117 triệu USD cho các trái chủ nước ngoài (foreign bondholders), tới đây Nga phải trả thêm 615 triệu USD tiền lãi trên các trái phiếu của Nga, rồi tháng 4.2022 phải trả cho các nhà đầu tư nước ngoài 2 tỉ USD trái phiếu chính phủ đáo hạn. Với tình hình kinh tế Nga hiện nay đang rất suy sụp do cuộc chiến giữa Nga và Ukraine thì các tổ chức đánh giá quốc tế Fitch Rating, Standard & Poor’s, Moody’s đã hạ thấp điểm xếp hạng tín nhiệm của Nga xuống mức rất thấp. Fitch Rating đã hạ điểm xếp hạng tín nhiệm của Nga từ hạng B xuống hạng C, tức là đánh giá nguy cơ vỡ nợ của Nga rất có thể xảy ra (imminent - nguy cấp, sắp xảy ra). Moody’s cũng giảm xếp hạng tín nhiệm của Nga xuống B3 (đầu cơ rủi ro cao). Còn Standard & Poor’s cũng xếp trái phiếu Nga vào nhóm junk bonds (trái phiếu “rác”). Do đó, tình hình trả nợ của Nga lâm vào khó khăn khi các nước phương Tây cấm vận, đặc biệt mới đây chính phủ Hoa Kỳ cấm việc nhập khẩu xăng dầu của Nga, đưa tình trạng kinh tế của Nga vào khó khăn rất lớn. Đồng ruble của Nga bị mất giá đến 30% và Ngân hàng trung ương Nga cũng phải tăng lãi suất đến 20%. Dĩ nhiên là Nga cũng có một lượng dự trữ ngoại hối rất lớn lên đến hàng trăm tỉ USD nhưng liệu Nga có sử dụng được khoản dự trữ này hay không khi một phần không nhỏ những dự trữ này đang nằm ở các ngân hàng nước ngoài mà tài khoản của Nga tại các ngân hàng nước ngoài đang bị phong tỏa. Do đó Nga đang lâm vào một tình trạng rất khó khăn, khả năng vỡ nợ rất lớn.

Kinh tế Nga đang gặp khó khăn do cuộc chiến Nga - Ukraine

Như ông đã phân tích, nguy cơ vỡ nợ của Nga rất cao. Vậy nếu điều không mong muốn đó xảy ra, thị trường tài chính thế giới sẽ bị tác động như thế nào?

Nga đang nợ các nước ngoài lên đến hơn 40 tỉ USD. Nếu Nga vỡ nợ thì hơn 40 tỉ USD này sẽ được tuyên bố default (vỡ nợ). Nếu xảy ra trường hợp đó, có thể các trái chủ, trong đó có các chính phủ, và các nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu của Nga có thể ra quyết định lệnh tạm hoãn trả nợ (loans moratorium hoặc credit moratorium) để dừng lại việc bắt Nga thanh toán. Một loans moratorium hoặc credit moratorium có thể cho phép Nga dừng việc trả nợ trong một thời gian trước khi họ đi đến tuyên bố nhà phát hành vỡ nợ. Hiện tại các chính phủ và các nhà đầu tư trên thế giới cũng đã chuẩn bị đến việc Nga có thể vỡ nợ với hơn 40 tỉ trái phiếu của Nga.

Chủ tịch Ban Giám sát Ngân hàng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Andrea Enria: "Ảnh hưởng trực tiếp của kinh tế Nga đối với các ngân hàng trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Eurozone chỉ có giới hạn". Tuy nhiên, sẽ xuất hiện trường hợp chịu ảnh hưởng lớn, do đó, có thể làn sóng bất an lan rộng trên thị trường tín dụng.

Chủ tịch Ban Giám sát Ngân hàng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Andrea Enria

Trong điều kiện đó, liệu thị trường tài chính Việt Nam có bị tác động nhiều không?

Tôi không nắm được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có mua trái phiếu chính phủ của Nga hay không. Nếu Việt Nam có trái phiếu của Nga thì đương nhiên chúng ta sẽ mất các khoản tiền đầu tư đó khi Nga vỡ nợ. Tuy nhiên tôi cho rằng thị trường tài chính Việt Nam không bị tác động nhiều vì những giao dịch tài chính của Việt Nam với Nga rất khiêm tốn. Ngay cả hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga cũng chỉ chiếm 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Xét rộng ra, về kinh tế, ảnh hưởng lớn nhất hiện nay chính là cuộc chiến Nga - Ukraine. Tác động về mặt ngoại thương chủ yếu là tác động đến các nhà xuất khẩu của Việt Nam sang Nga và phải tìm thị trường khác thay thế thị trường Nga.

Thị trường chứng khoán và hàng hóa xuất khẩu Việt Nam bị ảnh hưởng ít nhiều

Những ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán của Việt Nam sẽ không nhiều bởi giao dịch chứng khoán trực tiếp giữa Nga và Việt Nam hầu như không có. Con số nhà đầu tư của Nga đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam hoặc nhà đầu tư chứng khoán của Việt Nam đầu tư vào thị trường Nga theo tôi là rất ít bởi thị trường chứng khoán Việt Nam rất nhỏ, còn các cổ phiếu của Nga không được xếp vào nhóm cổ phiếu hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên nếu Nga bị vỡ nợ thì cũng sẽ có tác động gián tiếp đến thị trường chứng khoán thế giới, khiến thị trường chao đảo. Mặc dù số nợ hơn 40 tỉ USD không phải là lớn so với chứng khoán thế giới nhưng nó sẽ tạo tâm lý lo lắng cho các nhà đầu tư, vì nó không chỉ ảnh hưởng đến chứng khoán của Nga mà còn tác động khiến chứng khoán thế giới chao đảo và có thể ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Nó sẽ tạo ra cú sốc nhẹ đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov

Bộ trưởng Tài chính Nga, ông Anton Siluanov phát biểu trên kênh truyền thông Nga Russia Today  rằng, Moscow đã thực hiện tốt nghĩa vụ của mình đối với các chủ nợ. Nhưng "khả năng trả nợ hay việc không thể thực hiện các nghĩa vụ trả nợ bằng ngoại tệ không phụ thuộc vào chúng tôi. Chúng tôi có tiền, chúng tôi đã thanh toán, bây giờ quả bóng đang ở trong sân của Mỹ”

Mặc dù con số hơn 40 tỉ USD nợ nước ngoài của Nga là không lớn đối với kinh tế thế giới nhưng liệu việc Nga vỡ nợ có gây ra hiệu ứng domino đối với kinh tế toàn cầu không, thưa ông?

Có thể có bởi cũng nhiều công ty quốc tế làm ăn với Nga, trong đó có những công ty khá lớn của Mỹ và các nước phương Tây. Do đó nếu Nga vỡ nợ thì các công ty toàn cầu đang làm ăn tại Nga hoặc làm ăn với doanh nghiệp Nga sẽ bị ảnh hưởng, từ đó sẽ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán và tới tính hình tài chính của chính các công ty đó. Bên cạnh hiệu ứng đó thì việc Nga vỡ nợ sẽ kéo theo các hệ lụy khác, trong đó có việc thanh toán quốc tế của Nga đối với thế giới. Nga bị loại ra khỏi hệ thống thông tin tài chính toàn cầu SWIFT. Cần hiểu rõ Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication, viết tắt: SWIFT) không phải là một cổng thanh toán như các ngân hàng trung ương mà là hệ thống ghi nhận các thông tin giao dịch tài chính, và có tới hơn 10.000 ngân hàng trên khắp thế giới tham gia. SWIFT không tạo điều kiện chuyển tiền, thay vào đó, nó gửi các lệnh thanh toán, phải được giải quyết bằng các tài khoản tương ứng mà các tổ chức có với nhau. Khi Nga bị loại khỏi SWIFT thì việc thanh toán của Nga với các nước trên thế giới sẽ rất khó khăn. Hiện tại Nga đã có một hệ thống thanh toán riêng với Trung Quốc và một số quốc gia khác nhưng bị loại khỏi SWIFT cũng là một cú đánh rất mạnh ảnh hưởng đến nền kinh tế của Nga. Chúng tôi dự báo GDP của Nga có lẽ đã giảm ít nhất 30% trong tháng qua và có thể sẽ còn bị ảnh hưởng tiêu cực mạnh hơn nữa, tác động xấu đến khả năng thanh toán thương mại của Nga. Hiện nay các nhà xuất khẩu của Việt Nam cũng đang gặp khó khăn trong việc nhận tiền thanh toán từ phía Nga, có thể sẽ phải qua một tầng nấc trung gian, ví dụ như các ngân hàng của Trung Quốc - nơi đã có hệ thống thanh toán riêng với Nga. Việc thanh toán khó khăn đang là đón đánh rất mạnh đến nền kinh tế Nga và nếu tình trạng này kéo dài đến hết năm 2022 thì không những Nga có thể vỡ nợ trên trái phiếu kinh tế mà còn tác động đến toàn bộ nền kinh tế của Nga và đưa đến khủng hoảng tài chính chưa từng có đối với Nga.

Xin cảm ơn ông./.

Dự trữ ngoại hối của Ngân hàng trung ương Nga (BoR) - tương đương 315 tỉ USD - đang bị đóng băng khoảng 1/2, như vậy, các chủ nợ nước ngoài sẽ được trả bằng đồng ruble. Tập đoàn tài chính Mỹ Morgan Stanley dự báo Nga có thể vỡ nợ sớm nhất vào ngày 15/4 tới, khi khoản thanh toán nợ công 700 triệu USD đã đến hạn. Đây là lúc thời điểm kết thúc thời gian ân hạn 30 ngày đối với các khoản lãi trái phiếu Chính phủ Nga đáo hạn năm 2023 và 2043.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận