Áp lực giá, phí: Xuất khẩu tăng nhưng lợi nhuận không tăng

  • 17/03/2022 16:22:22
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Sau nhiều nỗ lực vượt qua đại dịch Covid-19, hiện nhiều doanh nghiệp đã hồi phục. Xuất khẩu ghi nhận tăng về sản lượng và giá trị ở hầu hết các ngành hàng. Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng cao đẩy giá nguyên liệu đầu vào, chi phí logictics tiếp tục tăng, trong khi giá bán ra không thể tăng tương ứng khiến doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt nguy cơ thua lỗ.

 

Tăng giá bán sức mua sẽ giảm, không tăng thì chịu lỗ

Mặc dù chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 song 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Đánh giá của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cho thấy những tín hiệu tích cực từ thị trường và các đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, giá cả leo thang khiến các DN gặp khó khăn. Sau Covid-19, đây là khó khăn mà DN chưa từng phải đối mặt.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, chiến sự Nga - Ukraine khiến người tiêu dùng có xu hướng dự trữ lương thực. Thị trường nhập khẩu gạo phục hồi, các chuỗi cung ứng từng bị đứt gãy đang dần được kết nối lại. Đặc biệt, Việt Nam tiếp tục khai thác hiệu quả những lợi thế từ hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU. Nhờ đó, xuất khẩu gạo tăng mạnh về lượng và giá trị.

Tính đến hết tháng 2/2022, tổng khối lượng gạo xuất khẩu nước ta đạt 906.000 tấn, trị giá 437 triệu USD. Con số này tăng 39% về số lượng và tăng 22% giá trị so với cùng kỳ năm trước. Từ tháng 3, khi vụ đông xuân cho thu hoạch rộ, xuất khẩu gạo được dự báo tiếp tục tăng. Gạo Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng tốt nhờ tỉ trọng gạo thơm tăng lên, năng suất lúa được cải thiện. Các doanh nghiệp lớn như Lộc Trời, Tân Long, Intimex, Trung An... tiếp tục được đối tác ký kết các đơn hàng lớn, giá trị cao.

Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt, phân tích, giá gạo xuất khẩu cũng vì thế mà tăng cao. Tuy nhiên, chi phí logistics tăng quá cao khiến DN không được hưởng lợi.

Cụ thể, cước tàu biển từ Việt Nam sang châu Âu, cuối năm 2021 có giá 5.000 - 6.000USD/container thì này đã tăng lên 8.000USD. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất, chế biến… cũng tăng cao. Do đó, mức giá gạo xuất khẩu hiện nay dù cao nhưng DN thu lợi nhuận không được bao nhiêu. Nông dân cũng không được hưởng lợi vì giá lúa tăng không bù lại được chi phí sản xuất như phân bón, vật tư nông nghiệp… đều tăng gấp đôi, gấp ba lần so với trước đây.

                        Chi phí logistics tănng cao gây khó khăn cho doanh nghiệp

Mặc khác, giá cao có thể làm giảm sức cạnh tranh của gạo Việt tại thị trường nhập khẩu. Bởi nếu tính toán về giá, người tiêu dùng sẽ cân nhắc nếu nhập khẩu gạo từ Việt Nam chi phí vận chuyển cao thì họ sẽ chuyển sang mua ở những thị trường có vị trí gần hơn.

Vượt qua khó khăn, trong hai năm qua, ngành gỗ phấn đấu đạt tăng trưởng bình quân 15%/năm. Tuy nhiên, cũng tương tự như lúa gạo, hiện ngành gỗ đang lao đao vì chi phí tăng cao. Ông Bùi Hữu Thiêm, Phó Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cho biết: “Giá xăng dầu tăng dẫn đến các nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển tăng. Trong khi đó, các DN không thể đàm phán để tăng giá bán. Giá đầu vào tăng trong khi giá đầu ra không tăng, gây khó khăn cho chúng tôi”.

Ông Thiêm cho biết thêm, khó khăn lớn nhất của ngành gỗ vẫn là logistics. Bởi, thị trường xuất khẩu chính của ngành gỗ là Mỹ và EU mà giá container từ TP.HCM xuất đi bờ đông nước Mỹ ở thời điểm hiện tại lại tăng gấp 10 lần từ 2.000USD tới trên 20.000USD.

Ngoài ra, ngành gỗ cũng đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề. Các doanh nghiệp FDI đầu tư về Việt Nam có vốn đầu tư khá lớn, tầm ảnh hưởng quốc tế, khả năng thu hút tay nghề khá cao so với các doanh nghiệp trong nước. Do đó, cuộc cạnh tranh về thu hút lao động có tay nghề cũng rất lớn.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, chia sẻ, mặc dù đơn hàng xuất khẩu tăng 10 - 30% nhưng nhiều DN có khả năng không đạt lợi nhuận bởi chi phí cao trong khi giá bán không thể tăng.

Nhà nước cần mạnh tay kiềm chế tăng giá

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, nhận định, nhiều DN đã phục hồi, công suất hoạt động đạt 95 - 100%. Các DN kỳ vọng đầu tư công cùng chương trình phục hồi sẽ tạo động lực cho nền kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng cao kéo theo chi phí sản xuất, logistics tiếp tục tăng lên, cùng với khó khăn về thiếu hụt lao động, tuyển dụng lao động mới, khó khăn về vốn… đã làm giảm bớt phần nào kỳ vọng của DN.

Về phía Hiệp hội, ông Hưng cam kết đồng hành, tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết với nhau. Tuy nhiên, ông Hưng nhấn mạnh, các DN phải xác định việc tự thân vận động.

Ông Bùi Hữu Thiêm đề xuất, Nhà nước cần mạnh tay hơn nữa để kiềm chế tăng giá, giữ bình ổn giá sẽ kéo theo sản lượng được bình ổn.

Về vấn đề logictis, Nhà nước cần có hỗ trợ, đàm phán đối với các đơn vị vận tải để làm sao có được nguồn lực mạnh có thể nói chuyện được với đối tác. Mặt khác, cần hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ để chuyển đổi số có hiệu quả, hỗ trợ tổ chức các hội chợ trong và ngoài nước...

Ông Thiêm cho biết thêm, hiện Việt Nam có hơn 95% doanh nghiệp chế biến gỗ có quy mô vừa và nhỏ, trong khi xuất khẩu đồ gỗ phải cạnh tranh lớn khi nhiều quốc gia giảm giá. Do đó, Nhà nước cần sớm có các giải pháp để giảm giá nguyên vật liệu, xăng dầu được chừng nào tốt chừng đó.

Để giảm giá thành đầu vào, ông Khương Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh TP.HCM đưa ra giải pháp, ngoài ưu đãi trực tiếp thuế, phí, địa phương nên xem xét quy hoạch, phát triển mạnh hệ thống logistics. Đồng thời, quy hoạch logistics phải gắn liền với vận tải đường thủy nội địa để giúp giảm kẹt xe, lưu thông thuận lợi... từ đó góp phần giảm giá thành đầu vào.

Trong bối cảnh có nhiều biến động trên thị trường và nhiều chi phí tăng cao các chuyên gia khuyến nghị các nhà xuất khẩu cần cân nhắc về phương thức giao hàng khi ký hợp đồng giá FOB (giá tại cửa khẩu bên nước của người bán) hoặc giá CIF (giá tại cửa khẩu của bên mua hàng).

Ví dụ đối với xuất khẩu theo giá CIF, các DN Việt khi đàm phán ký hợp đồng vận chuyển hàng hóa với các hãng tàu biển hoặc đại lý của các hãng tàu biển phải có điều kiện về cước phí. Trong đó, DN xuất khẩu có thể đưa ra điều kiện hãng tàu không được thu thêm bất cứ khoản tiền nào khác ngoài các khoản ghi trong hợp đồng.

Các DN cần tiếp tục nỗ lực triển khai cắt giảm chi phí, nhận diện xu thế, định vị đối tác, thị trường, nâng cao chất lượng, mẫu mã cho sản phẩm, thực hiện chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử… nhằm thích ứng trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động kết nối giữa DN với ngân hàng, xem xét lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển; cung cấp thông tin về thị trường, chính sách thị trường một cách thuận lợi cho DN./.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế, cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR):

“Giá xăng dầu tăng quá cao sẽ ảnh hưởng đến sản xuất. Giá xăng dầu tăng thì ngân sách Nhà nước có thêm dư địa tăng trưởng trong khi người dân và DN gặp khó khăn. Do vậy, việc lúc này Nhà nước có thể làm là giảm thuế, phí xăng dầu để ổn định giá, vừa đủ cho sự ổn định, Nhà nước cũng không cần bơm tiền ra để trợ giá xăng dầu”.

Bà Lê Thị Hồng Loan, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP.HCM: “Hệ thống logistics trong nước yếu kém gây nghẽn chuỗi cung ứng và đẩy giá thành lên cao”.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh:

“Điều chúng tôi cần lúc này là sự hỗ trợ về thông tin thị trường, thông tin của DN đối tác ở nước ngoài vì trong bối cảnh khó khăn, rất nhiều đối tác đã thu hẹp sản xuất - kinh doanh, chuyển ngành hoặc phá sản... Cơ quan quản lý cần thông tin sớm, kịp thời để chúng tôi lên kế hoạch ứng phó phù hợp”.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận