Sản xuất sợi chuối- mô hình phát triển kinh tế xanh

  • 08/03/2022 12:00:00
  • Trần Thanh Hải
  • Kinh tế
  • 0

Chuối là loại trái cây có sản lượng cao nhất của Việt Nam. Năm 2021, sản lượng chuối của cả nước lên đến 2,1 triệu tấn, gấp rưỡi loại quả đứng thứ hai là thanh long (1,4 triệu tấn). Ngoài nguồn lợi từ quả, loại cây này còn có giá trị tiềm năng rất lớn, nằm ở thân cây. Đó là thân cây có thể làm ra sợi chuối, tơ chuối, từ đó tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn.

 

Musa Pacta (musapacta.vn) là doanh nghiệp rất trẻ, mới thành lập từ tháng 9/2019, nhưng đã thành công trong việc sở hữu Bằng độc quyền giải pháp hữu ích sản xuất sợi từ thân cây chuối. Ông Bùi Khánh Dũng, Giám đốc công ty, chỉ vào các sản phẩm thủ công trong showroom của công ty và nói, đây chỉ là một số ít sản phẩm “minh họa” cho những gì làm được từ sợi chuối Việt Nam.

Thực ra sợi chuối không phải là sản phẩm mới mẻ trên thị trường thế giới. Thời gian qua, sợi chuối đã được biết đến là nguyên liệu tạo ra nhiều sản phẩm cao cấp, từ vải, dây cáp, đồ dùng leo núi cho đến vật liệu nội thất trong những chiếc du thuyền hạng sang. Các nước phát triển như Mỹ, Nhật đều đã có ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm từ sợi chuối, nhưng nguồn nguyên liệu phải phụ thuộc vào những nước nhiệt đới như Philippines, các nước Châu Phi, Trung Mỹ.

Ông Bùi Khánh Dũng (áo trắng), và tác giả cùng các sản phẩm

Trong thời gian sống ở Nhật Bản, ông Dũng đã để ý đến các sản phẩm làm từ sợi chuối được sử dụng khá phổ biến như giấy in tiền, giấy gói đồ, quần áo... Từ đó, trong ông nung nấu một câu hỏi, tại sao một đất nước khắp nơi đều có cây chuối như Việt Nam mà không thể tạo ra được sản phẩm có giá trị cao từ loại cây này?

Trở về nước, doanh nhân tuổi Bính Thìn này đã lập công ty để thực hiện ước mơ của mình. Ý tưởng đã có, nhưng trang thiết bị ở đâu để thực hiện ý tưởng này? Dũng đi gặp một số doanh nghiệp cơ khí ở trong nước, nhưng điều đầu tiên các doanh nghiệp này hỏi là bản vẽ của anh đâu. Dũng trả lời: “Bản vẽ ở trong đầu tôi, nhưng tôi cần các anh thể hiện ra thành bản vẽ trên giấy rồi mới chế tạo”. Thế là các doanh nghiệp cơ khí đều lắc đầu. Cuối cùng, Bùi Khánh Dũng thành lập một công ty cơ khí chính xác để tự sản xuất ra thiết bị phục vụ cho ý tưởng của mình.

Sản phẩm làm tự sợi thân cây chuối

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu đặt câu hỏi: Sợi chuối có những đặc tính gì mà lại được người tiêu dùng các nước ưa chuộng và đánh giá cao như vậy? Trả lời câu hỏi này, anh Dũng cho biết sợi chuối là loại sợi libe, có cấu trúc hình ống rỗng, là một cấu trúc rất bền vững, chịu lực kéo và lực nén tốt. Cấu trúc đó cũng giúp cho sợi chuối là vật liệu nhẹ, thoáng, thấm nước tốt. Ngoài ra, sợi chuối không dễ bắt cháy như các loại vật liệu khác. Cây chuối cũng sẵn có chất kháng sinh tự nhiên nên không bị mốc hay nhiễm khuẩn, do đó sản phẩm từ cây chuối khi nhập khẩu vào các nước không phải qua các thủ tục kiểm dịch thực vật phức tạp như nhiều sản phẩm từ thực vật khác.

Chuối là một loài cây có sức sinh trưởng rất cao. Một thân chuối sau khi cắt chỉ vài ngày đã có thể mọc lại cả gang tay. Loài cây này cũng rất dễ trồng, có thể nói hầu như gia đình nào ở nông thôn cũng có, thời gian thu hoạch quanh năm. Với sản lượng ước tính cả nước có khoảng 160 triệu tấn thân chuối, hiện công ty của Dũng chưa cần quy hoạch vùng nguyên liệu mà chỉ thu mua từ các hộ gia đình, hợp tác xã đã đủ sức để chế biến.

Musa Pacta thiết lập mô hình chế biến phân tán, tại chỗ, để tạo ra nguồn nguyên liệu. Một dàn máy chế biến thân chuối ra sợi chuối chỉ vào khoảng 500 triệu đồng, hoàn toàn trong khả năng đầu tư của một hộ gia đình hoặc một nhóm hộ gia đình. Đơn vị đầu tư chỉ phải thanh toán một nửa số tiền, một nửa còn lại sẽ trả bằng sản phẩm mà công ty ký hợp đồng bao tiêu.

Một điểm đặc biệt đó là các xưởng tuốt sợi chuối đều sản xuất không rác thải bởi các chất thải trong quá trình tuốt sợi chuối như bã chuối, nước ép thân chuối đều trở thành sản phẩm có giá trị như chế phẩm sinh học phục vụ cây trồng, vật nuôi, giá thể trồng cây, phân vi sinh. Đây chính là một mô hình kinh tế xanh, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, kinh tế không rác thải rất phù hợp và hiệu quả với nông thôn Việt Nam, không chỉ tạo thêm việc làm mà còn tạo ra thu nhập cho các hộ nông dân từ chính nguồn nguyên liệu có sẵn ở ngay trên mảnh đất của mình.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan có nói về một nền “kinh tế nông nghiệp”, với hàm ý khai thác sản phẩm nông nghiệp từ nhiều góc độ hơn nữa. Những dự án, sản phẩm như của Musa Pacta chính là một mô hình để hiện thực hóa chủ trương như vậy.

Khi được hỏi về những khó khăn cho một doanh nghiệp khởi nghiệp trong một lĩnh vực rất mới như thế này, anh Dũng cho biết về thủ tục xuất khẩu thì không có vấn đề gì, nhưng như nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp khác, công ty rất cần vốn và mặt bằng để sản xuất. “Chi phí để có được một mặt bằng hiện nay quá cao, những doanh nghiệp mới ra đời thường vốn mỏng, tiền đổ vào thuê đất và hạ tầng đã chiếm mất phần lớn, thậm chí lãi làm ra cũng không đủ bù đắp. Đây là một trở ngại với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào sản xuất”, anh Bùi Khánh Dũng cho biết.

Câu chuyện của Musa Pacta gợi ra hình ảnh về những sản phẩm hữu cơ, đóng vai trò chủ lực của nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, như sợi chuối. Muốn thành công phải có sự say mê, và rất cần sự nâng đỡ, hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể các cấp, để những mô hình như Musa Pacta phát triển nhanh hơn, và có thêm nhiều doanh nhân dám dấn thân như Bùi Khánh Dũng, tạo động lực cho những đổi thay của đất nước.

Trần Thanh Hải

Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu,Bộ Công thương

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận