Doanh nghiệp Việt Nam chậm nắm bắt các ưu đãi trong CPTPP

Những quy tắc trong Hiệp định CPTPP tương đối phức tạp và khác biệt nên thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam bắt nhịp chưa nhanh.

 

Chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, sau hơn 3 năm thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường các nước trong CPTPP thu về những kết quả khá ấn tượng, đặc biệt là các thị trường mới như Canada, Mexico, Peru. Bên cạnh những thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, các khu vực khác như Mỹ Latin hoặc khu vực châu Đại Dương cũng đều có kim ngạch xuất - nhập khẩu tăng trưởng đạt mức hai con số.

Gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu từ các thị trường mới

Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, năm 2021, vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Canada (theo thống kê của Hải quản Việt Nam) vẫn đạt mức tăng trưởng đáng kể, đạt 5,3 tỷ USD, tăng 20,8%, cao hơn mức tăng trưởng nhập khẩu của Canada (12,84%). Đây là mức tăng trưởng dương năm thứ 3 liên tiếp kể từ 2019 sau khi Việt Nam và Canada chính thức là thành viên của Hiệp định thương mại tự do CPTPP.

Phân tích sâu về vấn đề đáp ứng quy tắc xuất xứ trong CPTPP trong 3 năm qua, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, quy tắc xuất xứ của CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan tương đối phức tạp và khác biệt so với các FTA khác, đòi hỏi DN có thời gian để tìm hiểu, điều chỉnh sản xuất. Do đó, thời gian qua, DN Việt Nam bắt nhịp chưa nhanh. Sự hỗ trợ của cơ quan chức năng còn chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Ngoài ra, việc thể chế “nội luật” quy định CPTPP còn chậm, ảnh hưởng đến cơ hội tham gia thị trường của DN.

Nhiều DN chưa chủ động được nguồn nguyên liệu cấu thành sản phẩm để đáp ứng quy tắc xuất xứ nhằm hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan trong CPTPP.“Tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) trong xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường các nước tham gia CPTPP chưa cao, do DN chưa chủ động được nguồn nguyên liệu cấu thành sản phẩm để đáp ứng quy tắc xuất xứ nhằm hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan. Điển hình như hàng dệt may, da giày còn hạn chế về công nghiệp phụ trợ. Hàng nông sản, thủy sản đã có cải thiện về chất lượng và an toàn thực phẩm nhưng chưa đồng đều, chưa đáp ứng tiêu chuẩn do nước nhập khẩu đặt ra”, bà Nguyễn Cẩm Trang chỉ rõ.

Để nâng cao hiệu quả tận dụng CPTPP, giúp hàng Việt thâm nhập tốt hơn thị trường, bà Nguyễn Cẩm Trang đề xuất cần rà soát văn bản liên quan, tạo môi trường thuận lợi cho DN; tăng cường truyền thông xúc tiến thương mại thị trường, định hướng cho DN trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh.

Không ít chuyên gia kinh tế đánh giá, các DN cần chủ động hơn tìm hiểu cơ hội, cam kết trong CPTPP để đáp ứng tốt quy định về quy tắc xuất xứ, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là hàng nông, thủy sản. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh, bắt đầu tư năng lực cạnh tranh của sản phẩm không chỉ là công việc thường xuyên mà còn là “chìa khóa” để DN dễ dàng có được các cơ hội từ quá trình hội nhập./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận