Bộ NN&PTNT cho biết, xung đột Nga - Ucraina và kèm theo đó là các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ của phương Tây cũng như phản ứng từ phía Nga đã gây ra tác động toàn diện đến kinh tế thế giới, như: thanh toán quốc tế với ngân hàng lớn của Nga; phong tỏa tài sản của các tập đoàn lớn; ngăn cản xuất nhập khẩu; ngừng cung cấp tín dụng, đứt gãy chuỗi cung ứng, phá giá đồng Rub, lạm phát, bất ổn thị trường chứng khoán toàn cầu...
Việt Nam cũng chịu tác động xấu từ xung đột này, thương mại nông nghiệp với Nga và Ucraina suy giảm đáng kể. Việt Nam xuất khẩu sang Nga hàng năm khoảng 500 triệu USD (năm 2021 là 550 triệu USD) hàng nông - lâm - thủy sản. Khi xung đột nổ ra, giao dịch xuất khẩu sang Nga đều phải tạm dừng do rủi ro về giao dịch ngân hàng, thiếu tàu vận chuyển và chi phí cao.
Việc thiếu hãng tàu và tăng chi phí vận chuyển khiến các doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào của Việt Nam phải dừng giao dịch với Nga và tìm nhà cung ứng từ các nước khác như: Úc, Nam Mỹ, Nam Phi. Sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và Ucraina làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất khoảng 10 - 20%, giá phân bón tăng trên 20% trong thời gian gần đây, ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi và trồng trọt.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho rằng, Nga là thị trường xuất nhập khẩu nông sản tiềm năng của Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần bám sát vào các quy định, thông tin mới từ các ngân hàng của Nga để đảm bảo thanh toán trong giao thương.
Ở một góc nhìn khác, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, chiến sự Nga - Ukraine tạo cơ hội cho cá tra Việt tăng thị phần. Nếu như trước đây, cá tra Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với cá minh thái của Nga tại Mỹ, Trung Quốc, EU, thì với tình hình hiện tại việc xuất khẩu cá minh thái của Nga gặp khó khăn, cá tra Việt Nam có cơ hội tăng khối lượng, trị giá xuất khẩu sang các thị trường này.
Tương tự, đối với mặt hàng gạo các doanh nghiệp cũng đưa ra đánh giá, xuất khẩu gạo sẽ thuận lợi hơn bởi những bất ổn từ cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraina khiến nhiều nước quan tâm hơn tới việc dự trữ lương thực…
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích, xung đột vũ trang nổ ra giữa Nga và Ukraina sẽ tác động tới nền kinh tế của Việt Nam theo cả hai hướng tiêu cực và tích cực. Sự căng thẳng này chỉ làm giao thương xuất nhập khẩu của hai bên bị gián đoạn tạm thời chứ không đứt gãy hoàn toàn.
Nga là thị trường tiềm năng và có nhu cầu cao về nông sản, thuỷ sản, đặc biệt là vào mùa đông, trong khi yêu cầu về chất lượng nông sản nhập khẩu mà thị trường Nga đưa ra không cao như thị trường châu Âu. Đây là cơ hội để hàng hoá của Việt Nam thâm nhập thị trường này trong thời điểm hiện nay. Nếu Việt Nam linh hoạt chấp thuận thay đổi phương thức thanh toán của nước bạn, thì có thể bán được nông sản với giá cao hơn.
Bên cạnh đó, ông Phong cho rằng, nguồn cung nông sản tại một số thị trường sẽ bị giảm sút do căng thẳng chiến sự. Chính vì vậy nhu cầu nhập khẩu nông sản từ Việt Nam sẽ tăng lên.
Những cơ hội xuất hiện trên thị trường rất nhanh và chỉ trong một thời gian ngắn, nếu khéo léo nắm bắt cơ hội đó sẽ thu được lợi./.