Doanh nghiệp 'gồng mình' sản xuất, tăng giá sản phẩm theo giá xăng dầu

Trong tình hình giá xăng dầu ở mức cao, nhiều doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm ở TP.HCM đều phải có kế hoạch điều chỉnh tăng giá sản phẩm.

 

Từ tháng 12/2021 đến nay, đã có 6 lần tăng giá xăng dầu, tổng cộng mỗi lít xăng RON95 đã tăng thêm hơn 4.000 đồng. Thêm vào đó, sau dịch bệnh, một số nguyên vật liệu sản xuất đã tăng giá nên nhiều doanh nghiệp (DN) đang “gồng mình” sản xuất. Một số DN ở TP.HCM đã tăng giá bán sản phẩm từ 10-15% và nhiều doanh nghiệp khác cũng chuẩn bị tăng giá sản phẩm theo giá xăng dầu.

Không muốn nhưng vẫn phải tăng giá

Mỗi tháng, Công ty Meizan CLV bán ra từ 800 - 1.000 tấn dầu ăn, mì sợi, bột chế biến thực phẩm. Từ cuối năm 2021, nhiều loại nguyên liệu sản xuất và cước vận chuyển tăng theo giá xăng dầu nên DN phải nhiều lần điều chỉnh tăng giá bán dầu ăn. Riêng sản phẩm mì, các loại bột chế biến thì công ty mới điều chỉnh tăng 10% trong tháng 2/2022.

“DN cố gắng điều tiết những chi phí sản xuất trong nhà máy để xem xét tiết giảm nhằm hạ giá thành sản phẩm. Cùng với đó, DN vẫn tiếp tục quan sát biến động giá nguyên vật đầu vào và cả đối thủ khác trong ngành hàng, khi có biến động giá lớn tiếp mới tính đến phương án điều chỉnh giá tiếp theo, hiện tại vẫn chưa có phương án”, anh Lưu Huỳnh, đại diện công ty này cho biết.

Doanh nghiệp sắp xếp lại các khâu sản xuất để tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất.

Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.FOOD) chuyên cung ứng các loại trứng gia cầm và sản phẩm từ trứng tham gia chương trình bình ổn giá của TP.HCM. Từ lúc dịch bệnh Covid-19 đến nay, DN chưa điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm. Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng giá xăng dầu, các loại nguyên liệu đầu vào và cước vận chuyển tăng 10 - 20%, nên DN đành phải tính đến chuyện xin phép điều chỉnh giá bán sản phẩm trong tháng 3 này. Đồng thời, DN cũng sẽ làm việc với các siêu thị, nhà phân phối để tìm cách chia sẻ khó khăn.

“Khi giá các nguyên liệu đầu vào còn tiếp tục tăng, DN sẽ cùng ngồi lại trao đổi với nhà bán lẻ, các kênh siêu thị để chia sẻ khó khăn, giảm bớt chi phí bán hàng cũng như chiết khấu thương mại. Khi đó, hai bên sẽ làm có thể làm cho việc ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu lên quả trứng thấp nhất”, ông Trương Chí Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cp Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt chia sẻ.

Mong muốn nhà phân phối chia sẻ khó khăn

Trong tình hình giá xăng dầu ở mức cao và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng, nhiều DN sản xuất lương thực, thực phẩm ở TP.HCM đều phải có kế hoạch điều chỉnh tăng giá sản phẩm. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội DN lương thực, thực phẩm TP.HCM cho biết, trong tình hình này, các DN đang tìm cách giảm chi phí vận chuyển bằng cách phối hợp với nhà phân phối cung ứng hàng hợp lý nhất. Trước đây 1 đơn hàng lớn có thể đi 2 - 3 chuyến xe, nhưng giờ DN cố gắng dồn vào 1 chuyến, thậm chí là 1 chuyến xe sẽ đến với nhiều nhà phân phối. Để không tăng giá thành sản phẩm quá cao, các Dn sản xuất mong muốn nhà phân phối cùng chia sẻ khó khăn và Chính phủ có giải pháp đối với giá xăng dầu.

“Chính phủ phải đứng ra chỉ đạo Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu tốt nhất, ví dụ như xuất Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như thế nào, tăng giá thì nên cập nhật bao nhiêu ngày 1 lần để ít nhất có khoảng thời gian cố định cho DN ổn định sản xuất. Tôi nghĩ lúc này lượng xăng dầu dự trữ nên được sử dụng”, bà Chi kiến nghị.

Giá xăng tăng cao liên tục khiến DN trong các lĩnh vực đều khó khăn. Với các DN sản xuất trực tiếp, DN sản xuất kinh doanh hàng thiết yếu, khó khăn này đến lúc phải tính vào giá thành sản phẩm và tất nhiên là ảnh hưởng đến người tiêu dùng./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận