Ngân hàng nói chưa bị ảnh hưởng
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, những ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT sẽ không thể thực hiện phần lớn giao dịch tài chính trên thế giới. Theo đó, các công ty và cá nhân Nga sẽ gặp khó khăn hơn trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu, cũng như vay mượn hoặc đầu tư ra nước ngoài.
Trước thông tin trên, PV VTC News đã đặt câu hỏi với đại diện các ngân hàng: BIDV, Agribank, Vietcombank nhằm làm rõ những tác động cụ thể. Đại diện các ngân hàng này đều cho rằng việc loại Nga khỏi SWIFT được triển khai trên từng quốc gia chứ không mang tính toàn cầu. Chẳng hạn các nước phương Tây phong tỏa Nga ngắt kết nối SWIFT với nước nào thì nước đó không thanh toán được, còn các nước không bị ngắt sẽ vẫn hoạt động bình thường.
“Nếu như có thông tin ảnh hưởng đến hoạt động của các thành viên trong hệ thống ngân hàng Việt Nam thì Ngân hàng Nhà nước sẽ có cảnh báo và đưa ra phương án xử lý. Tuy nhiên, đến nay, ngân hàng vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin nào về nội dung này. Hiện hoạt động chuyển tiền vẫn diễn ra bình thường”, một vị đại diện nói.
Trong khi đó, đại diện ngân hàng Agribank thông tin, đơn vị này chưa có chi nhánh hoạt động tại Nga, mà chỉ có 1 chi nhánh tại Campuchia.
“Việc Mỹ và đồng minh loại một số ngân hàng chủ chốt của Nga ra khỏi hệ thống SWFT hiện chưa ảnh hưởng gì đến hoạt động của chúng tôi cũng như việc chuyển tiền của Việt kiều Nga về Việt Nam và ngược lại tại hệ thống Agribank”, vị này nói.
Tương tự, đại diện ngân hàng Vietcombank chia sẻ: “Lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây đối với Nga thực tế chưa gây ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng cũng như việc chuyển tiền từ Nga về Việt Nam và ngược lại”.
Ngân hàng liên doanh Việt - Nga. (Ảnh minh họa: VietnamBiz)
Chuyên gia e ngại
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, dù lệnh trừng phạt vẫn cho phép các ngân hàng Nga thực hiện thanh toán qua ngân hàng ở các quốc gia không áp lệnh trừng phạt, cũng không nhằm vào nhóm khách hàng của các ngân hàng bị trừng phạt nhưng đây vẫn là một đòn kinh tế “tàn khốc” đối với nước Nga nói chung và các hoạt động kinh tế của Nga như: ngân hàng, xuất khẩu dầu khí nói riêng.
Cũng theo ông Doanh, có thể trước mắt, hoạt động của các ngân hàng Việt Nam, trong đó có việc chuyển tiền của Việt kiều Nga về nước và người Việt chuyển tiền sang Nga chưa bị ảnh hưởng, nhưng về lâu dài sẽ chịu tác động nhất định, trong đó ảnh hưởng lớn nhất là các hoạt động thương mại của doanh nghiệp hai nước.
“Tuy nhiên, ảnh hưởng như thế nào, chỉ đạo, khuyến cáo gì với các ngân hàng và người dân thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải là cơ quan đưa ra phát ngôn và hướng giải quyết một cách nghiêm túc”, ông Doanh nói.
Tương tự, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Việt Nam ít nhiều cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, bởi Nga và Việt Nam vốn có quan hệ kinh tế sâu rộng từ nhiều năm nay.
Theo ông Thịnh, mặc dù Nga sẽ chuẩn bị những cách thức riêng để đối phó với các lệnh trừng phạt nhưng việc bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga cực kỳ sâu sắc và mạnh mẽ. Bởi tất cả hoạt động thanh toán của Nga với thế giới hầu hết thông qua hệ thống thanh toán SWIFT.
Việc bị loại khỏi SWIFT có nghĩa là Nga bị cắt đứt hoàn toàn quan hệ với hệ thống thanh toán bên ngoài nước Nga. Có thể nói rằng việc này giống như bị đình chỉ các hoạt động giao thương quốc tế.
“Việc thanh toán, mua bán hàng hoá giữa Việt Nam với Nga bao gồm cả tư nhân lẫn nhà nước có thể gặp khó khăn. Chúng ta không thể thanh toán được khi mua hàng. Chúng ta bán hàng cho họ thì họ cũng không thanh toán được. Do đó, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nga ít nhiều bị đình trệ”, ông Thịnh nhận định.
Thêm vào đó, hoạt động chuyển tiền của kiều bào nước ta từ Nga về Việt Nam và ngược lại xét về mặt chính thống cũng sẽ bị đình trệ. Tuy nhiên, theo ông Thịnh, hoạt động này có thể áp dụng bằng nhiều cách khác mà không nhất thiết phải thông qua SWIFT.
“Do đó, những gia đình có người thân làm việc, lao động và học tập tại Liên Bang Nga trên thực tế sẽ không vấp phải khó khăn trong việc chuyển tiền qua lại”, ông Thịnh nhận định.
Theo PGS-TS Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, sau động thái của Mỹ và các nước phương Tây thực hiện với Nga, các cơ quan chức năng của Việt Nam chưa có đánh giá nào về tác động, ảnh hưởng trong việc kiều bào ở Nga chuyển tiền về nước và ngược lại thông qua các ngân hàng.
Bà Yến khẳng định, tác động và ảnh hưởng từ chiến tranh chắc chắn là có, nhưng cần phải có thời gian và đánh giá một cách cụ thể, vì đây là sự kiện lớn có ảnh hưởng đến nhiều mặt.
“Do chúng ta đang triển khai hàng loạt hoạt động phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 nên e rằng những bất ổn giữa Nga và Ukraine sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến Việt Nam. Do vậy, các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước… cần nhanh chóng có những đánh giá, đưa ra khuyến cáo và giải pháp để các ngân hàng và người dân có biện pháp xử lý”, bà Yến nói.
PHẠM DUY - CÔNG HIẾU/VTC.VN