Đâu là dư địa để điều hành giá xăng, dầu trong nước?

Từ 15h ngày 21/2, giá các mặt hàng xăng, dầu trong nước tiếp tục được điều đỉnh tăng theo chiều tăng của giá thế giới.

 

Đây là lần điều chỉnh tăng thứ 5 liên tiếp và là đợt tăng thứ 4 kể từ đầu năm nay.

Với mức tăng gần 1.000 đồng, mỗi lít xăng RON95 đã vượt mốc 26.000 đồng và hiện giá xăng trong nước đang ở mức cao nhất trong 8 năm qua. Tác động từ tăng giá xăng dầu tới tăng trưởng chung của nền kinh tế cũng như áp lực lạm phát đang ngày càng hiện hữu. Vậy đâu là dư địa để điều hành giá xăng, dầu trong nước?

Thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt do căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine, trong khi dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế. Dự báo giá nhiên liệu này sẽ tiếp tục tăng và đứng ở mức cao trong thời gian tới.

Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 30-40% mặt hàng xăng, dầu (tuỳ loại) và cũng tuỳ thời điểm có thể phải nhập khẩu cao hơn khi các nhà máy lọc hoá dầu trong nước gặp sự cố (sửa chữa, bảo dưỡng - giảm sản lượng). Trong khi nền kinh tế Việt Nam có chi phí xăng dầu chiếm tới gần 4% trong tổng chi phí sản xuất, với tính toán: khi giá xăng dầu tăng khoảng 10% sẽ làm cho tăng trưởng GDP giảm khoảng 0,5%. Ấy là chưa kể tới những tác động gián tiếp từ việc tăng giá xăng dầu tới lưu thông, phân phối, không chỉ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá mà còn tạo áp lực lên lạm phát và tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế…

Việc mỗi lít xăng tăng gần 3.000 đồng sau 5 lần tăng liên tiếp đã tác động không nhỏ tới mọi hoạt động sản xuất, giao thương, đi lại của người dân. Để giảm áp lực lạm phát, phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt từ 6-6,5% (theo mục tiêu của Quốc hội đề ra) thì bắt buộc phải “tránh tăng giá đột biến các mặt hàng thiết yếu” - trong đó có xăng, dầu.

Với mức tăng gần 1.000 đồng, mỗi lít xăng RON95 đã vượt mốc 26.000 đồng và hiện giá xăng trong nước đang ở mức cao nhất trong 8 năm qua.Vấn đề là dư địa để điều hành giá xăng dầu trong nước còn không? - khi mà Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở nhiều đầu mối lớn đã liên tục âm sâu từ lâu, và một số đầu mối hiện vẫn đang còn phải “vay mượn” từ quỹ này hàng trăm tỷ đồng để điều hành, kìm đà tăng mạnh giá xăng dầu?!

Giới phân tích chỉ ra rằng, chỉ còn công cụ duy nhất là điều chỉnh thuế và phí. Hiện các loại thuế, phí đang chiếm tới hơn 40% trong cơ cấu giá thành sản phẩm xăng, dầu. Đã nhiều lần, Bộ Công Thương - cơ quan nằm trong Liên Bộ (Công Thương - Tài Chính) thực hiện chức năng quản lý, điều hành giá xăng dầu đã đề xuất nghiên cứu giảm bớt các loại thuế (như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt) đối với các mặt hàng xăng dầu; đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường mặt hàng xăng sinh học E5-RON92 để vừa giúp giảm áp lực về giá, vừa khuyến khích tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường nhờ giá cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, đến nay, những kiến nghị của chính cơ quan điều hành vẫn chưa được xem xét, tính đến.

Giá xăng dầu thế giới tăng gây áp lực cho hầu hết các nền kinh tế đang phải phụ thuộc nhập khẩu xăng dầu. Để giảm mức ảnh hưởng giá dầu ở mức cao đối với hàng hóa tiêu dùng và vận tải, tại một thị trường khu vực lân cận với ta - Nội các Thái Lan ngày 20/2 đã vừa thông qua việc cắt giảm gần 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng dầu diesel trong thời hạn 03 tháng (còn ở mức 03 Bạt/ lít từ mức 5.99 Bạt/ lít đến hết ngày 20 tháng 05 năm 2022).

Cần chủ động, linh hoạt khi chúng ta vẫn còn dư địa để điều hành, tránh tạo áp lực cho nền kinh tế, doanh nghiệp và mỗi người dân, đẩy cảnh khó chồng khó, nhất là đối với chính các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh, phân phối xăng dầu. Chỉ khi hoạt động của doanh nghiệp và xã hội được đảm bảo thì nguồn cung hàng hoá mới được bảo đảm. Thực tế việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cục bộ ở một số địa phương qua 2 lần điều hành giá xăng dầu gần đây đã cho thấy rõ điều này./.

Nguyên Long/VOV1
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận