Thanh toán không tiền mặt gia tăng, ATM 'hạ nhiệt' ngày cận Tết

Trái ngược với hình ảnh hàng dài người đứng đợi như các dịp Tết trước, hệ thống ATM trên địa bàn Hà Nội thời điểm này khá thưa vắng.

 

Sự phát triển của thương mại điện tử và các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đã giảm tải đáng kể cho hoạt động của ATM trong cao điểm cuối năm.

Đến ngày 25 tháng Chạp, việc chuẩn bị thực phẩm cho dịp Tết của gia đình chị Trần Thị Huyền, ở quận Long Biên, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành. Bánh chưng, giò, gà, đồ khô, mứt kẹo,…, được chị đặt từ người quen hoặc mua ở siêu thị, trả tiền bằng hình thức chuyển khoản hay ví điện tử rất tiện lợi: "Covid thế này mình cũng không muốn tiếp xúc với shipper nhiều, nên mình hay chuyển khoản luôn. Hoặc là đi siêu thị mình cũng quét mã, vừa nhanh, tiện lợi, ngoài ra lại hay có các mã giảm giá. Bây giờ chuyển khoản không mất phí thì tốt nhất là cứ chuyển khoản thôi, chứ rút tiền mặt mình cũng rất là ngại".

Theo Công ty Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), giao dịch rút tiền ATM ngoại mạng qua Napas chiếm tới 90% năm 2015, thì đến năm 2020, tỷ lệ này giảm xuống còn 27%. Trong khi đó, tỷ trọng giá trị giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 đã tăng 11 lần, từ 6% lên 93,5%.

Dịch vụ trực tuyến của các ngân hàng khác cũng tăng cao so với năm 2019, từ 1,4 đến 2,6 lần. Đặc biệt, từ đầu năm 2022, nhiều ngân hàng lớn thực hiện miễn phí giao dịch qua smart banking, càng thúc đẩy hình thức chuyển khoản.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, cách mạng khoa học công nghệ và bối cảnh dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen mua sắm, thanh toán của bộ phận không nhỏ người dân. Cùng với đó, hạ tầng cơ sở chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt cũng phát triển mạnh mẽ;

"Ngay cả những người bán hàng hóa thông thường cũng có tài khoản, thậm chí có mã QR. Không dùng tiền mặt không chỉ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, mà nó còn giúp hoạt động ngân hàng thông thoáng hơn, tính cạnh tranh cao hơn. Đó là sự cố gắng của không chỉ hệ thống tài chính - ngân hàng, mà của nhiều ban ngành, đặc biệt công nghệ thông tin", PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nói.

Trong giờ cao điểm tại các khu công nghiệp, công nhân cũng chỉ cần đợi 1-2 lượt để rút tiền.

Với những người khác chưa quen dùng ngân hàng điện tử, hoặc bắt buộc phải dùng tiền mặt, thì việc rút tiền ngày cận Tết cũng không gặp khó khăn.

Theo khảo sát tại nhiều tuyến phố lớn như Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi…, những khu vực tập trung dân văn phòng ở Cầu Giấy hay các khu công nghiệp ở Long Biên, Mê Linh,… hệ thống ATM chỉ lác đác người rút tiền trong giờ thấp điểm, và trong giờ cao điểm, người dân cũng chỉ cần đứng đợi khoảng 1-2 lượt:

"Mọi năm thấy mọi người khó rút lắm nhưng năm nay dễ rút mà! Chưa thấy hết tiền gì cả, vẫn còn nhiều tiền lắm"

"Năm ngoái phải xếp hàng 4-5 lượt, năm nay vào rút cái được ngay. Thi thoảng có một số cây xa xa thì vẫn bị sự cố không rút được tiền".

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, bên cạnh sự phổ biến của mua sắm online và thanh toán phi tiền mặt, sự “hạ nhiệt” của các cây ATM còn do yêu cầu phòng, chống dịch và thu nhập nhiều của gia đình giảm sút.

Về lâu dài, cần nhiều nỗ lực hơn nữa để hệ thống ATM hoạt động thông thoáng và thực hiện Chỉ thị 22 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

"Thứ nhất là tiếp tục phát triển các loại hình thanh toán mới cũng như là thương mại điện tử. Thứ hai là các ngân hàng phân bổ thời gian, địa điểm để các dịch vụ này thông thoáng và thuận lợi hơn, tránh dồn ứ dịp Tết; nỗ lực cải thiện và giảm thiểu các chi phí. Với kinh nghiệm đó, với “đà” đó thì thời gian tới cần duy trì, có lợi cho cả xã hội và mỗi người dân", TS. Nguyễn Minh Phong cho biết./.

Minh Hiếu/VOVgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận