Thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc

  • 18/01/2022 14:54:16
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Ngày 17/01/2022, tổng lượng xe còn tồn tại 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh là 2.643 xe, giảm hơn 3.000 xe. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc vẫn có thể trở lại bất cứ lúc nào. Trước thực trạng này,  Bộ Công Thương đã thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

 

Từ đầu tháng 12/2021, do dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, Trung Quốc đã liên tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại tất cả các cửa khẩu, bao gồm cả cảng biển và các cửa khẩu biên giới đất liền. Tiến độ thông quan hàng hóa, vì vậy, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc, đến 8 giờ sáng ngày 17/01/2022, toàn tuyến biên giới phía Bắc đã có 12 cửa khẩu, lối mở hoạt động. Tổng lượng xe còn tồn tại 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh là 2.643 xe , giảm hơn 3.000 xe so với thời điểm cuối tháng 12/2021. Hàng hóa nhập khẩu cũng được giải tỏa đáng kể, đáp ứng nhu cầu vật tư, nguyên liệu cho sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, tình hình vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi mặc dù các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và Lào Cai đã liên tục khuyến cáo nhưng xe chở hàng từ tuyến sau vẫn tiếp tục dồn lên cửa khẩu. Tình trạng ùn tắc vẫn có thể trở lại nghiêm trọng vào bất cứ lúc nào bởi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, năng lực bốc dỡ của cả 2 bên lại càng ngày càng hạn chế do nhân lực bốc xếp nghỉ việc về quê ăn Tết.

Trước tình hình đó, để tập trung xử lý số lượng phương tiện còn tồn đọng từ nay tới Tết Nguyên đán, các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và Lào Cai đã buộc phải dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả và hàng đông lạnh vào khu vực cửa khẩu từ ngày 17/01/2022 . Đồng thời, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/12/2022, Bộ Công Thương đã thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc do đ/c Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng ban, có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và PTNT, Ngoại giao, Tài chính, Y tế và lãnh đạo UBND các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Lào Cai.

Để thực hiện mục tiêu giải tỏa ùn tắc trước Tết Nguyên đán, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các quy tắc sản xuất, bao gói và vận chuyển an toàn cho tất cả các đối tượng tham gia vào chuỗi sản xuất - xuất khẩu nông sản, đặc biệt là trái cây và thủy sản đông lạnh, với mục tiêu là không để nhiễm virus trên bao bì và bản thân hàng hóa.

Bộ Y tế nhanh chóng hướng dẫn các tỉnh biên giới phía Bắc thiết lập các vùng đệm an toàn ("vùng xanh") với tiêu chuẩn, quy trình hài hòa hợp lý với phía Trung Quốc để vừa xây dựng, củng cố lòng tin vào các biện pháp phòng dịch của nhau, vừa tạo điều kiện giảm bớt thời gian thông quan tại cửa khẩu.

UBND các tỉnh biên giới phía Bắc tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại cửa khẩu, trong đó đặc biệt lưu ý công tác khử khuẩn phương tiện và hàng hóa, nhất là trái cây tươi và thực phẩm đông lạnh; nhanh chóng triển khai các "vùng xanh" theo hướng dẫn của Bộ Y tế để 2 bên cùng yên tâm khôi phục hoàn toàn hoạt động thông quan. Cùng Bộ Nông nghiệp và PTNT đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các quy tắc vận chuyển, bốc dỡ an toàn cho tất cả các đối tượng tham gia vào khâu vận chuyển, bốc dỡ nông sản xuất khẩu.

Tiếp tục giao thiệp, trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc, đặc biệt là 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam ở tất cả các cấp, các kênh, trong đó có kênh Nhóm công tác được thành lập theo chỉ đạo của 2 đồng chí Thủ tướng, để bàn bạc các giải pháp nhằm tháo gỡ ùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng đến thông quan thông suốt ổn định lâu dài, không chỉ trước và trong Tết Nguyên đán mà cả sau Tết Nguyên đán. Tinh thần chung là tôn trọng chính sách của nhau nhưng cùng bàn bạc để việc áp dụng chính sách không gây trở ngại quá mức cho lưu thông hàng hóa tại khu vực biên giới bởi điều đó là không có lợi cho tất cả các bên…

 

Bình luận

    Chưa có bình luận