Muôn nẻo khó khăn
Thanh long là sản phẩm xuất khẩu chủ lực trong các mặt hàng hoa quả của Việt Nam. Tính riêng trong 11 tháng năm 2021, xuất khẩu thanh long đạt gần 933 triệu USD và cả năm 2021 ước đạt khoảng 1 tỉ USD, chiếm khoảng 43% xuất giá trị khẩu trái cây. Tuy nhiên, việc xuất khẩu thanh long vào thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn tại các cửa khẩu do chính sách “Zero Covid” của nước này. Điều này, đặt ra thách thức đối với sản lượng lớn thanh long đang vào vụ thu hoạch.
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, khi việc thông quan ở các cửa khẩu phía Bắc bị đình trệ, các thương lái thu mua chậm, thậm chí một số nơi ngừng thu mua, giá thanh long giảm khá sâu, có nơi còn 2.000 - 4.000 đồng/kg. Dự kiến, trong quý I/2022, toàn tỉnh có hơn 100.000 tấn thanh long cần tiêu thụ, nhưng tỉnh chỉ có 111 cơ sở thu mua với 13 cơ sở chế biến, quy mô nhỏ và vừa, trữ lượng tổng kho lạnh là 16.000 tấn.
Tương tự, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An chia sẻ, địa phương có khoảng 10.000 ha trồng thanh long với sản lượng khoảng 20.000 tấn. Hiện nay lượng tồn kho gần 3.000 tấn. Trong khi đó, toàn tỉnh Long An chỉ có 100 kho đông lạnh với tổng công suất khoảng 5.400 tấn. Sức chứa còn lại chỉ 2.400 tấn.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, sản lượng thanh long của Việt Nam khoảng gần 1,4 triệu tấn/năm nhưng lại không phân bố đều. Cụ thể, quý I khoảng 300.000 tấn, quý II khoảng 150.000 tấn, quý III khoảng 400.000 tấn và quý IV khoảng 500.000 tấn. Như vậy, quý IV và I tập trung khoảng 60% sản lượng.
Trong bối cảnh các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP đã ký kết thực thi; các quốc gia nhập khẩu đưa ra quy định ngày càng chặt chẽ về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; rủi ro thiên tai và dịch bệnh động thực vật; dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lây lan với nhiều biến chủng Delta, Omicron... hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản nói chung, thanh long nói riêng gặp nhiều rủi ro và thách thức rất lớn.
Trước tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu, số lượng hàng tồn đang được đẩy mạnh để xuất khẩu qua đường biển cũng như tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp (DN) và các hiệp hội, để xuất khẩu theo đường biển, các doanh nghiệp phải có container lạnh, vì thế doanh nghiệp phải mua lại container nên giá tăng cao. Giá cước logistics đang ở mức cao nhất lịch sử. Từ cuối tháng 10 đến tuần đầu tiên của tháng 12/2021, chi phí vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến cảng Ninh Ba - Chu Sơn của Trung Quốc tăng 137%.
Tất cả vì thương hiệu nông sản Việt
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị ngành nông nghiệp 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có những phương án, giải pháp phối hợp, tạo điều kiện để DN tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, DN các vùng, địa phương khác cũng đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối tiêu thụ. “Các sản phẩm trái cây đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ qua đường bộ. Đường thủy lại vướng mắc việc thiếu container. Các đơn vị cần đồng hành, phối hợp cùng tháo gỡ, không đổ thừa trách nhiệm. Tất cả đều phải vào cuộc vì thương hiệu nông sản Việt”, Thứ trưởng khẳng định.
Ở góc độ đối tác xuất khẩu, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Ấn Độ là thị trường 1,4 tỷ dân, tỷ lệ người ăn chay cao và thói quen sử dụng hoa quả rất nhiều. Tại Ấn Độ, nhu cầu về thanh long rất lớn, hàng năm Ấn Độ nhập khẩu 95% thanh long từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam….Do đó, để xuất khẩu thanh long sang thị trường tiềm năng này, Chính phủ, Bộ, ngành cần thường xuyên giữ kết nối, trao đổi với Bộ, ngành của nước đối tác; tổ chức các kỳ họp, tiểu ban, nhóm làm việc; tích cực đàm phán mở rộng thị trường tiêu thụ trái cây. DN cần tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, tích cực tham gia các diễn đàn xúc tiến thương mại, chủ động giao lưu, kết nối và trao đổi với đối tác, thận trọng trong quá trình đàm phán, ký kết thị trường, lưu ý về bao bì nhãn mác sản phẩm…
Ông Như Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC - đại diện thương mại Xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam - cho biết, nông sản từ châu Á được coi là “siêu thực phẩm” ở châu Âu. Thanh long đang trở thành một mặt hàng như vậy, đặc biệt tại Hà Lan. Mua thanh long ở Hà Lan không dễ, nhất là với người bản địa. Giá thanh long ở siêu thị khoảng 260.000 đồng với quả 400g. Để đưa được thanh long vào Hà Lan, sản phẩm phải đạt chứng nhận GlobalGAP và khoảng 150 tiêu chuẩn dư lượng thuốc BVTV. Ngoài ra, màu đỏ của trái phải chiếm hơn 70%, cuống phải cắt hoàn toàn, và tai không dài quá 1,5cm.
Cùng với đó, cần quảng bá, xúc tiến thương mại hình ảnh thanh long hơn nữa, bởi nhiều người châu Âu chưa biết mua tại đâu. Tại Hà Lan, các DN muốn mở rộng thị trường cần tham gia nhiều hội chợ quốc tế, hoặc kết nối trực tiếp với các điểm thu mua. VIEC cam kết có thể hoàn thành những thủ tục như vậy. Ngoài thanh long, công ty hứa xúc tiến đưa nhiều trái cây khác vào thị trường Hà Lan thời gian tới.
Với kinh nghiệm 15 năm xử lý đóng gói xuất khẩu trái cây tươi vào EU, Mỹ, Úc..., ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty Rồng Đỏ chia sẻ, cần sớm kích hoạt thực hành kiểm soát mối nguy sinh học, thực hiện 5K, bao tay, test nhanh lực lượng lao động trong chuỗi giá trị, test nhanh thành phẩm, bán thành phẩm với mục tiêu là không phát hiện virus trên thành phẩm hay vỏ thùng hàng.
Bên cạnh đó, ông Thìn mong các bộ, ngành và các tỉnh quan tâm đến 'tàu riêng lạnh, đông lạnh' phục vụ phát triển bền vững cho nông sản Việt Nam xuất khẩu đi các nước nói chung và Trung Quốc nói riêng
Về phía người sản xuất, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An, đưa ra kiến nghị: Bộ Ngoại giao trao đổi với cơ quan chức năng bên phía Trung Quốc đảm bảo thực hiện đúng hiệp định thương mại biên giới để các hoạt động được diễn ra liên tục và ổn định. Nếu có thay đổi về chính sách cần được thông báo ít nhất trước 15 ngày để phía Việt Nam có thời gian chuẩn bị; Bộ NN&PTNT đàm phán với Hải quan Trung Quốc kí kết Nghị định thư về việc giảm tỉ lệ kiểm tra, kiểm dịch; xây dựng cơ chế kiểm tra, thống nhất cơ chế giám sát an toàn thực phẩm đối với các lô hàng nông lâm thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; đàm phán mở cửa thị trường; bổ sung danh sách doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; đối với các tỉnh biên giới phía Bắc, cần tạo thuận lợi cho vận chuyển, lưu thông hàng hóa, trao đổi thương mại biên giới. Về lâu dài cần xây dựng kho chuyên dụng bảo quản nông sản, mở trung tâm giao dịch gần cửa khẩu.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam: “Thị trường Trung Quốc là thị trường lớn, quy định cao. Chính vì vậy bên phía Việt Nam cần xác định nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn là vấn đề quan trọng số 1 hiện nay. Đồng thời, chúng ta cần thay đổi tư duy “quá phụ thuộc vào một thị trường” sang tư duy “đa dạng thị trường”.
Ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit (Long An): “Thanh long sang 50 nước không bằng lượng xuất qua Trung Quốc. Có thị trường xuất khẩu cả năm không bằng bán cho Trung Quốc trong 2 ngày. Chúng tôi có lô hàng xuất khẩu châu Âu, lịch tàu 26 ngày tới nhưng thực tế 42 ngày mới cập cảng, hàng hóa hư hại nhiều. Tôi nói điều này để nông dân, các doanh nghiệp thấy rõ tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc và cần tuân thủ các quy định của họ nếu muốn bán được hàng. Những thị trường khác cũng có yêu cầu về vùng trồng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật".
Ông Như Nguyễn , Giám đốc Công ty VIEC - Đại diện thương mại Xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam: “Chuỗi cung ứng từ vườn trồng đến siêu thị qua càng ít mắt xích sẽ càng dễ thành công và được đón nhận”.
Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT: 3 tháng đầu năm 2022, cả nước thu hoạch khoảng 300.000 tấn thanh long, tập trung tại các vùng chuyên canh quy mô lớn ở 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Chưa tính sản lượng thanh long còn trên cây, từ khi phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu ước tính đang có hơn 100.000 tấn thanh long đã thu hoạch nhưng chưa có đầu ra.
|