Tân Hoàng Minh bỏ cọc có tạo hiện tượng domino về giá cho thị trường bất động sản?

Việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc hợp đồng mua lô đất 3-12 có thể khiến giá đất Thủ Thiêm rớt thê thảm và có thể tạo tiền đề dây chuyền trên thị trường.

 

Thị trường bất động sản thời gian qua bị đẩy giá lên cao quá, nơi nơi giá đất nền lên từng ngày. Nhiều chuyên gia nhận định giá bất động sản đang “ảo” khi lên quá cao, giao dịch và thanh khoản kém. Giờ Tập đoàn Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc phiên đấu giá lô đất “tỷ đô” (lô đất 3-12 thuộc khu chức năng số 3 trong Khu đô thị Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, TP.HCM) sẽ ảnh hưởng nhiều đến thị trường.

Ông Phan Hồng Minh, Trưởng ban quản lý dự án Tây Nam Linh Đàm cho biết, việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh tham gia đấu giá đất với một giá vô lý trước đây vẫn là câu hỏi không ai lý giải được về mục đích. Bây giờ doanh nghiệp lại bỏ cọc mất gần 700 tỷ đồng, đây không phải là vấn đề về tiền còn là danh tiếng của doanh nghiệp.

Tân Hoàng Minh bỏ cọc có tạo hiện tượng domino về giá cho thị trường bất động sản?

“Sau khi Tân Hoàng Minh đấu giá đã tạo một đợt sóng, cộng hưởng với nỗi lo lạm phát và hết dịch nhà đầu tư đổ vào bất động sản. Giá đất tại khu vực Thủ Thiêm lên, đất các dự án xung quanh, TP.HCM và các tỉnh cũng lên theo. Nói chung, thị trường đất nền khu vực phía Nam tăng giá vùn vụt. Giờ Tân Hoàng Minh bỏ cọc, sẽ tạo hiệu ứng ngược, giá đất xuống sâu. Khi xuống giá thị trường không thanh khoản, doanh nghiệp nhà đầu tư sẽ điêu đứng khi dòng tiền đứng lại.

Từ việc giảm giá đất ở TP.HCM, thị trường không thanh khoản có thể tạo ra hiện tượng domino lan rộng ra các tỉnh lân cận và cả nước. Với kịch bản như vậy thì năm 2022 sẽ là một năm khó khăn của thị trường bất động sản, tiềm ẩn nguy cơ vỡ “bong bóng” bất động sản” - ông Phan Hồng Minh nhận định.

Ngoài ra, việc ông Trịnh Văn Quyết của Tập đoàn FLC bán chui cổ phiếu, FLC là tập đoàn lớn trong xây dựng điều này đã khiến toàn bộ cổ phiếu các công ty bất động sản giảm. Việc cổ phiếu các công ty bất động sản xuống thì huy động vốn sẽ kém. Giá trị cổ phiếu còn là phần đảm bảo để vay ngân hàng, khi cổ phiếu xuống quá nhiều, hạn mức vay của các công ty sẽ được ngân hàng đánh giá lại, dòng tiền có thể ngừng, ông Phan Hồng Minh cho biết.

Theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết quả đấu giá đất ở Thủ Thiêm với mức cao nhất lên đến 2,43 tỷ đồng/m2, cao hơn gấp 2 lần giá đất tại tại trung tâm Quận 1 là điều vô lý.

“Giá ảo xuất hiện trên thị trường bất động sản TP.HCM. Thủ Thiêm chỉ là khu vực có tiềm năng phát triển trong tương lai - không thể nào đắt gấp đôi nơi đắt nhất của TP.HCM hiện nay. Doanh nghiệp chi 2,4 tỷ đồng/m2 để đầu tư vào đất Thủ Thiêm thì kinh doanh gì để có thể hoàn lại vốn, chứ chưa nói đến chuyện có lãi” - GS. Đặng Hùng Võ nói.

GS. Đặng Hùng Võ đánh giá, hiện các nhà đầu tư có nhiều "bài vở" trong chuyện tạo sốt đất, không chỉ diễn ra ở Thủ Thiêm mà còn ở cả nước. Riêng chiêu kích giá đất ở Thủ Thiêm từ vụ đấu giá sẽ gây tác động nhất định đến thị trường bất động sản cả nước./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận