Hài hoà lợi ích giúp thủy sản đi được đến đích

  • 13/01/2022 12:58:27
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Năm 2022 được đánh giá là một năm khó khăn với ngành thủy sản. Theo các chuyên gia để ngành này vượt qua khó khăn cần sự bắt tay giữa khu vực sản xuất, người chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu trên cơ sở hài hoà về mặt lợi ích mới bền vững và đi được đến đích.

 

Khó khăn còn nhiều!

Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế trong nước và hoạt động xuất khẩu. Đặc biệt, chế biến và xuất khẩu thủy sản chịu tác động không nhỏ. Song, bằng sự nỗ lực khắc phục khó khăn từ khâu sản xuất đến khâu vận chuyển, ngành thủy sản đã có bước bứt phá ngoạn mục, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, hiện dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn ra phức tạp, bên cạnh đó là Lệnh 248 về “Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu”, và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” của Tổng cục Hải quan Trung Quốc áp lên các mặt hàng nông sản xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Hai lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Những doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam, muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bắt buộc tuân thủ những quy định mới này. Điều này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam muốn đưa hàng hóa sang thị trường này một cách thuận lợi cần phải tiến hành thêm nhiều thủ tục khác.

Đánh giá về những khó khăn trong ngành thủy sản năm 2022, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, khó khăn trong ngành thủy sản có những yếu tố chính như thị trường, cạnh tranh, khu vực sản xuất. Đặc biệt là khó khăn khi thẻ vàng EU chưa được gỡ. Ngoài ra, khó khăn nhất hiện nay của người dân là tiếp cận vốn.

Bên cạnh đó, theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương Mại (Bộ Công Thương), thủy sản còn phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) như chống bán phá giá, trợ cấp hay gần đây là biện pháp lẩn tránh PVTM rất phổ biến trong thương mại quốc tế.  Đối với lĩnh vực thuỷ sản có rất nhiều yêu cầu liên quan đến các khâu như nuôi trồng, đánh bắt, chế biến... Và các biện pháp PVTM này đã được áp dụng với Việt Nam trong một thời gian khá dài. So với các ngành khác, thủy sản là một trong những ngành đối diện với các vụ việc PVTM do nước ngoài điều tra sớm nhất, đối với cá tra, basa năm 2002 với tôm nước ấm năm 2003. Các biện pháp PVTM mại đang gia tăng một cách nhanh chóng tại nhiều nước, các thị trường xuất khẩu lớn của chúng ta như Hoa Kỳ, EU, Canada... đa số những quốc gia này đều tăng cường áp dụng với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Hài hoà về mặt lợi ích

Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, để có thể ứng phó với các thách thức trong lĩnh vực PVTM thì ngoài việc phải đoàn kết, chủ động nâng cấp hệ thống truy xuất, quản lý các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản cần tìm hiểu kỹ thị trường, đa dạng hóa thị trường. Bởi mỗi thị trường sẽ có những quy định khác nhau, có văn hóa tiêu dùng khác nhau, đối tác cạnh tranh khác nhau... Ví dụ, muốn tập trung xuất khẩu Trung Đông, các quốc gia Hồi giáo cần có chứng nhận, hoặc tìm hiểu quy cách đóng gói của họ. Như mặt hàng cá tra, đối với châu Âu thì họ sử dụng size cá khoảng 0.9kg/con là đa số, phải lọc da, thịt trắng. Tuy nhiên, tại thị trường Trung Đông, thì họ sử dụng rộng rãi hơn, size lớn hơn và không cần lọc da có thể sử dụng cả cá trắng và hồng. Như vậy mỗi thị trường có những quy cách, cách chế biến khác nhau, hệ thống quản lý chất lượng khác nhau.

Để làm tốt đa dạng hóa thị trường, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực của mình, chất lượng sản phẩm, số lượng hàng hóa. Khi đạt được sống lượng hàng hòa ổn định thì mới ký kết những đơn hàng theo quy chuẩn chất lượng của mình.

Ngoài ra, chuyên gia Hoàng Trọng Thuỷ còn cho rằng, ngành thủy sản phải tiến tới một nền sản xuất có hậu cần, có nghĩa là có sự cam kết mua hàng với giá phù hợp để gắn chăn nuôi, chế biến với khu vực sản xuất. Trên cơ sở hài hoà về mặt lợi ích thì sự bắt tay giữa khu vực sản xuất, người chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu mới bền vững và đưa ngành thủy sản đi được đến đích.

Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh chóng, thủy sản Việt Nam dễ dàng trở thành đối tượng của các vụ PVTM. Trong các kỳ rà soát chống bán phá giá đối với cá tra, basa và tôm, khối lượng thông tin cơ quan điều tra yêu cầu cung cấp là rất lớn, thời gian bị giới hạn, chính vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản nếu không chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ liên quan để phục vụ cho quá trình điều tra thì dễ bị thua. Để chủ động cung cấp thông tin doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, lưu trữ hồ sơ đầy đủ, đáp ứng yêu cầu của nước xuất khẩu về truy xuất nguồn gốc, quy định về các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) đối với tôm, cá… như chất phụ gia, dư lượng kháng sinh,...

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và hiệp hội liên quan để thực hiện nhiệm vụ kháng kiện, tiến hành trao đổi song phương yêu cầu các quốc gia tuân thủ quy định của WTO khi áp dụng các biện pháp PVTM để góp phần hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp trong nước. Với những cố gắng và nỗ lực đó, ngành thủy sản sẽ phát triển bền vững và đi được đến đích.

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương Mại, Bộ Công Thương:

Cho đến nay, Hoa Kỳ là nước duy nhất điều tra PVTM đối với ngành thủy sản của Việt Nam với 03 vụ việc bao gồm điều tra Chống bán phá giá cá tra, basa năm 2002; điều tra chống bán phá giá tôm nước ấm năm 2003 và điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với tôm của công ty Minh Phú. Việt Nam đã trải qua 18 kỳ rà soát thuế Chống bán phá giá đối với cá tra, basa và 16 kỳ rà soát chống bán phá giá đối với tôm nước ấm. Trong các lần rà soát, có những kỳ doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và tôm của Việt Nam được hưởng mức thuế suất từ 0-1% nhưng cũng có lúc sản phẩm này của Việt Nam chịu mức thuế chống bán phá giá lên đến 15%, hay đối với mặt hàng tôm lên đến 25,76%.  Nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau trong các lần rà soát hầu hết liên quan đến các yếu tố như mức độ hợp tác của doanh nghiệp với cơ quan điều tra Hoa Kỳ; cách thức cơ quan điều tra Hoa Kỳ tiến hành trong kỳ rà soát đó.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ:

Tôi có thể tự tin nói rằng, so với ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm thì ngành thủy sản đã đi theo chuỗi giá trị theo liên kết dọc đã đạt được những thành tựu rất tốt. Đối với các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam hiện đang có mặt ở 165 - 180 nước trên thế giới.

Như vậy, nắm rõ thị trường khá quan trọng nhưng việc tối ưu hóa sản phẩm đó để thích ứng, giữ sự bền bỉ thì việc liên kết dọc từ nông dân, ngư dân đến khu vực chế biến, đóng gói, giao nhận hàng được tích lũy nhiều hơn, có kinh nghiệm hơn. Đó là nguyên nhân đã tạo nên kết cấu, nền tảng vững chắc trong ngành thủy sản.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận