'Bán chui' và tính minh bạch trên thị trường chứng khoán

Ngày 11/1/2022, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM thông báo huỷ bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC hôm 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết.

 

Ngày 11/1/2022, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM thông báo huỷ bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC hôm 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết, đồng thời các tài khoản đứng tên ông Trịnh Văn Quyết bị phong toả. Đây là lần đầu tiên hành vi bán ra cổ phiếu không công bố được xử lý nghiêm như vậy.

Thông báo của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM HoSE

Nguyên nhân huỷ giao dịch do Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết không báo cáo, không công bố thông tin trước khi giao dịch (hay còn gọi là “bán chui). Trước đó, ông Quyết đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu FLC để giảm tỷ lệ sở hữu từ 30,34% xống còn 5,7%. Văn bản thông báo đề ngày 5/1, nhưng Ủy ban chứng khoán Nhà nước SSC cho biết chỉ nhận được báo cáo dự kiến giao dịch vào 17h45 ngày 10/1. Trong khoảng thời gian này, cả website của Tập đoàn FLC và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (nơi doanh nghiệp niêm yết) đều không đăng thông tin.

Chỉ trong một phiên 10/1/2022, ông Quyết bán được 74,8 triệu cổ. Đồng thời, giá của cổ phiếu FLC cũng đảo chiều chỉ trong một phiên khi sáng tăng trần lên mức 24.100 đồng/cổ phiếu mà sau nửa tiếng giảm sàn còn 20.950 đồng, sau đó nhích nhẹ lên và đóng cửa tại 21.150 đồng. Khối lượng giao dịch lên đến 134,96 triệu cổ phiếu, cao kỷ lục từ khi doanh nghiệp này niêm yết trên sàn TPHCM vào năm 2013. Không chỉ mã FLC, tất cả các mã liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết (được giới chơi chứng khoán gọi bằng tên “họ FLC”) như ROS, HAI, KLF, AMD, ART…liên tục bị bán tháo và giảm xuống mức giá sàn trong cuối phiên 10/1 và tiếp tục sàn trong các phiên 11/1, 12/1 với khối lượng giao dịch lớn.

 

Cuối ngày 10/1, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước SSC đã ra quyết định số 19/QĐ-UBCK yêu cầu Trung tâm lưu ký phong toả các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết và các công ty chứng khoán dừng toàn bộ các giao dịch trên các tài khoản của ông Quyết từ ngày 11/1, trên cơ sở quy định tại Nghị định 155/2020, khi cần xác minh tình tiết làm căn cứ để ban hành quyết định xử phạt, biện pháp phong toả tài khoản nhằm ngăn chặn cá nhân tiếp tục vi phạm.

Theo Nghị định 128/2021/NĐ-CP người nội bộ hoặc cổ đông lớn không báo cáo về giao dịch dự kiến, có thể chịu 8 mức phạt, thấp nhất là 5 triệu đồng và cao nhất là 3 - 5% giá trị giao dịch thực tế nếu giao dịch đó hơn 10 tỷ đồng. Như vậy, với giao dịch của ông Trịnh Văn Quyết ngày 10/1 mệnh giá tương đương 748 tỷ đồng, mức xử phạt tối đa theo cách tính này khoảng 37,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, Nghị định quy định mức phạt tối đa với cá nhân là 1,5 tỷ đồng. Do đó, nhiều khả năng ông Quyết chỉ phải nộp phạt 1,5 tỷ đồng cho đợt bán chui cổ phiếu.

Từ cuối tháng 12/2021 đến nay, cổ phiếu FLC đã tăng mạnh liên tiếp và nhiều phiên giá trần, sáng 10/1 vẫn được giao dịch với giá trần 24.100 đồng nên ông Quyết có thể thu khoảng 1.800 tỷ đồng nếu bán tại đỉnh. Và như vậy, quyết định phạt 1,5 tỷ đồng chưa đến 0,1% giá trị giao dịch. Còn nếu ông Quyết thực hiện công bố theo “đúng quy trình” thì rất có thể cổ phiếu FLC sẽ giảm sàn liên tiếp và số tiền thu về chỉ còn khoảng 1.200 tỷ đồng.

Trên cơ sở những tính toán này, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) chiều 11/1 cho rằng, ông Quyết thu lợi bất chính từ giao dịch này nên đề nghị tịch thu khoản chênh lệch để sung vào ngân sách Nhà nước. Tổ chức này cũng muốn SSC chỉ đạo công ty chứng khoán phong toả tài khoản chứng khoán của ông Quyết và buộc doanh nhân này mua lại cổ phiếu đã bán.

Văn bản của Ủy ban chứng khoán Nhà nước SSC

Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, không dễ để xác định chính xác khoản thu bất chính từ giao dịch này, do đó, nếu SSC phát hiện dấu hiệu phạm tội từ hành vi của ông Quyết, có thể chuyển sang cơ quan điều tra và truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 209 Bộ Luật Hình sự 2015. Luật sư Nguyễn Ngọc Thụy, Công ty Luật Ngọc Thụy, chỉ rõ: Điều 209 “Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” quy định: Người nào cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm với những hành vi: Gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng; Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1 tỷ đồng. Trong trường hợp thu lợi bất chính từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Các luật sư cũng cho rằng nếu SSC không giải quyết nghiêm vi phạm của người đứng đầu Tập đoàn FLC thì có thể tạo ra tiền lệ xấu về thi hành các luật liên quan đến chứng khoán. "Hành vi này làm lũng đoạn thị trường, khiến thị trường ngày càng kém minh bạch", Luật sư Nguyễn Văn Hậu phân tích.

“Trên thực tế, với “cú sốc” mà FLC gây ra, ngay phiên giao dịch đầu tuần, VNIndex đã mất 24,77 điểm, đến phiến 11/1 mất mốc 1500 điểm, nhiều nhà đầu tư tài khoản bị âm 5 - 10% do thị trường chứng khoán sụt giảm. Như vậy, vẫn có cơ sở để áp điều 209, Bộ Luật hình sự” - Luật sư Nguyễn Ngọc Thụy phân tích.

Ông Trịnh Văn Quyết

Câu chuyện về cổ phiếu FLC đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Chuyên gia chứng khoán Anh Pháp phân tích: “Phong toả tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết là đúng vì hàng về nếu ông Quyết trả bằng cổ phiếu thì bên công ty chứng khoán sẽ chịu thiệt”. Một chuyên gia khác đặt nghi vấn: “Cổ phiếu FLC tăng trần nhiều phiên, trong khi công ty làm ăn lợi nhuận kém. Nếu tăng trần nhiều thì Ủy ban chứng khoán sẽ vào cuộc điều tra, nếu phát hiện có dấu hiệu của lái thì FLC sẽ khó đứng dậy được. Nhưng với cách làm tăng và giảm như thế này thì cổ phiếu lại trở thành bình thường, khó xử lý”./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận