Việt Nam phấn đấu duy trì thặng dư thương mại bền vững hơn

Xuất siêu góp phần quan trọng trong việc ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giúp nền kinh tế có thêm được nguồn dự trữ về ngoại tệ.

 

Năm 2021, Việt Nam tiếp tục ghi nhận năm thứ 6 liên tiếp cán cân thương mại có xuất siêu - với trị giá xuất siêu năm 2021 đạt 4 tỷ USD. Như vậy là Việt Nam đã vượt mục tiêu đặt ra tại Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020 (là đến năm 2020 mới tiến tới cân bằng cán cân thương mại) và đang tiếp tục kiên trì mục tiêu của giai đoạn 2021-2030 là tiếp tục duy trì thặng dư thương mại bền vững hơn, hướng đến cán cân thương mại với các đối tác lành mạnh, hợp lý, từ đó bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn…

GS.TS Hoàng Văn Cường - Uỷ viên Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội khẳng định: Ý nghĩa đầu tiên của xuất siêu, đó chính là góp phần quan trọng trong việc ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giúp cho nền kinh tế có thêm được nguồn dự trữ về ngoại tệ, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang phải sử dụng chính sách kết hợp tài khóa - tiền tệ.

"Nếu như các nguồn dự trữ này không tốt thì chúng ta sẽ khó có được công cụ để đảm bảo việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Chúng ta nhìn thấy dự trữ ngoại tệ tốt thì mới duy trì được giá đồng tiền Việt Nam và tỷ giá giữa đồng Việt Nam với các đồng ngoại tệ. Đó là điều quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế vĩ mô. Và yếu tố thứ hai chúng ta cũng thấy rằng, khi có được xuất siêu tốt như thế thì cũng đang là tiền đề để chứng tỏ rằng những sản phẩm, hoạt động sản xuất kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được thể hiện vị thế, chỗ đứng trên thị trường thế giới…", GS.TS Hoàng Văn Cường nói.

PGS.TS Phạm Tất Thắng - chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương) cho biết, trên thực tế trong suốt nhiều thập niên trước, đã có những khoảng thời gian Việt Nam phải gia tăng xuất khẩu một lượng lớn dầu thô, than đá để giảm nhập siêu, tiến tới cân bằng cán cân thương mại, để có được nguồn ngoại tệ nhằm đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Thế nhưng, những năm gần đây, Việt Nam đã không chỉ cân bằng được cán cân thương mại, mà ngay cả khi xuất siêu với trị giá lên tới gần 20 tỷ USD (vào năm 2020), thì những mặt hàng xuất khẩu là tài nguyên quốc gia như dầu thô, than đá, khoáng sản,… đã giảm đi, thậm chí đã không còn nằm trong top 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực nữa.

"Điều đó cũng phản ánh một phần rất quan trọng là chúng ta xuất siêu nhưng lại giảm được phải xuất những mặt hàng là tài nguyên để giữ gìn nguồn lực cho đất nước. Một ý nữa là ngành nông nghiệp luôn giữ được xuất siêu. Điều này chứng tỏ rằng mặc dù ngành nông nghiệp của chúng ta vẫn phải nhập một số yếu tố đầu vào như thức ăn gia súc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… nhập vào như vậy nhưng với sức sản xuất của ngành nông nghiệp – nhìn vào số liệu thống kê thì ngành nông nghiệp vẫn luôn là một trong những lĩnh vực xuất siêu…", PGS. TS Phạm Tất Thắng nêu rõ.

Ảnh minh họa/KT

Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành, doanh nghiệp trong việc nỗ lực cải thiện cán cân xuất nhập khẩu thời gian qua, góp phần quan trọng ổn định vĩ mô, có được “dòng ngoại tệ dương” chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong nhìn nhận một ý nghĩa quan trọng nữa của “xuất siêu”, đó là nhờ kết quả của cải cách cơ cấu kinh tế - thể hiện ở sự nỗ lực trong gia tăng giá trị của hàng xuất khẩu, khi công nghiệp chế biến, chế tạo được coi trọng và đẩy mạnh hơn; khi các sản phẩm hàng hoá được nâng lên về chất, có được giá cả cao hơn, những sản phẩm mới xuất khẩu cũng nhiều hơn…

Và một điểm cũng rất ý nghĩa từ "xuất siêu" được TS Nguyễn Minh Phong chỉ ra, đó là đã giảm bớt được những mặt hàng nhập khẩu không cần thiết: "Giảm được nhập khẩu những mặt hàng Việt Nam có thể sản xuất được hoặc là tương đương, thậm chí trước đây chúng ta nhập cả những mặt hàng kém chất lượng; Nhưng giờ ta đã ngăn cản được những hoạt động như vậy, nhờ đó mà xuất siêu được ghi nhận. Hay nói cách khác, xuất siêu phản ánh kết quả của việc đã có sự điều chỉnh trong cơ cấu nhập một cách tốt hơn… và từ đó tạo ra động lực bổ sung cho kinh tế, tạo việc làm, đóng góp ngân sách cũng như các hoạt động khác của đời sống kinh tế. Đặc biệt là khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế như là một trong 20 nước thương mại hàng đầu thế giới hiện nay. Chúng ta lưu ý đây là top 20 của hơn 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới...".

Giới phân tích cũng đánh giá cao sự đóng góp của khối doanh nghiệp FDI vào hoạt động xuất khẩu, xuất siêu của Việt Nam thời gian qua. Mặc dù sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia cũng như khối doanh nghiệp FDI chưa được nhiều, song, từ thực tế hoạt động của khối này trong quá trình xuất nhập nhẩu liên tục có xuất siêu đã cho thấy những thành công bước đầu của Việt Nam trong việc tiếp nhận nguồn vốn FDI - góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế - khi thu hút đầu tư chủ yếu vào các ngành công nghiệp chế biến, đã tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Do vậy, Việt Nam cần làm tốt công tác gắn kết giữa các doanh nghiệp trong nước, để tham gia được vào chuỗi cung ứng của khối doanh nghiệp FDI…

Một điểm được các chuyên gia nhấn mạnh cần tiếp tục tập trung khai thác, phát huy, đó là trong thời gian qua Việt Nam luôn duy trì xuất siêu sang một số thị trường cao cấp, khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… Điều này chứng tỏ nhiều sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường này. Nếu khai thác tốt hơn nữa từ lợi thế của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như EVFTA, CPTPP để nhập khẩu được máy móc, công nghệ, nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng cao, xuất khẩu “không thiên về số lượng mà tập trung vào hàng hoá giá trị cao” sẽ góp phần quan trọng để đạt mục tiêu duy trì thặng dư thương mại bền vững, hướng đến cán cân thương mại với các đối tác, từ đó bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận