Lời kết nào cho điệp khúc ùn ứ nông sản tại cửa khẩu?

  • 30/12/2021 10:27:08
  • Vân Hồng - Anh Thư
  • Kinh tế
  • 0

Cần tham gia chuỗi giá trị quốc tế, mở rộng liên kết và mở rộng thị trường sang những nền kinh tế khác ngoài Trung Quốc.

 

Để tìm hướng đi bền vững cho xuất khẩu nông sản, Việt Nam phải hiện đại hóa nền nông nghiệp, xây dựng các thương hiệu thực phẩm sạch, mở rộng, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay. Cần tham gia chuỗi giá trị quốc tế, mở rộng liên kết và mở rộng thị trường sang những nền kinh tế khác ngoài Trung Quốc.

Cần lời giải căn cơ

Từ kinh nghiệm giao thương với Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bagico phân tích sự cần thiết của xuất khẩu chính ngạch trong việc giải bài toán nông sản mắc kẹt tại cửa khẩu. Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong xuất khẩu chính ngạch là việc xây dựng mã số vùng trồng theo Luật Trồng trọt vẫn chưa thực thi hiệu quả. Nếu không làm được điều này, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ còn khó khăn.

Ngoài ra, bà Thành Thực đề xuất giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu khác ngoài Trung Quốc. Theo bà Thành Thực, xuất khẩu nông sản vào thị trường Mỹ khá ấn tượng, cần thúc đẩy xuất khẩu hơn nữa bởi đây là thị trường cao cấp mang tính quyết định, quan trọng, giúp thay đổi tư duy kinh tế nông nghiệp.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu thời gian tới, cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu mang tính thực tế hơn. Hiện nay, thương lái vẫn phải đi tới từng vùng nguyên liệu để nắm tình hình thực tế, còn dữ liệu của các ban ngành chức năng không sử dụng được. “Làm thế nào để đại sứ quán các nước thường xuyên tổ chức sự kiện giới thiệu nông sản, kết nối với hiệp hội doanh nghiệp làm sự kiện, giới thiệu sản phẩm của 63 tỉnh, thành. Đây sẽ là con đường ngắn nhất đưa nông sản Việt Nam vào thị trường thế giới”, bà Thành Thực nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của Bộ Ngoại giao.

Hàng nghìn xe nông sản vẫn chờ thông quan

Để tìm hướng đi bền vững cho xuất khẩu nông sản, Việt Nam phải hiện đại hóa nền nông nghiệp, xây dựng các thương hiệu thực phẩm sạch, mở rộng, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay. Cần tham gia chuỗi giá trị quốc tế, mở rộng liên kết và mở rộng thị trường sang những nền kinh tế khác ngoài Trung Quốc.

Cần đặc biệt chú trọng vấn đề phòng dịch, bởi trong những ngày qua, việc ùn ứ và đóng cửa một số cửa khẩu biên giới là do phía Trung Quốc phát hiện tài xế mắc Covid-19 và vẫn còn sót virus Sars-CoV-2 trên bao bì sản phẩm. Các biện pháp có thể kể đến như tiêm đủ mũi vaccine cho các tài xế, các tài xế cần có kết quả test âm tính với virus trong vòng 72 giờ, và tiến hành khử khuẩn kỹ các sản phẩm, tài xế cũng như các xe chở hàng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử để giảm áp lực cho xuất khẩu. Các sở, ban ngành chức năng cần điều tiết sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường. Sâu sát cùng với người sản xuất, doanh nghiệp để có định hướng sát với thực tế. Căn cứ khả năng sản xuất để phát triển công nghiệp chế biến nhằm tăng giá trị nông sản chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời chú trọng phát triển hệ thống kho trữ, bảo quản nông sản. Cùng với đó, khẩn trương đôn đốc thực hiện Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030".

Bao giờ hết cảnh ùn ứ nông sản ở cửa khẩu?

Nên có một “nhạc trưởng ”điều phối hoạt động xuất khẩu nông sản

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có một “nhạc trưởng” đóng vai trò điều tiết một cách thường xuyên, linh hoạt và hiệu qủa để định hướng cho doanh nghiệp. Phải tháo gỡ bằng con đường ngoại giao, trong đó cần sự vào cuộc của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương với chính quyền, cơ quan chức năng của Trung Quốc để giải quyết song phương. Phải đối thoại một cách cụ thể, có giải pháp phù hợp theo hướng đường dài, nhằm đảm bảo xuất khẩu bền vững chứ không chỉ những vụ việc trước mắt.

Nói rõ hơn về vai trò “nhạc trưởng” này, chuyên gia Vũ Vinh Phú đề xuất: Đây phải là một cơ quan điều phối xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, đóng vai trò “nhạc trưởng” cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa với Trung Quốc. Khi Việt Nam đã coi Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại chính với vị trí địa lý gần gũi và quy mô thị trường lớn, thì nên dành sự quan tâm phù hợp cho thị trường này. Chính phủ cần có giải pháp đầu tư xây dựng các kho chứa hàng đặc biệt để bảo quản hàng hóa ở các vùng biên giới, cửa khẩu để cho các doanh nghiệp, người dân thuê lại với giá rẻ và khấu hao trong vòng 50 đến 70 năm. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng về lâu, về dài cho Việt Nam.

Nông sản phơi nắng, phơi sương

Việc sản xuất phải linh hoạt, không thể sản xuất một cách ồ ạt, theo phong trào, mà phải có sự lựa chọn theo định hướng, quy hoạch của từng địa phương. Bên cạnh đó, việc lựa chọn các doanh nghiệp đầu mối cần phải đảm bảo trách nhiệm, có năng lực cả về quan hệ quốc tế, kinh nghiệm trong xuất khẩu nông sản và tiềm lực về kinh tế cũng như kinh nghiệm trong xuất khẩu.

Các Bộ, ngành hữu quan như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vụ Xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan,… cần tiếp tục đàm phán với các cơ quan liên quan phía Trung Quốc để tìm ra giải pháp cho tình hình này, và xác định rõ ràng những yêu cầu của nước bạn về phòng dịch, chất lượng sản phẩm, cách thức vận chuyển. Từ đó, chuẩn hóa các sản phẩm của nước mình để đẩy nhanh tiến độ thông quan qua cửa khẩu.

Các doanh nghiệp cần chuyển mạnh sang hình thức xuất khẩu chính ngạch, để có sự đảm bảo, đàm phán, chắc chắn, có yêu cầu bồi thường từ bên nước bạn. Các doanh nghiệp cũng có thể chuẩn bị các giấy tờ, thủ tục xác minh chất lượng sản phẩm trước và gửi sang phía Trung Quốc, chỉ khi nào hàng hóa được chấp nhận thì doanh nghiệp mới bắt đầu vận chuyển hàng lên biên giới.

Xe xếp hàng chờ thông quan

Về lâu dài, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đề nghị các doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh việc chế biến hàng hóa, vừa giúp mặt hàng kéo dài “tuổi thọ”, đa dạng hóa mặt hàng và khiến sản phẩm trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các đối tác nước ngoài. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, không chỉ đáp ứng được yêu cầu của nước bạn, đẩy nhanh tiến độ thông quan, mà còn tạo tiền để để mở rộng xuất khẩu ra các thị trường khác./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận