Xuất khẩu 2021 - 'Vượt bão' Covid

  • 24/12/2021 06:41:28
  • Nguyên Long
  • Kinh tế
  • 0

11 tháng năm 2021, Việt Nam xuất siêu 225 triệu USD và khả năng đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu cả năm 640 tỷ USD như dự báo của Bộ Công Thương.

 

11 tháng năm 2021, Việt Nam xuất siêu 225 triệu USD và khả năng đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu cả năm 640 tỷ USD như dự báo của Bộ Công Thương. Những con số biết nói này cho thấy nhiều điểm sáng, và cả những tồn tại trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam suốt gần một năm qua, dưới tác động của đại dịch Covid-19.

Những điểm sáng

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hoá 11 tháng năm 2021 đạt hơn 599 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước (trong đó xuất khẩu tăng 17,5%, nhập khẩu tăng 27,5%) và cán cân thương mại hàng hóa đã có xuất siêu 225 triệu USD. Tăng trưởng xuất khẩu (XK) cả năm sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao - với 2 con số (10 - 20%), cao hơn nhiều so với mục tiêu 4 - 5% ngành công thương đặt ra hồi đầu năm, bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Đó là điểm sáng đáng kể đầu tiên trong hoạt động XNK gần một năm qua.

Có được điều đó phải kể đến những nỗ lực của mọi cấp ngành đến từng doanh nghiệp và người dân để duy trì sản xuất, lưu thông hàng hoá trong bối cảnh dịch bệnh hết sức phức tạp. Các ngành công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, đóng góp tới 89% tổng kim ngạch XK hàng hoá 11 tháng của năm.

Linh kiện điện tử thuộc nhóm hàng xuẩu khẩu chủ lực năm 2021. Điểm sáng thứ 2 được nhấn mạnh trong hoạt động XNK của năm 2021, đó là cùng với việc giữ được các thị trường XK truyền thống (Mỹ vẫn là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tăng 27,5%; tiếp đến là Trung Quốc, Liên minh châu Âu - EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản...) thì doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng khá tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA, vừa giúp đa dạng hoá thị trường, vừa mở rộng XK nhiều loại hàng hoá vốn có lợi thế sang các thị trường có tiềm năng, cho giá trị gia tăng cao hơn.

Những nỗ lực mở cửa thị trường thông qua đàm phán thương mại song phương và đa phương của Chính phủ nhằm tháo gỡ các rào cản, minh bạch hóa các tiêu chuẩn, quy định tại thị trường đối tác giúp XK có sự tăng trưởng cân đối hơn, không chỉ về quy mô chiều rộng mà hướng tới cả về chiều sâu. Hàng hóa XK của Việt Nam đã tiếp cận được các khu vực thị trường được coi là “khó tính” nhất trên thế giới, nơi đặt ra những quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao đối với hàng hóa NK, đặc biệt là với nhóm hàng nông sản và thủy sản, nhóm hàng chịu ảnh hưởng tương đối lớn của dịch bệnh. Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, đây tiếp tục là lợi thế mà doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tốt hơn trong thời gian tới. “Chúng ta có nhiều cơ hội để mở rộng XK, dựa trên cơ sở khai thác các FTA thế hệ mới. Chất lượng sản phẩm XK cũng giúp chúng ta vào được những thị trường mới”, ông Phong nhấn mạnh.

Để có được giá trị kim ngạch XK hơn 600 tỷ USD với đa dạng các thị trường như vậy không thể không kể đến sự hỗ trợ của thương mại điện tử và kinh tế số. Và đó là điểm sáng đáng kể trong hoạt động XNK thời gian qua. Diễn biến của đại dịch Covid-19 phức tạp ở nhiều thời điểm, nhiều quốc gia/nền kinh tế áp dụng biện pháp hạn chế đi lại, tránh tiếp xúc trực tiếp, thông qua các thương vụ Việt Nam tại các thị trường để kết nối giao thương, xúc tiến thương mại trực tuyến và quảng bá thương hiệu, sản phẩm bằng triển lãm online quy mô quốc tế và khu vực đã được chúng ta đẩy mạnh thời gian qua. Chuyên gia thương mại cao cấp, PGS.TS Phạm Tất Thắng nhìn nhận: “Chưa bao giờ thương mại điện tử được tận dụng một cách triệt để và rộng rãi như trong thời gian qua - kể cả trên thị trường nội địa cũng như thị trường nước ngoài. Nhìn vào quá trình XNK chúng ta thấy rằng nhiều mặt hàng trước đây phải giải cứu, nhưng nhờ áp dụng kinh tế số thì chúng ta lại XK được mùa, được giá. Thông qua kinh tế số chúng ta đưa được những mặt hàng XK vào hệ thống phân phối của các quốc gia. Thông qua triển lãm online, chúng ta đã giới thiệu sản phẩm tại các thị trường Mỹ, Pháp, Đức… Đó là những dấu hiệu rất tốt”.

Một điểm đáng kể trong hoạt động XNK của năm 2021, phải kể đến chiều NK - khi Việt Nam đã có được nhiều thị trường để chủ động lựa chọn NK nguyên vật liệu, máy móc đầu vào cho các ngành sản xuất với chất lượng cao hơn. Nhờ đó có được sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, tham gia vào các thị trường ngày càng khó tính hơn. Ông Nguyễn Quang Hải - TGĐ Công ty CP chuỗi cung ứng quốc tế - TH (Tập đoàn TH-Trumilk) cho biết: “Sau khi EVFTA đi vào hiệu lực thì lượng hàng hóa TH nhập khẩu từ châu Âu đã tăng lên khá lớn, đặc biệt là những mặt hàng nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, máy móc, thiết bị phục vụ trong ngành nông nghiệp cũng như ngành chế biến thực phẩm…”.

Tăng trưởng xuất khẩu bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch - điểm sáng đáng kể đầu tiên trong hoạt động XNK gần một năm qua. (Ảnh minh họa)Những tồn tại chưa được tháo gỡ

Mặc dù có nhiều điểm sáng trong bức tranh XNK, song vẫn còn không ít tồn tại vốn chưa được tháo gỡ, thì nay dường như lại tăng lên cùng với tác động của đại dịch Covid-19. Đó là tỷ trọng XK của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch XK và đang có chiều hướng tăng lên (số liệu 11 tháng năm 2021 (kể cả dầu thô) đạt 220,68 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 73,6%), trong khi đóng góp của khối doanh nghiệp 100% vốn tư nhân trong nước vẫn còn khá khiêm tốn - chưa được 30% tổng kim ngạch XK.

Năm 2021, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã xác lập mốc hơn 100 tỷ USD kim ngạch XNK. Và điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử, máy móc, thiết bị phụ tùng là những nhóm hàng XK chủ lực của Việt Nam, nhưng gần như 100% trị giá XK các mặt hàng này lại thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy việc tham gia của doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng - làm công ty vệ tinh cho doanh nghiệp FDI theo mục tiêu còn chưa thực hiện được. Chuyên gia Phạm Tất Thắng nhấn mạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kêu gọi nguồn vốn FDI phải có giải pháp để kết nối giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

“Nếu chúng ta không tạo được sự kết nối giữa doanh nghiệp 100% vốn trong nước với các doanh nghiệp có vốn FDI - kể cả đầu vào, kể cả đầu ra - thì sự chênh lệch này sẽ ngày càng lớn. Vì vậy, một trong những điểm quan trọng nhất là các doanh nghiệp 100% vốn trong nước cần phải nhập được những công nghệ tiên tiến, để đạt được trình độ tương đồng trong một số khâu nào đó đối với các doanh nghiệp FDI để chúng ta kết nối với họ. Điểm thứ hai là chúng ta phải nhập được những công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp và trong sản xuất các mặt hàng tiêu dùng của doanh nghiệp trong nước để nâng tỷ trọng XK của khu vực này lên. Lúc đó mới hy vọng giảm thiểu sự chênh lệch không đáng có mà chúng ta đã nhận thấy từ lâu rồi”.

Chuyên gia thương mại cao cấp, PGS.TS Phạm Tất Thắng

Một điểm tồn tại nữa được nhiều chuyên gia lưu ý, đó chính là mặc dù cán cân thương mại năm thứ 6 liên tục có xuất siêu nhưng Việt Nam vẫn chưa cải thiện được nhập siêu dịch vụ. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến XK dịch vụ của Việt Nam, đặc biệt với ngành du lịch. Trong khi đó, kim ngạch NK dịch vụ tiếp tục ghi nhận giá trị nhập siêu hàng chục tỷ USD, chủ yếu là nhập khẩu dịch vụ vận tải.

Chi phí logistics và giá cả nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu tiếp tục ở mức cao (như xăng dầu, gas, thép…) khiến giá hàng hóa NK vào Việt Nam tăng. Các chuyên gia cảnh báo điều này sẽ gia tăng tỷ lệ “nhập khẩu" lạm phát trong thời gian tới, khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường, nhất là sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron. Qua thực tế thực thi các FTA 2 năm Covid-19 vừa qua, theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương, có một số vấn đề các doanh nghiệp cần lưu tâm trong hoạt động XNK thời gian tới. “Giai đoạn năm 2020 - 2021 cho các doanh nghiệp những bài học rất lớn, đó là cần quan tâm chú trọng đến việc quản lý rủi ro, phòng ngừa rủi ro. Những yếu tố bất ổn có thể tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp - mà cụ thể thời gian vừa qua - là dịch bệnh. Và từ yếu tố dịch bệnh dẫn đến những yếu tố về mặt đứt gãy nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng và giá cả về tích hợp. Đây là những bài học mà doanh nghiệp đã nhận thấy thời gian vừa qua. Bên cạnh đó là câu chuyện về phòng vệ thương mại. Các biện pháp bảo hộ của các thị trường NK cũng có thể gây ra những khó khăn nhất định. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị để ứng phó và có các biện pháp thích hợp nếu phải tham gia vào những vụ kiện thương mại như vậy”./.

Nguyên Long

 

Bình luận

    Chưa có bình luận