Tính đến hết tháng 11/2021, tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu của Việt Nam đạt 602 tỷ USD, tăng 22.8% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 11 tháng đạt 301,73 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước; Cán cân thương mại 11 tháng xuất siêu 1,46 tỷ USD.
Ước tính tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu năm 2021 đạt 660,1 tỷ USD tăng 21% so với năm 2020, trong đó ước tính kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 330 tỷ USD, tăng hơn 17,2% so với năm 2020. Ước tính cán cân thương mại năm 2021 xuất siêu khoảng 2,1 tỷ USD.
Đó là những kết quả ấn tượng được đưa ra tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu góp phần phục hồi và phát triển kinh tế” do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay theo hình thực trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Năm 2021 là một năm đầy khó khăn đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế trong đó có xuất khẩu nói chung và các hoạt động xúc tiến xuất khẩu nói riêng do tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Trong nước, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội…
Trước bối cảnh hết sức khó khăn đó, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, sự nỗ lực chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức xúc tiến thương mại đã giúp duy trì sản xuất và xuất khẩu, đóng góp tích cực vào kết quả ấn tượng của hoạt động xuất-nhập khẩu đạt được trong năm 2021.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh những giải pháp Bộ Công Thương đã triển khai trong hoạt động xúc tiến xuất khẩu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua.
"Bộ Công Thương đã có sự đổi mới mạnh mẽ về phương thức tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại. Trong điều kiện di chuyển quốc tế bị gián đoạn bởi các biện pháp giãn cách xã hội, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội nỗ lực nghiên cứu để ban hành kịp thời cơ chế hỗ trợ xúc tiến thương mại, thử nghiệm nhân rộng các mô hình, các phương thức xúc tiến thương mại mới dựa trên việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, điển hình là kết nối khách hàng online và tham gia các triển lãm trên môi trường số…" - Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.
Ông Trần Quốc Khánh cũng nhấn mạnh vai trò của các bộ, ngành địa phương, tổ chức, doanh nghiệp… trong việc triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Đại diện ngành Công Thương nhìn nhận, hoạt động xúc tiến xuất khẩu vẫn còn nhiều khoảng trống đòi hỏi phải nỗ lực hơn để nâng cao hiệu quả, nhằm duy trì và phát triển xuất - nhập khẩu bền vững. Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động XTTM trên môi trường số là tất yếu và sẽ được tiếp tục coi trọng đẩy mạnh trong năm 2022 tới đây, cần có sự phối hợp của các địa phương, doanh nghiệp dành nguồn lực cho hoạt động này.
"Trong bối cảnh nguồn lực của quốc gia còn có hạn, nguồn lực của ngân sách cũng có hạn, rồi thì nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp, các hiệp hội cũng rất hạn chế thì chúng ta không thể triển khai những hoạt động xúc tiến thương mại một cách dàn trải theo nhu cầu được, mà phải có tập trung ưu tiên trọng tâm trọng điểm vào một số ngành hàng hoặc là những ngành hàng mà đang có cơ hội trên thị trường. Đó là một hướng mà chúng tôi rất mong muốn các địa phương cũng như các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sẽ phối hợp cùng với Bộ Công thương để xây dựng được những đề án tốt cho hoạt động xúc tiến thương mại trung hạn dài hạn..." - Ông Vũ Bá Phú bày tỏ.
Góp ý tại diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Việt Nam đã tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… với các tiêu chuẩn cao của các thị trường về hàng hoá xuất khẩu, vì vậy, cũng cần “xanh hoá” để cải thiện hiệu quả xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh mới. Cùng với đó cần coi trọng “thị trường cửa ngõ” để XTTM, tăng tính lan toả.
"Cần phải nhấn mạnh tư duy thúc đẩy xúc tiến thương mại mạnh hơn ở các thị trường cửa ngõ. Đây là nội dung mà Viện rút ra được từ việc nghiên cứu và tham khảo báo cáo của các cơ quan. Chúng tôi cho rằng các thị trường cửa ngõ sẽ là một địa bàn cũng cực kỳ quan trọng đối với công tác xúc tiến xuất khẩu ở cái thời điểm hiện nay cũng như trong thời gian sắp tới. Cùng với đó, tôi cho rằng phải tìm kiếm thêm các thị trường mới, còn tiềm năng - thông qua các thị trường cửa ngõ có thể là một cách gián tiếp để chúng ta mở rộng thị trường và mang tính tiếp nối…"- TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết../.
Nguyên Long/VOV1