Khôi phục kinh tế cần đầu tư đúng trọng điểm, trọng tâm

  • 25/11/2021 11:40:37
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

'16.000 tỷ của 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ được một đồng nào. 56.000 tỷ của các địa phương cũng chưa phân bổ được đồng nào… Chúng ta không để tình hình này cứ kéo dài mãi, trong khi nền kinh tế đang rất thiếu vốn'- Đó là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2022.

 

DN đang bị suy kiệt

Cơn bão Covid-19 bùng phát đã tạo ra những sóng gió, thử thách chưa từng có cho đất nước ta, gây ra những hệ lụy mất mát lớn, làm đứt gãy các liên kết trong nền kinh tế, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Qua 4 tháng cách ly nghiêm ngặt phòng, chống dịch thì kinh tế Việt Nam rơi thẳng đứng từ mức tăng trưởng dương 6,61% ở quý II xuống âm 6,17% ở quý III, mỗi tháng có xấp xỉ 10.000 doanh nghiệp (DN) phải đóng cửa và hàng chục ngàn người lao động mất việc làm. Điều đó cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế rất yếu, tiềm lực của các DN đang bị suy kiệt.

Một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành du lịch. Du lịch Việt Nam đang khẳng định vị trí mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội với tỷ lệ đóng góp vào GDP đến 9,2%, tạo việc làm cho gần 4.000.000 lao động. Tuy nhiên trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, hàng loạt DN du lịch tạm dừng hoạt động, đóng cửa hoặc phá sản. Đa số lao động trong ngành mất việc làm, không có thu nhập. Năm 2020 với hai đợt dịch bùng phát, du lịch thiệt hại khoảng 530.000 tỷ đồng. 8 tháng năm 2021, tổng thu của ngành giảm 36,5% so với cùng kỳ năm 2020. Từ tháng 7 đến nay, khi đợt dịch thứ tư bùng phát mạnh, hoạt động du lịch gần như đình trệ toàn bộ.

Đợt dịch thứ tư cũng tác động mạnh vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nơi đầu tàu là các trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn như Thành phố Chí Minh (TPGCM), Đồng Nai, Bình Dương, Long An… thể hiện rất rõ qua bức tranh kinh tế của các tỉnh, thành này. Trong 9 tháng, tại TPHCM, GRDP giảm 4,98% và tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm 17,4% so với cùng kỳ. Đồng Nai và Bình Dương hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều tăng trưởng chậm. Tại Đồng Nai, tổng mức bán lẻ hàng hóa doanh thu dịch vụ chỉ tăng 1,12% và chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 2,91% so với cùng kỳ, trong khi cả nước tăng 4,4%. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, làn sóng dịch thứ tư, TPHCM là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cuối tháng 10 có hơn 430.000 người nhiễm, chiếm 47% của cả nước và hơn 16.600 người đã qua đời vì Covid, chiếm 75% của cả nước. Khi thực hiện phương châm “ai ở đâu thì ở đấy”, hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố chỉ duy trì mức tối thiểu. Giai đoạn đó chỉ có khoảng 2.000 DN hoạt động chiếm 0,7% tổng số DN của thành phố, có nghĩa là 99% DN không hoạt động và 99% người lao động bị giảm hoặc mất thu nhập trong hơn 3 tháng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, vừa qua DN bị ảnh hưởng, tổn thương rất nhiều, sức chống chịu và khả năng chống chịu hiện nay đã bị bào mòn, đặc biệt là một số lĩnh vực bị tác động mạnh mẽ. Tuy nhiên, chúng ta đã kịp thời ban hành nhiều giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc cho các DN. Nhờ đó, các DN đã quay trở lại hoạt động và đã duy trì được sản xuất của mình để không bị chuyển các đơn hàng ra. Tập đoàn Nike lúc tình hình căng thẳng chuyển khoảng 30% đơn hàng ra nước khác, đến nay đã quay lại 100%.

Hiện nay việc sản xuất kinh doanh của các nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp lớn đã quay lại, có nơi đến 80-90%, có những nơi đến cuối năm nay có thể lấy lại được 100% công suất. Các DN trước đây thua lỗ, dừng hoạt động đã quay trở lại thành lập mới với tỷ lệ lớn.

Doanh nghiệp nhỏ không tiếp cận được hỗ trợ

Để kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp phục hồi kinh tế cần có nhiều biện pháp hỗ trợ đúng trọng tâm, trọng điểm nhằm thúc đẩy DN khôi phục nhanh sản xuất, kinh doanh. Câu hỏi đặt ra là, DN đang cần gì khi thiết bị công nghệ, máy móc của DN vẫn còn nguyên, hệ thống đường giao thông, cung cấp điện, nước, rác, thông tin, ngân hàng vẫn còn nguyên, các hợp đồng kinh tế, quan hệ kinh tế cơ bản còn nguyên? DN còn thiếu gì để khôi phục lúc này? Đó chính là tiền, không có tiền mua nguyên liệu, vật tư cho giai đoạn sản xuất sắp tới, không có tiền trả lương cho người lao động khi chưa tiêu thụ sản phẩm, không có tiền thanh toán hóa đơn điện nước, trả chi phí vận tải v.v.. 

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh này cần có chính sách quan tâm đúng mức đến các DN vừa và nhỏ, các hộ kinh tế cá thể. Bởi, Việt Nam hiện có trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể với 9 triệu lao động và chiếm 16,5% số lao động, đóng góp gần 30% GDP của cả nước. Có thể nói, hộ kinh doanh bao gồm những cá nhân, tập thể nhỏ nhưng có ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế. Và với 80% hộ kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ thì đây là khu vực kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid.

Theo ông Trịnh Xuân An, ĐBQH tỉnh Đồng Nai, 9 tháng có 90.291 DN rút khỏi thị trường, phần lớn là DN mới thành lập 5 năm, quy mô nhỏ, chủ yếu là lĩnh vực thương mại, dịch vụ, phần lớn có vốn dưới 5 tỷ đồng. Những DN này đã rút lui, coi như không tồn tại nữa thì rất khó hồi phục. Cho nên cần phải đánh giá thật kỹ các biện pháp về hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho các DN này. “Chúng ta có những gói hỗ trợ nhưng đối với những DN có thuế thôi. Những DN không có tiền, không có thuế thì không được hưởng ưu đãi này”, ông Trịnh Xuân An nói.

Đồng ý với quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, trong thời gian vừa qua, chúng ta mới tập trung vào hỗ trợ cho những DN mà chúng ta hay gọi là DN khỏe, tức là đang có doanh thu, đang có lợi nhuận để được hưởng ưu đãi, hỗ trợ miễn thuế, giảm thuế, giãn thuế của Nhà nước. Nhưng những DN yếu, DN không có doanh thu thì đúng là chưa được quan tâm hỗ trợ. “Chúng tôi sẽ lưu ý vấn đề này để tham mưu cho Chính phủ có những chính sách cần thiết để hỗ trợ cho những DN mà hiện nay đang rất khó khăn, không có doanh thu và không có lợi nhuận để hưởng miễn giảm thuế của nhà nước, để tránh đổ vỡ các DN này trong thời gian tới” –Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, trong lúc khó khăn này đầu tư công lại càng đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế - xã hội. Lĩnh vực đầu tư công trong thời gian qua đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục, quy trình bố trí vốn, giải ngân nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho dự án. Tuy nhiên, một vấn đề kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục, đó là việc chậm giải ngân vốn đầu tư công. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân của 63 tỉnh, thành thì có khoảng 30 tỉnh, thành đến hết tháng 10 giải ngân dưới 60%. Có những tỉnh hiện nay mới giải ngân được 18%, có những tỉnh 20% hoặc hơn 30%.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế quốc hội cho thấy, giải ngân đầu tư công ước tính tới ngày 30/9/2021 mới đạt được 218,55 nghìn tỷ đồng, tương ứng với 47,38% so với cùng kỳ là 56,33%. Số vốn chưa phân bổ, giao chi tiết đến ngày 15/9/2021 còn trên 56,32 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,2% kế hoạch, trong đó có vốn của các chương trình mục, mục tiêu quốc gia là 16.000 tỷ đồng, chiếm 3,4%. Việc này đã tác động lớn đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện dự án, làm đội vốn đầu tư.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á, việc chậm thực hiện dự án sẽ làm tăng 17,6% chi phí mỗi năm, trong đó 6,5% do lạm phát và 11,1% do lợi ích của dự án bị mất đi. Tính trung bình, nếu chậm trễ 2 - 3 năm sẽ làm tăng chi phí đến 50% do phát sinh thâm hụt tài chính hoặc như trong cảnh báo đường dây 500 KV Văn Phong - Vĩnh Tân, nếu dự án chậm tiến độ mỗi ngày phải bồi thường 1 triệu USD. Nếu chậm tiến độ 6 tháng, số tiền phía Việt Nam phải bồi thường lên đến khoảng 5.000 tỷ đồng. Do đó, để phục hồi kinh tế cần đẩy nhanh quá trình giải ngân đầu tư công.

Chủ tịch Quốc hội, Vương Đình Huệ:

Năm 2020 giải ngân đầu tư công đạt tỷ lệ kỷ lục là 98%, đến tháng 10 năm 2021 chưa giải ngân được 50%. Vì sao trong một thể chế, pháp luật như nhau mà lại có đơn vị giải ngân cao, có đơn vị giải ngân thấp? Bây giờ DN với người dân đều mong muốn có một gói kích thích mới. Nhưng toàn bộ số tiền chúng ta có mà chưa tiêu hết thì còn tiêu mới cái gì?. 16.000 tỷ của 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ được một đồng nào. 56.000 tỷ của các địa phương cũng chưa phân bổ được đồng nào. Nếu chúng ta không làm rõ được chuyện này, Quốc hội có chất vấn xong, có nghị quyết, tôi thấy tình hình vẫn như vậy thôi. Trách nhiệm nằm ở đâu thì phải nói cho rõ. Tình hình kiểm tra, giám sát và từng nguyên nhân vướng mắc chúng ta sẽ giải quyết thế nào, không thể nói chung chung. Bây giờ vướng gì để dẫn đến chuyện như thế. Cùng với thể chế này thì tại sao năm ngoái chúng ta giải ngân được đến 98%, năm ngoái cũng bị Covid, năm ngoái lo bao nhiêu công việc lớn, hội nghị, Đại hội, v.v. tại sao chúng ta giải ngân được lớn như thế? Chúng ta không để tình hình này cứ kéo dài mãi, trong khi nền kinh tế đang rất thiếu vốn. Nhiều đại biểu muốn nới bội chi, tăng trần nợ công, gói nọ, gói kia nhưng bây giờ toàn bộ số tiền chúng ta đang có chúng ta chưa tiêu được thì còn nói gì.

Bà Trần Thị Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh:

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách để hỗ trợ cho DN, trong đó có DN vừa và nhỏ, nhưng hộ kinh doanh lại không phải là chủ thể của những chính sách đó. Vì thế, đến nay chưa có một quy định cụ thể nào để các đối tượng này được hỗ trợ. Do đó, việc tiếp cận tín dụng rất khó khăn, vay vốn thì phải có tài sản đảm bảo giống như cá nhân đi vay, phương án và mô hình kinh doanh thì không được ngân hàng đánh giá cao, không mấy mặn mà và càng không thể lấy làm tài sản đảm bảo khi vay. Hơn nữa, thời gian cho vay thì ngắn, trong khi các hộ kinh doanh lại muốn thời gian dài hơn. Vì vậy, Chính phủ cần ban hành những chính sách về vốn cụ thể và kịp thời để hỗ trợ đối tượng này, có thể gộp chung hộ kinh doanh với DN siêu nhỏ hoặc có chính sách riêng đối với đối tượng này.

Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu quốc hội thành phố HN:

Để kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp đà phục hồi kinh tế thế giới, các DN không chỉ cần thêm nguồn lực để phục hồi trở lại mà còn phải vượt lên, đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao trong bối cảnh thế giới đang phân bố lại chuỗi cung ứng. Muốn vậy, cần có chính sách cấp bù lãi suất để các DN được vay vốn với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát. Nếu ngân sách chúng ta dành ra khoảng 30.000-40.000 tỷ để cấp bù thì chúng ta sẽ có được khoảng 1 triệu tỷ tiền vốn lãi suất thấp để giúp cho các DN phục hồi. Kèm theo đó, phải có cơ chế kiểm soát để tất cả các DN có nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh đều được tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ, không để tiền vay ngân hàng chạy vòng quanh trở thành tiền gửi để kiếm lợi từ chênh lệch lãi suất hoặc không để tiền vốn giá rẻ sẽ đổ vào các lĩnh vực đầu cơ, tài sản như bất động sản hoặc chứng khoán. Thứ hai, bên cạnh giải pháp kích cầu truyền thống là đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công thì chúng ta cần phải có giải pháp mới mang tính khác biệt là đặt hàng để các DN trong nước đầu tư phát triển các sản phẩm ưu tiên tạo nên những đột phá trong phát triển.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận