Bắc Giang phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Đây là khẳng định của ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tại Hội nghị thường kỳ tháng 11 của UBND tỉnh.

 

Phải coi công tác phòng chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu; đẩy nhanh tiến độ các công trình kỹ thuật đã khởi công, quan tâm giải phóng mặt bằng, hoàn thiện khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu từ; triển khai các bước xây dựng các khu, cụm công nghiệp mới theo quy hoạch được phê duyệt... là những nhiệm vụ mà Bắc Giang cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Toàn cảnh Hội nghị thường kỳ tháng 11 của UBND tỉnh Bắc Giang

Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang, trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức song kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021 của tỉnh vẫn đạt kết quả tích cực, GRDP cả năm tăng 7,6% (cao hơn mức dự báo 6,8% trước đó). Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 15,4%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng cao nhất (15,5%); quy mô giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp đạt 310 nghìn tỷ đồng, bằng 91% kế hoạch năm.

Sản xuất nông nghiệp vẫn đạt kết quả toàn diện, nổi bật, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 4,2%, quy mô đạt hơn 40,1 nghìn tỷ đồng, vượt 5,3% kế hoạch. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 135 triệu đồng, tăng 12,5%, vượt 8% kế hoạch. Năng suất các loại cây trồng đều tăng, trong đó năng suất lúa đạt 58,1 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Các sản phẩm nông sản được tiêu thụ thuận lợi, thị trường được mở rộng. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được thực hiện hiệu quả. Tỷ lệ chăn nuôi trang trại, gia trại và an toàn sinh học theo hướng VietGAP đều đạt kế hoạch đề ra.

Hội nghị xúc tiến nông sản vừa được tổ chức thành công.

Dịch vụ từng bước hồi phục, lấy lại đà tăng trưởng. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 5,5%; Quy mô giá trị sản xuất đạt 42.325 tỷ đồng, bằng 98,4% kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ sản xuất cả năm ước đạt 34.030 tỷ đồng, tăng 9,2%, vượt 4,7% kế hoạch. Giá trị xuất khẩu cả năm ước đạt 14,8 tỷ USD, tăng 32,2%, đạt 100% kế hoạch.

Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả nổi bật, các khoản thu mang tính bền vững từ doanh nghiệp đạt kết quả khá. Tổng thu cả năm ước đạt 14.105 tỷ đồng, trong đó thu hoạt động xuất, nhập khẩu 1.600 tỷ đồng, vượt 39,1% dự toán; thu nội địa 12.505 tỷ đồng, vượt 39,9% dự toán... Tổng vốn đầu tư phát triển đạt trên 62.615 tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2020, đạt 91,7% kế hoạch. Cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng tích cực. Tiến độ thực hiện và giải ngân cơ bản đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ giải ngân đến 31/12/2021 ước đạt 96% kế hoạch vốn. Một số công trình lớn đã hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực. Tính đến ngày 15/11, toàn tỉnh thu hút được 1.093,45 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, bằng 88,36% cùng kỳ; có 1.156 doanh nghiệp được thành lập, tăng 5,4%. Riêng thu hút đầu tư FDI đứng thứ 10 cả nước; quy mô các dự án đầu tư được nâng lên; nhiều dự án đầu tư được triển khai hiệu quả đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Khu công nghiệp Vân Trung

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị để đẩy nhanh các dự án, các huyện, thành phố tập trung cao trong giai đoạn cuối năm, chủ động linh hoạt để tháo gỡ khó khăn trong GPMB, tạo thuận lợi cho giải ngân vốn đầu tư công. Đối với nhiệm vụ phát triển KT-XH năm tới, đồng chí đề nghị các địa phương quan tâm dự báo tình hình, từ đó có giải pháp tập trung tháo gỡ ngay từ đầu năm, nhất là công tác GPMB.

Đối với phòng chống dịch dịch Covid-19, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng: để công tác PCD hiệu quả, phù hợp với từng giai đoạn, ngành Y tế cần phân tích các ca bệnh cũng như diễn biến của dịch bệnh để tham mưu UBND tỉnh đưa ra giải pháp phù hợp, bảo đảm vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Để đáp ứng nhu cầu lao động ngày càng cao, đồng chí đề nghị các ngành, địa phương quan tâm đào tạo nghề cho học sinh, tính toán giảm giáo viên khối THPT, tăng giáo viên khối đào tạo nghề, từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động. Quan tâm chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các nội dung về cải thiện môi trường đầu tư.

Triển khai đồng bộ, quyết liệt thực hiện các giải pháp

Theo ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2021 là năm khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây song nhờ linh hoạt trong thực hiện “nhiệm vụ kép”, tỉnh đã đạt được kết quả tích cực, trở thành điểm sáng để Trung ương rút kinh nghiệm chỉ đạo ứng phó với dịch bệnh trên phạm vi cả nước. Với sự chủ động, tính toán bước đi phù hợp, Bắc Giang đã tận dụng tốt thời cơ sau khi dịch được kiểm soát để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù vậy, do xây dựng quy hoạch tỉnh chậm nên ảnh hưởng đến thu hút đầu tư; một số chỉ tiêu không đạt; tiến độ bồi thường, GPMB còn chậm, nhiều dự án phải cưỡng chế,...

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh những việc cần tập trung thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021.

Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, ông Lê Ánh Dương đề nghị các ngành, địa phương cần phải tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết phải coi công tác phòng chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu vì tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội; tập trung xử lý triệt để ổ dịch tại Khu công nghiệp Vân Trung. Triển khai đồng bộ, quyết liệt biện pháp để các chỉ tiêu đã đề ra đạt kết quả cao nhất, nhất là chỉ tiêu liên quan đến kinh tế, đầu tư.

Công tác phòng chống dịch Covid-19 phải luôn được coi là nhiệm vụ hàng đầu.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cần rà soát, thống kê các loại nông sản đến vụ thu hoạch, nhất là những sản phẩm gặp khó trong tiêu thụ, từ đó có hướng hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc. Tập trung hoàn thiện các hồ sơ trình kỳ họp thứ V, HĐND tỉnh, bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, tránh tình trạng đưa ra song không thực hiện được. Rà soát, bổ sung hoàn thiện chương trình công tác của các sở, ngành, địa phương, trong đó quan tâm nghiên cứu các nội dung, nhất là cơ chế, chính sách mới để tham mưu thực hiện trong năm tới và những năm tiếp theo.

Các ngành, địa phương sẵn sàng triển khai các nội dung trong quy hoạch chung của tỉnh ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có phương án điều chỉnh cho phù hợp nhất là quy hoạch sử dụng đất; đẩy nhanh tiến độ các công trình kỹ thuật đã khởi công, quan tâm giải phóng mặt bằng, hoàn thiện khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu từ; triển khai các bước xây dựng các khu, cụm công nghiệp mới theo quy hoạch được phê duyệt.

Các Sở, ban, ngành tăng cường siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền nhằm phát huy năng lực, sáng tạo của các cơ quan, đơn vị, xử lý nhanh tất cả các vướng mắc...

 

Bình luận

    Chưa có bình luận