Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ nông sản đặc sản Bắc Giang. Đây là một trong những giải pháp được Bắc Giang ứng dụng thành công để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nông sản trong bối cảnh dịch bệnh.
Từ mùa vải bội thu…
Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đúng vào lúc vải thiều bắt đầu chín, và Bắc Giang là một trong những tâm dịch thời điểm đó. Đại dịch đã khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, tiêu thụ nông sản bị đình trệ, trong khi vải đang chín từng ngày, và vụ vải chỉ kéo dài hơn một tháng…
Không bó tay trước sự hoành hành của dịch bệnh, tỉnh Bắc Giang đã áp dụng nhiều biện pháp: Kiến nghị với Chính phủ, các Bộ ngành để cùng vào cuộc với Bắc Giang đẩy mạnh tiêu thụ vải; Kêu gọi sự hỗ trợ của các doanh nghiệp hàng không, vận tải, các sàn thương mại điện tử, các trung tâm thương mại, chợ đầu mối…; Các đơn vị trong tỉnh hỗ trợ nhà nông trong việc xây dựng thương hiệu, thu hoạch, đóng gói sản phẩm, ứng dụng công nghệ để chào bán vải trên sàn thương mại điện tử…
Tiêu thụ và thu nhập từ vải của Bắc Giang khi vẫn đang là tâm dịch đạt kết quả bất ngờ. Năm 2021, tổng sản lượng vải thiều đạt hơn 200.000 tấn, tăng 20.000 tấn so với dự kiến ban đầu, trong đó, tiêu thụ nội địa đạt 126.552 tấn (chiếm khoảng 58,6% tổng sản lượng tiêu thụ). Vải thiều có mặt tại hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối và chợ truyền thống thông qua các thương nhân, doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ.... Vải thiều Bắc Giang có “luồng xanh” được thuận lợi thông qua các chốt kiểm soát dịch đường bộ; hầu hết các hãng hàng không nội địa có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để quả vải được vận chuyển bằng đường hàng không đến với người tiêu dùng các tỉnh phía Nam.
Đối với xuất khẩu, vải thiều Bắc Giang đã khẳng định được thương hiệu, định vị được giá trị tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành nông sản đầu tiên của Việt Nam được Nhật Bản cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Xuất khẩu chủ yếu sang thị trường truyền thống Trung Quốc và các quốc gia, khu vực như: EU, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á, khu vực Trung Đông. Tổng sản lượng xuất khẩu năm 2021 đạt 89.300 tấn.
Đáng chú ý là giá bán được duy trì ổn định từ đầu đến cuối vụ, bình quân của cả vụ đạt 19.800 đồng/kg, tương đương - thậm chí có thời điểm cao hơn - những năm không có dịch. Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.821 tỷ đồng.
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương tỉnh Bắc Giang tiêu thụ được hơn 200.000 tấn vải thiều trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp như một ví dụ cho thấy “cái khó ló cái khôn”.
Đến vụ cam chín đỏ
Những thành công trong tiêu thụ vải thiều giữa tâm dịch giúp Bắc Giang đạt kết quả tăng trưởng mạnh mẽ, đồng thời góp phần vào mức tăng trưởng tới 3,82% của ngành nông nghiệp cả nước - cao nhất trong 10 năm qua. Bắc Giang cũng tận dụng lợi thế sẵn có đẩy mạnh tiêu thụ nông sản mà điểm nhấn mới nhất là Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi, na, thịt lợn, thịt gà và các nông sản đặc trưng được UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 11/11 vừa qua.
Ngoài điểm cầu chính tại huyện Lục Ngạn và 9 điểm cầu khác trong tỉnh, Hội nghị còn kết nối tới điểm cầu tại Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điểm cầu tại Trung Quốc và 100 điểm cầu là các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn thông tin, Bắc Giang định hướng phát triển nông nghiệp gắn với dịch vụ du lịch, văn hóa. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, các doanh nghiệp lữ hành đến khảo sát, đầu tư với các sản phẩm du lịch như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch khám phá gắn với trải nghiệm hoa trái vườn đồi. Bắc Giang kỳ vọng sẽ có nhiều hợp đồng liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh và mong muốn sẽ được đón nhiều hơn du khách đến trải nghiệm cây ăn quả tại địa phương.
Những tháng cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Bắc Giang có 48.000 tấn cam các loại, 37.000 tấn bưởi, 4.000 tấn na được sản xuất an toàn, theo quy trình VietGAP, truy xuất nguồn gốc; 17.000 tấn thịt gà; 60.000 tấn thịt lợn. Ngoài ra còn có vùng trồng rau chế biến, rau an toàn hơn 11.000 ha, sản lượng hơn 230.000 tấn đủ năng lực cung cấp cho các nhà máy chế biến nông sản, các siêu thị trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu.
|
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: trước tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, nên Bộ Công Thương cùng các đơn vị thành viên xác định thị trường nội địa là đầu ra quan trọng của các mặt hàng nông sản: "Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ tỉnh Bắc Giang nói riêng và các địa phương trong cả nước nói chung phát triển sản phẩm, kết nối giao thương, thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản đặc sản gắn với chuỗi giá trị, gây dựng và quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông sản cúa địa phương thông qua việc lồng ghép các hoạt động liên quan của Bộ như chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nông sản thực phẩm an toàn, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, thương hiệu quốc gia, phát triển thương mại điện tử để chủ động tìm kiếm thị trường có tiềm năng xuất khẩu, đồng thời tiếp tục với các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động lưu thông, xuất khẩu nhằm tăng khả năng kết nối, tiêu thụ cho các loại nông sản chủ lực của tỉnh".
Vụ vải 2021, vải thiều được bán trực tuyến trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube…, trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế Voso, Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart, Alibaba… với sản lượng tiêu thụ đạt khoảng trên 6.000 tấn, lớn nhất từ trước đến nay. Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản đặc sản này, Bắc Giang cũng tiếp tục cùng với các sàn thương mại điện tử ký kết các biên bản ghi nhớ để tiêu thụ nông sản theo hình thức trực tuyến, song song với tiêu thụ trực tiếp cũng đang phát huy hiệu quả.
Ông Phan Trọng Lê, Trưởng Ban nghiên cứu và phát triển thương hiệu Việt Nam Post, cho biết: "Với lợi thế về logistic, kho bãi, mạng lưới vận chuyển chuyên nghiệp cũng như đội ngũ shipper phát hàng, chúng tôi sẽ giúp bà con tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc sản đi thẳng từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, giúp giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, tiếp cận với nhiều khách hàng và người tiêu dùng trực tiếp. Thông qua sàn thương mại điện tử và các phương thức bán hàng mới, chúng tôi tin rằng sẽ góp phần thay đổi thói quen, nhận thức, phương pháp sản xuất kinh doanh, nâng cao ý thức về các sản phẩm nông nghiệp sạch, từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng cho các sản phẩm nông sản".
Theo ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, một trong những kết quả quan trọng của hội nghị là các DN, cơ quan, đơn vị tại các điểm cầu trong cả nước đã phối hợp với Sở Công Thương Bắc Giang ký 57 biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ cam, bưởi và các nông sản chủ lực tỉnh Bắc Giang năm 2021. Điều này mở ra triển vọng hợp tác rộng rãi trong việc đưa cam, bưởi và các nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Giang đến với các thị trường trong và ngoài nước.
Chủ tịch Lê Ánh Dương khẳng định: Bắc Giang cam kết với người tiêu dùng trong và ngoài nước về chất lượng các loại nông sản đặc trưng của tỉnh: "Tỉnh Bắc Giang cam kết về chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn, dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc, đa dạng các kênh phân phối, kết hợp bán hàng truyền thống với thương mại điện tử"./.