Có nên nới trần nợ công, thâm hụt ngân sách để 'cứu' nền kinh tế?

Để sớm phục hồi kinh tế, nhiều chuyên gia cho rằng, cần chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng, tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN trong tầm kiểm soát.

 

Bội chi NSNN năm 2021 ở mức 4% GDP

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Bộ Tài chính đã điều hành linh hoạt chính sách tài khóa, hỗ trợ tăng trưởng và đảm bảo nguồn chi cho công tác phòng, chống dịch. Tổng số tiền thuế và thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành thực hiện năm 2020 đạt khoảng 129.000 tỷ đồng. Năm 2021, tiếp tục thực hiện một số chính sách đã ban hành trong năm 2020 và ban hành thêm nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế và các khoản thu NSNN để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh tháo gỡ khó khăn, với quy mô dự kiến khoảng 140.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính, hiện dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ đã giảm đáng kể. Cụ thể, bội chi NSNN năm 2021 đang phấn đấu ở mức 4% GDP theo dự toán; dự kiến năm 2022 cũng ở mức 4% GDP (tương ứng khoảng 5,1% GDP chưa điều chỉnh), đang tạo áp lực lớn trong việc cân đối NSNN các năm tới để đảm bảo mức bội chi ngân sách bình quân giai đoạn 2021 - 2025 trong phạm vi 3,7% GDP theo Văn kiện Đại hội Đảng XIII và Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Đến ngày 31/10/2021, số tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí được miễn, giảm, gia hạn đạt khoảng 96.900 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: KT)

Bên cạnh đó, thu NSNN khó khăn cũng là một thách thức trong thời gian tới. Điều này có nguyên nhân một mặt do tác động của dịch Covid -19 là nghiêm trọng và có thể kéo dài, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng đòi hỏi phải có thời gian để kinh tế phục hồi (IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 thấp hơn năm 2021); mặt khác do việc tiếp tục thực hiện miễn, giảm, giãn một số chính sách thu để hỗ trợ nền kinh tế. Trong khi đó, nhu cầu chi phòng, chống dịch bệnh lớn, nên áp lực gia tăng đối với cân đối NSNN, nhất là ngân sách trung ương…

Dư địa mở rộng chính sách tài khóa còn khá lớn

Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, chính sách tài khóa của Việt Nam gần 2 năm qua được thể hiện qua việc tăng cường kỷ luật tài khóa, kiểm soát thâm hụt NSNN và nợ công. Theo đó, thâm hụt ngân sách/GDP, nợ công/GDP, nợ chính phủ/GDP năm 2020 lần lượt ở mức 3,5%, 43,5% và 38,6% (theo GDP điều chỉnh). Cùng với đó, tăng cường các gói hỗ trợ tài khóa cùng với các gói hỗ trợ tiền tệ (miễn giảm, gia hạn thuế TNDN, TNCN, thuế GTGT, thuế sử dụng đất nông nghiệp, phí trước bạ ôtô sản xuất trong nước, tiền thuê đất...)

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính.

Ông Lực cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, thách thức của chính sách tài khóa thời gian qua như: các gói hỗ trợ tài khóa chưa đủ lớn và rộng; thu ngân sách thiếu bền vững; phối hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác cần tiếp tục cải thiện; kinh tế thế giới và Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn (nợ xấu tiềm ẩn, áp lực lạm phát tăng lên trong khi phải tiếp tục các chương trình phục hồi, gói hỗ trợ, ngân sách còn hạn hẹp...).

TS. Lực nhấn mạnh, có nhiều thách thức đối với chính sách tài khóa trong thời gian tới, một mặt phải đẩy mạnh hỗ trợ nền kinh tế, mặt khác phải kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, dư địa mở rộng chính sách tài khóa còn khá lớn và có phần thuận lợi hơn chính sách tiền tệ.

“Thâm hụt NSNN, nợ công được kiểm soát tốt trong giai đoạn trước, hiện vẫn trong tầm kiểm soát và thấp hơn các nước trong khu vực trong khi cơ hội tăng vay nợ trong nước (qua phát hành trái phiếu Chính phủ) với lãi suất thấp, rủi ro thấp, tạo dư địa gia tăng chi tiêu ngân sách cho phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế; quy mô hỗ trợ tài khóa còn khá khiêm tốn; các cân đối lớn (thâm hụt ngân sách/GDP, nợ công/GDP, nghĩa vụ trả nợ/thu NSNN, lạm phát…) vẫn trong ngưỡng an toàn”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.

Do đó, ông Lực cho rằng, nên chấp nhận tăng nợ công, thâm hụt ngân sách để bổ sung các gói hỗ trợ; tập trung nhiều vào hỗ trợ tiền mặt, giảm phí/chi phí, bảo lãnh tín dụng, cho vay ưu đãi (hỗ trợ lãi suất) hơn là giãn hoãn thuế, nghĩa vụ trả nợ.

“Chính sách tài khóa cần phải được triển khai nhanh, gọn, hiệu quả trên cơ sở ứng dụng mạnh công nghệ thông tin, dữ liệu, đồng thời, gắn chương trình phục hồi kinh tế với chiến lược phòng, chống dịch bệnh, đề án cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…”, TS. Lực nêu ý kiến.

Cùng với đó, cần triển khai thêm hỗ trợ tài khóa và hỗ trợ khác như: tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), thúc đẩy bảo lãnh vay vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) qua các quỹ bảo lãnh vay vốn DNNVV tại các địa phương; hỗ trợ 1 phần chi phí đầu vào cho DN (như giảm phí bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, hỗ trợ chí phí xét nghiệm, chi phí “3 tại chỗ",...); đầu tư nâng cao năng lực y tế, thiết lập quỹ phòng chống dịch bệnh, tiến tới có quỹ khẩn cấp quốc gia; xem xét giảm 10% tiền điện, cước viễn thông trong năm 2022; tài trợ (20 - 30%) cho các dự án nâng cấp đổi mới công nghệ của DN trong một số lĩnh vực ưu tiên…

“Tổng các gói hỗ trợ tài khóa mới ước tính khoảng 400.000 tỷ đồng, trong đó ước thực chi khoảng 240.000 tỷ đồng (tương đương 3% GDP)”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Còn theo bà Nguyễn Thị Mùi, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, việc giãn, giảm, miễn thuế Bộ Tài chính thực hiện thời gian qua như thế là đủ rồi. Không nên tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế. Bà Mùi cho rằng, trong điều hành chính sách tài khóa thời gian tới, cần mạnh dạn bội chi ngân sách. Bởi trên thực tế, lạm phát của chúng ta hiện thấp, trần nợ công an toàn và bội chi cũng ở ngưỡng an toàn. Trong bối cảnh đó, tăng chi cho đầu tư phát triển là đúng hướng.

“Tuy nhiên, điều chỉnh tăng bội chi cần phải chú ý khối lượng tiền lưu thông nhiều lên phải phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và tiền tệ; tăng bội chi ngân sách, cái đáng quan tâm đó là năng lực trả nợ của nền kinh tế”, bà Nguyễn Thị Mùi lưu ý./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận