Đứng trước nhu cầu cũng như khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trong nước, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) triển khai chương trình đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy kinh doanh trực tuyến và thương mại điện tử xuyên biên giới.
Chương trình được phối hợp thực hiện cùng Google và có sự tham gia đồng hành của các đối tác OSB, Alibaba.com và hội viên VECOM như Sapo và iViet…nằm trong chuỗi các hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp được chia làm hai hợp phần chính gồm: Thúc đẩy kinh doanh trực tuyến và sẵn sàng cho hoạt động xuất khẩu trực tuyến có sự tham gia của đối tác Google, iViet và Sapo. Hợp phần 2 sẽ đào tạo kỹ năng xuất khẩu và vận hành trên các nền tảng bán hàng xuyên biên giới, đối tác OSB và Alibaba.com sẽ là các đơn vị hỗ trợ.
Cục Xúc tiến thương mại cho biết, thông qua các khoá huấn luyện, chương trình mong muốn các học viên là các cán bộ kinh doanh của doanh nghiệp sẽ có khả năng áp dụng ngay và thực tiễn hoạt động của mình. Chương trình đào tạo hoàn toàn miễn phí, đợt 1 diễn ra trong 3 ngày dự kiến sẽ triển khai đào tạo cho các doanh nghiệp bán lẻ, thương mại hay doanh nghiệp sản xuất với các sản phẩm đã và đang có nhu cầu xuất khẩu. Đặc biệt, sau khoá học chung, một số doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ trực tiếp trong hoạt động thực tế của mình.
Các nội dung như chính của khoá học dự kiến gồm: Thương mại điện tử và cơ hội kinh doanh online, chiến lược và công cụ quảng cáo bán hành đa kênh và Sàn Thương mại điện tử; Ứng dụng các công cụ hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến; Kỹ năng xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm qua Alibaba.com, quy trình xuất khẩu hàng hóa và ứng dụng thực tế.
Với mục tiêu giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhận thức về kinh doanh online và chuyển đổi số, sử dụng các công cụ nền tảng mới trong việc thúc đẩy bán hàng xuât khẩu trực tuyến…chương trình từng bước đưa các doanh nghiệp sử dụng kênh thương mại truyền thống lên kênh trực tuyến, sử dụng các công cụ quảng bá, tiếp cận thị trường để tối ưu hóa sự xuất hiện sản phẩm, tạo thuận lợi cho quá trình bán hàng.
Đặc biệt, tác động đối với doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến xuyên biên giới, ngoài việc tập trung vào khách hàng nội địa còn hướng đến hoạt động xuất khẩu, chương trình đào tạo các kỹ năng cần thiết cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp sử dụng các công cụ nền tảng mới trong việc thúc đẩy bán hàng xuất khẩu trực tuyến./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN