Vụ tôm cuối năm nay, cơ sở nuôi tôm của ông Nguyễn Ngọc Châu đóng tại xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định thả nuôi 12 triệu con giống trên diện tích 5ha. Hiện tôm thả nuôi được hơn một tháng và đang vào giai đoạn phát triển nên cần chăm sóc kỹ hơn để tránh bệnh từ bên ngoài vào. Với số tôm giống thả nuôi hiện tại, nếu tôm phát triển tốt, cuối vụ sẽ thu được 160 tấn. Trừ tất cả chi phí, cơ sở của ông còn lãi được vài tỷ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Châu cho biết, để duy trì và phát triển trại tôm, nhiều năm nay, ông nhờ vào nguồn vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số vốn vay mỗi năm dao động từ 7 - 16 tỷ đồng với lãi suất 0,7%. Từ nguồn vốn vay này, cơ sở nuôi tôm của ông từng bước phát triển, mỗi năm thu lãi hàng tỷ đồng.
“Hon 20 năm nuôi tôm, tôi đều vay vốn của Ngân hàng Agribank, họ biết sự phát triển kinh tế của mình nên tin tưởng cho tôi vay tín chấp. Nếu thế chấp tài sản thì không đủ để vay được số vốn mình cần. Các ngân hàng khác thì ở xa sẽ không hiểu việc làm ăn, nguồn cội của mình”.
Ngoài làm giàu cho gia đình, hiện nay cơ sở nuôi tôm của ông Nguyễn Ngọc Châu còn giải quyết việc làm cho khoảng 60 lao động tại địa phương. Anh Huỳnh Thơi, ở thôn Gia Lạc, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, làm công tại cơ sở của ông Nguyễn Ngọc Châu cho biết, người lao động làm ở cơ sở nuôi tôm của ông Ngọc Châu được đảm bảo đầy đủ quyền lợi ăn ở tại chỗ và được đóng bảo hiểm y tế. Ngoài tiền lương hằng tháng, người nuôi tôm còn được hưởng phần trăm theo giá trị sản lượng tôm nuôi của từng hồ. Trong thời gian dịch Covid-19, trại nuôi tôm của ông Nguyễn Ngọc Châu luôn đảm bảo điều kiện hậu cần để người lao động yên tâm ở lại cơ sở nuôi tôm để đảm bảo công tác phòng chống dịch: “Công việc ở đây không nặng nhọc, anh em cũng thích làm ở đây, lương cơ bản 6 triệu đồng/tháng. Trung bình 1 tháng, mình thu nhập được 15 triệu đồng. Cái phần trăm là động lực, công ty khuyến khích cho anh em làm kỹ lưỡng hơn, chăm chút con tôm, nghiên cứu để làm động lực cho mình, giúp công ty phát triển”.
Không chỉ giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều người, ông Châu còn hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm cho công nhân. Nhiều người sau khi học hỏi được kỹ thuật nuôi tôm xin nghỉ để ra thuê đất làm riêng và tự phát triển kinh tế.
Tại tỉnh Bình Định, thời gian qua, người dân phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay được nhân rộng. Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, những năm gần đây, từ các nguồn vốn vay nhiều người dân đã vươn lên làm giàu và giải quyết được nhiều lao động tại địa phương. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đã giúp người dân có vốn sản xuất. Đặc biệt, ngành nông nghiệp của các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tham mưu chính quyền các địa phương định hướng phát triển, giúp ngân hàng chọn lọc, thẩm tra các dự án đảm bảo cho vay đúng đối tượng, tránh trường hợp mất vốn.
“Đối tượng Agribank cho vay là nông dân. Ngân hàng Nông nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh, huyện giải ngân rất tốt. Nguồn tiền để giúp cho người dân sản xuất trên cả lĩnh vực chăn nuôi trồng trọt, lâm nghiệp, ngư nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính nhờ dòng tiền này mà người dân sản xuất ổn định, tăng thu nhập và góp phần vào xây dựng nông thôn mới. Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và ngân hàng đã giải ngân kịp thời, đồng vốn sử dụng có hiệu quả”, ông Đào Văn Hùng nhấn mạnh./.