Hoạt động chuyển nhượng bất động sản là một trong những nguồn thu ghi nhận mức tăng đột biến từ đầu năm đến nay, cùng với một số nguồn thu từ ngân hàng, chứng khoán, sản xuất lắp ráp ô tô… giúp số thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý vẫn tích cực.
Tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu nên cân đối NSNN 10 tháng có thặng dư
Theo Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 10 tháng đạt 1.221.000 tỷ đồng, bằng 90,9% dự toán, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tổng thu ngân sách tháng 10/2021 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 121.482 tỷ đồng, bằng 10,9% dự toán. Lũy kế 10 tháng đạt 1.028.866 tỷ đồng, bằng 92,1% dự toán.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, số thu ngân sách tháng 10 tăng cao so với tháng 8 và tháng 9 là do có thu hồi tiền thuế đã hết thời gian gia hạn khoảng 20.000 tỷ đồng, gồm: thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) khoảng 15.000 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng (GTGT) hơn 5.000 tỷ đồng. Số thu một số khoản phát sinh theo quý và năm khoảng 46.300 tỷ đồng. Trong đó, thuế TNCN tháng 10 đạt 9.442 tỷ đồng, đáng chú ý, riêng thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản tháng 10 khoảng 1.400 tỷ đồng (tháng 8 chỉ 640 tỷ đồng, tháng 9 là 685 tỷ đồng).
“Hoạt động chuyển nhượng bất động sản là một trong những nguồn thu ghi nhận mức tăng đột biến từ đầu năm đến nay, cùng với một số nguồn thu từ ngân hàng, chứng khoán, sản xuất lắp ráp ôtô… giúp số thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý vẫn tích cực”, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết.
Cũng trong tháng 10, số thu từ lệ phí trước bạ ước đạt 3.322 tỷ đồng, tăng 72% so với tháng 9 và cao hơn gần 240% so với số thu tháng 8. Theo lý giải của đại diện Tổng cục Thuế, nguyên nhân giúp số thu này tăng cao là sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, các doanh nghiệp và người dân tập trung lượng hồ sơ làm thủ tục trước bạ lớn.
Ở chiều ngược lại, theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 10 tháng qua, NSNN đã chi 1.149.400 tỷ đồng, bằng 68,1% dự toán, riêng chi NSNN tháng 10 đạt 107,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 257.390 tỷ đồng, bằng 53,9% dự toán Quốc hội quyết định, chi trả nợ lãi đạt 85.3700 tỷ đồng, bằng 77,6% dự toán và chi thường xuyên đạt gần 798.100 tỷ đồng, bằng 77% dự toán.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối NSNN 10 tháng có thặng dư. Tuy nhiên, cân đối ngân sách Trung ương bội chi, còn ngân sách địa phương có thặng dư lớn. Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa bảo đảm nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công.
“Mặc dù cân đối NSNN có những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng Chính phủ đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp điều hành chính sách tài khóa phù hợp để bảo đảm cân đối NSNN, bảo đảm nguồn thanh toán chi trả các khoản nợ đầy đủ, đúng hạn theo cam kết và dự toán năm 2021 đã được giao. Chúng ta cũng đủ khả năng để bảo đảm chi cho các nhiệm vụ chi đầu tư, chi thường xuyên theo dự toán, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.
Tín dụng vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán đang được kiểm soát chặt
Liên quan tới việc có hay không việc thu ngân sách năm nay tăng trưởng đột biến là từ hoạt động ngân hàng, chứng khoán, đất đai. Đồng thời, lo ngại hiện tượng nhiều nhà đầu tư thế chấp vay vốn ngân hàng, lấy tiền trong hệ thống tín dụng ra, rồi lại quay vòng tiếp. Vòng mới là tài sản, còn bong bóng là chứng khoán, bất động sản. Việc tăng thu ngân sách trong mảng đầu tư tài chính này không bền vững, tiềm ẩn rủi ro ngắn hạn và trung hạn cao, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thu nội địa tăng lên, chẳng hạn thu tăng lên 7.200 tỷ đồng từ phát sinh của năm 2020 trở về trước như truy thu thuế nhà thầu của Formosa được 2.257 tỷ đồng, xử lý thu chênh lệch giá khí trong bao tiêu sản phẩm 2.457 tỷ đồng, thu ngân sách đối với các khoản khác là 2.500 tỷ đồng và phát sinh đột biến là 2.997 tỷ đồng tiền thuê đất của Đại sứ quán Mỹ.
“Một số khoản thu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp là tăng lên 22.800 tỷ đồng như: chứng khoán, bất động sản, khối tài chính, ngân hàng và hoạt động sát nhập, chuyển nhượng vốn và các hoạt động lắp ráp xe ôtô. Thu dầu thô cũng tăng lên 12.000 tỷ đồng. Thu xuất, nhập khẩu tăng lên 10.500 tỷ đồng", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, không cần quá lo ngại về rủi ro của thị trường bất động sản Việt Nam ở thời điểm hiện tại vì vẫn trong tầm kiểm soát.
“Hiện tín dụng bất động sản (cả cho vay mua nhà ở và đầu tư, kinh doanh bất động sản) vẫn ở mức vừa phải, thậm chí thấp so với khu vực. Thị trường bất động sản chỉ đang gặp khó khăn ngắn hạn do cú sốc chung của dịch bệnh; Lượng trái phiếu DN bất động sản chưa quá lớn, trong tầm hệ số đòn bẩy tài chính cho phép và đa số các DN lớn, có tiềm lực phát hành”, TS. Cấn Văn Lực đánh giá.
Cũng theo TS. Lực, lãi suất liên ngân hàng ghi nhận giảm mạnh trong Quý 3/2021 phản ánh trạng thái thanh khoản duy trì dồi dào. Tín dụng 9 tháng tăng trưởng 7,42% - đây là con số tương đối tích cực. Trong khi đó, thu ngân sách vẫn ổn, vẫn tăng.
Vấn đề đáng lo ngại là, tuy nợ xấu ngân hàng có độ trễ, nhưng đã bắt đầu tăng lên: nợ xấu cơ bản dự tính đến cuối năm 2021 khoảng 2,3%, nợ xấu gộp trong năm 2022 dự báo trên 7%.
“Tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán đang được kiểm soát chặt, nhưng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ bị ảnh hưởng mạnh bởi Covid-19 mới là rủi ro chính gây ra nợ xấu”, TS. Cấn Văn Lực nhận định./.
Theo VOV.VN