Trang tin này cho biết: Tại các hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39, các hội nghị cấp cao ASEAN với Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Mỹ, Hội nghị Cấp cao ASEAN + 3 và Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 16 từ ngày 26-28/10, Việt Nam đã nêu bật các vấn đề về ứng phó COVID-19, phục hồi kinh tế sau đại dịch, các vấn đề Biển Đông và Myanmar…
Trong số 17 hoạt động chính tại các hội nghị cấp cao, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự 14 hoạt động, có các bài phát biểu quan trọng.
Phòng chống đại dịch
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 được tổ chức trực tuyến ngày 26/10, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam kêu gọi ASEAN thông qua một chiến lược chống COVID mới. Đó là khả năng thích ứng an toàn và ứng phó linh hoạt với các tình huống, khống chế hiệu quả đại dịch toàn cầu, đồng thời tạo điều kiện phục hồi kinh tế. Quan trọng hơn, ông đã đưa ra các biện pháp cụ thể, cũng như tuyên bố đóng góp thiết thực của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19 trong khu vực.
Các biện pháp cụ thể bao gồm tăng hiệu quả của các cơ chế điều phối, cải thiện năng lực của hệ thống y tế, tăng khả năng tự chủ về vắc xin và thuốc điều trị COVID, nâng cao nhận thức của cộng đồng về đại dịch và các cách thức phòng chống dịch hiệu quả. Việt Nam, Singapore và Thái Lan là 3 nước duy nhất trong ASEAN tích cực nghiên cứu và phát triển vắc xin.
Nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38, Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố danh sách vật tư y tế trị giá 5 triệu USD của Việt Nam dành cho Kho dự phòng vật tư y tế của ASEAN.
Tại các hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 vào ngày 26/10, lãnh đạo các nước ASEAN hoan nghênh tiến độ thực hiện Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF) và Kế hoạch thực hiện, với vai trò là chiến lược thoát khỏi đại dịch COVID-19 của khu vực.
Các nhà lãnh đạo nhắc lại cam kết hợp tác cùng nhau để giảm thiểu tác động của đại dịch thông qua năm chiến lược rộng lớn của ACRF bao gồm: củng cố hệ thống y tế; tăng cường an ninh con người; khai thác tối đa tiềm năng của thị trường nội khối ASEAN và hội nhập kinh tế sâu rộng hơn; tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện; tiến tới một tương lai bền vững và kiên cường hơn.
Các nhà lãnh đạo hoan nghênh những đóng góp mới của các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác bên ngoài cho Quỹ ứng phó COVID-19 của ASEAN (các cam kết đóng góp đến nay vào khoảng 25,8 triệu USD). Họ cũng hoan nghênh việc sử dụng 10,5 triệu USD của Quỹ để mua vaccine COVID-19 cho người dân ASEAN và nhân viên Ban Thư ký ASEAN thông qua UNICEF, vì “không ai an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn”. Việc phân phối sớm vaccine cho người dân ASEAN và nhân viên Ban Thư ký ASEAN dự kiến diễn ra vào quý I và quý II năm 2022.
Phục hồi kinh tế
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế sau COVID-19 và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, làm cho thị trường ASEAN trở nên hấp dẫn hơn, ASEAN nên xem xét sử dụng các yếu tố mới như chuyển đổi kỹ thuật số, kinh tế kỹ thuật số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao... Theo nghĩa rộng hơn, ASEAN cần củng cố vai trò cốt lõi của mình trong các tiến trình đa phương về đối thoại, hợp tác và hội nhập kinh tế đa phương trong khu vực.
"Ông đã thông báo cho lãnh đạo các nước ASEAN về kế hoạch của Việt Nam tổ chức Diễn đàn ASEAN về Hợp tác tiểu vùng vì sự phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm vào ngày 30/11 tại thủ đô Hà Nội. Diễn đàn là một phần trong nỗ lực phối hợp phát triển tiểu vùng với sự tiến bộ bao trùm của ASEAN, sự tiếp nối các hoạt động chính của Việt Nam trong ASEAN năm 2020.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 24 diễn ra ngày 26/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ASEAN và Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế, nhanh chóng nối lại các dịch vụ hàng không, du lịch, chuỗi sản xuất và cung ứng trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nhân đi lại an toàn.
Tại các hội nghị cấp cao ASEAN, lãnh đạo các nước ASEAN đã quyết định rằng, ASEAN cần phải nỗ lực gấp đôi và chú trọng hơn nữa đến chất lượng của các hành động và sáng kiến nhằm đạt được Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2025 và thúc đẩy chương trình hội nhập kinh tế của mình.
Công nhận rằng chuyển đổi kỹ thuật số có tiềm năng to lớn và mang lại nhiều lợi ích cho ASEAN, đặc biệt là hướng tới sự phục hồi bền vững và toàn diện từ COVID-19, đồng thời lưu ý sự cần thiết phải hỗ trợ nhiều hơn nữa cho chuyển đổi kỹ thuật số trong khu vực, các nhà lãnh đạo hoan nghênh việc phê chuẩn Lộ trình Bandar Seri Begawan: Chương trình nghị sự về chuyển đổi kỹ thuật số của ASEAN nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế và hội nhập kinh tế kỹ thuật số của ASEAN.
Các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số trong ASEAN và kêu gọi tăng cường hội nhập và chuyển đổi kỹ thuật số trong khu vực để nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực và biến cuộc khủng hoảng đại dịch hiện nay thành cơ hội thông qua chuyển đổi kỹ thuật số.
Các nhà lãnh đạo cũng công nhận Chiến lược tiếp thị du lịch ASEAN mới 2021-2025, trong đó đề ra lộ trình tiếp thị du lịch ASEAN trong 5 năm tới. Họ khuyến khích các quốc gia thành viên ASEAN cùng với khu vực tư nhân tăng cường hợp tác thúc đẩy ngành du lịch của khu vực, để đảm bảo tính cạnh tranh của ASEAN với tư cách là một điểm đến du lịch chung.
Vấn đề Biển Đông
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 39, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng, ASEAN cần thể hiện sự dũng cảm và tự cường trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. ASEAN cần tiếp tục kiên định lập trường và các nguyên tắc của mình trên Biển Đông; kêu gọi tất cả các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình hoặc leo thang căng thẳng.
Tất cả các bên liên quan cần thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không ngừng nỗ lực làm việc với Trung Quốc trong việc đẩy nhanh việc soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). ASEAN hoan nghênh sự tham gia của các cường quốc trong khu vực trên cơ sở trách nhiệm, tính xây dựng và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ 9 diễn ra ngày 26/10, Thủ tướng Việt Nam cho biết, sự tham gia tích cực và mang tính xây dựng của các cường quốc, trong đó có Mỹ, trong khu vực đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hòa bình, hợp tác, phát triển và an ninh khu vực.
Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 16 vào ngày 27/0, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các nước liên quan thực hiện tự kiềm chế, tránh các hành động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình thông qua đối thoại, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nga lần thứ 4 diễn ra ngày 28/10, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam bày tỏ hy vọng Nga sẽ tham gia tích cực hơn vào các diễn đàn do ASEAN dẫn dắt, ủng hộ hơn nữa vai trò trung tâm của khối trong việc tăng cường đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin và tuân thủ luật pháp, ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên, duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực, bao gồm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Tại các hội nghị cấp cao ASEAN, lãnh đạo các nước Đông Nam Á đã thảo luận về tình hình Biển Đông, trong đó một số quốc gia thành viên ASEAN bày tỏ quan ngại về các hoạt động cải tạo đất, sự cố nghiêm trọng trong khu vực, trong đó có thiệt hại đối với môi trường biển, lòng tin và sự tự tin bị xói mòn, căng thẳng gia tăng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
Các nhà lãnh đạo tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, đồng thời tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình. Họ tiếp tục khẳng định sự cần thiết phải theo đuổi giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982.
Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc tiến hành hoạt động của các bên có tuyên bố chủ quyền và tất cả các quốc gia khác có liên quan, bao gồm những hoạt động được đề cập trong DOC năm 2002 có thể làm phức tạp thêm tình hình và leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Họ hoan nghênh việc tiếp tục đọc lần thứ hai văn bản dự thảo đàm phán COC duy nhất, bất chấp những thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra./.
PV/VOV.VN