Sáng 28/10, bên hành lang Quốc hội, trả lời báo chí về gói kích thích kinh tế mới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, xác định bội chi thực hiện theo nguyên tắc trong giai đoạn 5 năm tới là 3,7%. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay cần đưa ra gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên phải chấp nhận bội chi tăng lên. Sau đó khi nền kinh tế đi vào ổn định, phát triển thì giảm tỷ lệ bội chi.
Về gói kích thích kinh tế mới, theo ông Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính đang đề xuất một số chính sách tài khoá cũng như gói kích cầu như: hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp để có thể trích từ 10.000 - 20.000 tỉ đồng trong một số ngành nghề nhất định và công trình trọng điểm. Bên cạnh đó là phát hành công trái, trái phiếu ngoại tệ trong nước.
Liên quan đến chính sách điều hành, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian tới sẽ tập trung tăng thu thuế trên các nền tảng số mà nay còn dư địa như: bán hàng online, các nền tảng xuyên biên giới… Bộ cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá trốn thuế. Thực hiện thắt chặt chi tiêu, như giảm 10% chi thường xuyên, tiết kiệm 5% chi công tác phí, hội nghị.
“Các gói tổng thể đang thiết kế nên chưa có số lượng cụ thể, còn cơ quan tham mưu đưa ra nhiều phương án để trình các cấp” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay.
Cũng liên quan đến các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chúng ta cần bổ sung ngay một gói hỗ trợ mới có quy mô lớn hơn, phạm vi bao phủ rộng hơn nhằm vàocả 2 mục tiêu: Giải cứu hỗ trợ các doanh nghiệp, cũng như kích thích các động lực tăng trưởng mới, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, quá trình mở cửa, tái khởi động nền kinh tế phải đặt trong chiến lược tổng thể, kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Ông Lộc cũng cho rằng, Quốc hội và Chính phủ cần đề ra một kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế cho 5 năm và tầm nhìn 10 năm, đặc biệt là chương trình phục hồi nền kinh tế trong 2 năm tới. Trên cơ sở đó đưa ra những định hướng, chủ trương, chính sách cho giai đoạn phục hồi này.
Ông Lộc cũng cho rằng, các gói hỗ trợ tài khoá, tiền tệ, an sinh xã hội, cũng cần cải cách thể chế, thủ tục hành chính cần được thúc đẩy.
“Tôi đề xuất giai đoạn phục hồi kinh tế trong 2 năm tới cần có cơ chế đặc thù về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Quốc hội đang bàn về cơ chế đặc thù cho các địa phương, giờ là lúc chúng ta cũng nên cân nhắc việc bàn một cơ chế đặc thù cho giai đoạn phục hồi nền kinh tế trong 2 năm tới với các thủ tục hành chính đơn giản nhất” - ông Lộc nói./.
Theo VOV.VN