Việt Nam hiện đã vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU trong khu vực ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 43,2 tỷ EUR (theo Eurostat), Việt Nam được xếp trong Top 10 nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào thị trường EU. Đó là một trong những thông tin đáng chú ý tại Diễn đàn thương mại Việt Nam – EU năm 2021 do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức sáng 27/10 tại Hà Nội.
Trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU sau một năm thực thi Hiệp định EVFTA đã đạt 54,87 tỷ USD, tăng 12,1% so với giai đoạn cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 11,3% và kim ngạch nhập khẩu tăng 14,04%.
Mặc dù Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do đợt dịch thứ 4 bùng phát tại vùng xuất khẩu trọng điểm phía Nam, tháng 9/2021, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU vẫn ghi nhận sự tăng trưởng khả quan, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch, với kim ngạch đạt 41,3 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu tăng 11,7% và nhập khẩu tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Phát biểu tại Diễn đàn thương mại Việt Nam – EU năm 2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định: Ngày càng nhiều doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định EVFTA qua việc sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi. Năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt cũng ngày càng được cải thiện rõ rệt tại thị trường EU.
Về đầu tư, với cam kết mạnh mẽ đảm bảo tính minh bạch, thông thoáng, thuận lợi trong môi trường kinh doanh - đầu tư, Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư chất lượng cao từ EU với những dự án có công nghệ tiên tiến, tạo ra những giá trị và lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp hai Bên.
Đây là những kết quả đặc biệt đáng ghi nhận sau một năm thực thi Hiệp định, đồng thời là cơ sở để chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan, tin tưởng vào một sức bật mạnh mẽ trong phát triển hợp tác thương mại đầu tư Việt Nam – EU trước bối cảnh bình thường mới với nền tảng vững chắc từ EVFTA.
Đại dịch đã đặt ra cho cả Việt Nam và EU nhiều khó khăn và thách thức nhưng cả hai Bên đều khẳng định: Cơ hội đang dần mở ra khi bức tranh kinh tế toàn cầu xuất hiện nhiều điểm sáng sau một thời gian sụt giảm bởi tác động nghiêm trọng của dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh: "Dịch bệnh cũng kéo theo những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng, điển hình như tiêu dùng bền vững và tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trực tuyến; từ đó thúc đẩy sự định hình và phát triển của những phương thức thương mại mới với sự nở rộ của chuyển đổi số và thương mại điện tử. Thương mại điện tử đã trở thành một điểm sáng khi mà các phương thức thương mại truyền thống bị hạn chế bởi đại dịch."
Ông Đặng Hoàng An cho biết thêm chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới nói chung, các nước EU và Việt Nam nói riêng đã có những giải pháp thúc đẩy kinh tế số, đặc biệt là thương mại điện tử, trở thành một trong các lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược khôi phục kinh tế hậu đại dịch, mở ra triển vọng một kênh giao thương xuyên biên giới tiềm năng trong thời gian tới.
Có thể nói, đại dịch Covid-19 ở khía cạnh nào đó đã thúc đẩy doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững hơn, đồng thời tạo sức ép cho các doanh nghiệp Việt Nam chủ động điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh để bắt kịp những xu hướng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và vươn lên mạnh mẽ,.../.
Nguyên Long/VOV1