Xuất khẩu nông sản vào thị trường khó tính

  • 22/10/2021 05:59:58
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Nhiều quốc gia nhập khẩu nông sản ngày càng nâng cao các biện pháp kiểm dịch đối với các dòng hàng hóa từ Việt Nam. Điều này đặt ra thách thức đối với doanh nghiệp trong việc đảm bảo nông sản xuất khẩu không bị thu hồi, cảnh báo vi phạm, ảnh hưởng đến uy tín.

 

Thị trường ngày càng “khắt khe”

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ tháng 2/2020 đến nay, Trung Quốc chưa chấp thuận bổ sung, cập nhật danh sách các cơ sở chế biến thủy sản theo đề nghị của Việt Nam, cũng như chưa chấp thuận bổ sung một số sản phẩm vào danh mục được phép xuất khẩu vào thị trường này.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tăng cường kiểm soát xét nghiệm Covid-19 đối với bao bì, bề mặt tiếp xúc đối với mặt hàng đông lạnh, khiến số lô hàng bị cảnh báo gia tăng. Ngày 1/1/2022, quốc gia này sẽ áp dụng một số chính sách mới khắt khe hơn, đó là: “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” (Lệnh 249) và “Quy định về đăng ký và quản lý DN sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” (Lệnh 248).

Mới đây, ngày 18/10/2021, Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), Bộ NN&PTNT, nhận được 02 Công văn của Bộ Công Thương về việc nông sản và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có mức dư lượng hóa chất nông nghiệp vượt quá mức quy định của Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể:

Công văn số 6195/BCT-AM ngày 06/10/2021 về việc thu hồi 01 lô gạo thơm giống ST25 hiệu Nữ hoàng với nội dung: Sau khi xuất khẩu vào Bỉ lô hàng gạo thơm cao cấp ST25 nhãn hiệu Nữ hoàng, doanh nghiệp Vinamex Group đã tự tiến hành kiểm tra chất lượng lô gạo theo tham vấn của Cơ quan liên bang về an toàn chuỗi thực phẩm của Bỉ (FASFC). Kết quả kiểm tra cho thấy lô hàng có mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tricyclazole là 0,017mg/kg, theo quy định của EU mức dư lượng tối đa cho phép là 0,01mg/kg. Vinamex Group đã chủ động đăng thông báo thu hồi và yêu cầu khách hàng không tiêu thụ lô sản phẩm này và chuyển về kho để được hoàn tiền.

Được biết, chất tricyclazole là một hoạt chất được sử dụng rộng rãi làm thuốc trừ sâu trong ngành trồng lúa gạo. Đây là hoạt chất nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm. Trước đây, EU cho phép mức dư lượng chất tricyclazole tối đa trong gạo nhập khẩu là 1mg/kg. Kể từ tháng 01/2018, EU đã hạ mức dư lượng tricyclazole tối đa cho phép trong gạo nhập khẩu xuống ngưỡng 0,01mg/kg. Sau khi áp dụng ngưỡng dư lượng mới, hệ thống RASFF đã đưa ra khoảng 10 cảnh báo đối với sản phẩm gạo từ nhiều quốc gia như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Pakistan…

Công văn số 6353/BCT-AM ngày 12/10/2021 về việc cảnh báo dư lượng các chất có hại trong một số nông sản, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU, nội dung: Cơ quan y tế Hà Lan phát hiện hóa chất chlorpyrifos ethyl trong lô hàng mướp đắng của Công ty TNHH SAKA SAKA xuất khẩu sang thị trường EU. Cơ quan y tế Italia phát hiện chất sulphite không khai báo đối với lô hàng động vật giáp xác và hải sản xuất khẩu của Công ty TNHH chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Minh Châu (số giấy phép DL154). Cơ quan y tế Tây Ban Nha phát hiện chất cấm Profenofos (ngoài chất chlorpyrifos ethyl) cũng của Công ty TNHH SAKA SAKA. Cơ quan y tế Na Uy và Pháp phát hiện các chất nitrofurans (furazolidone) trong lô hàng đùi ếch đông lạnh và chất propargite, fenobucarb trong lô hàng bưởi nhập khẩu từ Việt Nam (Hai lô hàng này đã được cảnh báo theo văn bản số 211/SPS-BNNVN ngày 13/10/2021 của Văn phòng SPS Việt Nam từ hệ thống cảnh báo RASFF).

Các địa phương cần tổ chức lại sản xuất, đảm bảo nguồn hàng có chất lượng. 	Ảnh: Toàn VănÔng Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, các nước nâng cao rào cản kỹ thuật khiến việc đàm phán để thống nhất biện pháp kiểm dịch thực vật, phát triển và mở cửa thị trường đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Nắm chắc và tuân thủ các quy định

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, các đơn vị cần lưu ý nắm chắc và tuân thủ nghiêm túc các quy định của thị trường nhập khẩu, đảm bảo không bị thu hồi, cảnh báo vi phạm, tránh ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.

Đối với các sản phẩm thuỷ sản cần kiểm soát, quản lý và sử dụng đúng quy định về chất lượng thức ăn chăn nuôi trong nuôi trồng thuỷ sản và kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, chế biến;

Đối với các sản phẩm gạo, rau quả, trái cây cần kiểm soát, quản lý và sử dụng đúng quy định về hoá chất bảo vệ thực vật, kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, đóng gói; tăng cường truy xuất nguồn gốc, quản lý vùng trồng...

Về dài hạn, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam nêu quan điểm, các doanh nghiệp cần tổ chức sản xuất nguyên liệu theo quy hoạch, điều tiết quy mô, tốc độ tăng trưởng phù hợp; đồng thời sản xuất theo nhu cầu thị trường và đảm bảo sản phẩm sản xuất ra phải phù hợp với quy định của từng thị trường. Chất lượng sản phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu của người tiêu dùng. Nhằm vượt qua các rào cản kỹ thuật, thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững, các địa phương cần tổ chức lại sản xuất, đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, đặc biệt là đẩy mạnh công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch.

Ông Bình khuyến cáo các DN cần giữ vững các thị trường xuất khẩu trọng điểm, song song mở rộng thị phần tại châu Âu, Nam Mỹ, châu Phi để giảm bớt lệ thuộc quá lớn vào một thị trường.

Ông Hoàng Trung nhấn mạnh, thời gian tới Cục Bảo vệ thực vật sẽ chủ động làm việc với cơ quan kiểm dịch thực vật các nước để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục đàm phán để mở cửa các thị trường cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương thúc đẩy mở cửa thị trường, bổ sung các sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc vào nội dung các cuộc đàm phán lãnh đạo cấp cao giữa hai nước để đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc duy trì công nhận các vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở bao gói, chế biến nông sản, thủy sản đã được Trung Quốc cho phép xuất khẩu sau thời điểm Lệnh 248 có hiệu lực. Bộ cũng sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, hiệp hội ngành hàng, DN thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc.

Thứ trưởng nhấn mạnh cùng với phục hồi sản xuất, xuất khẩu là một trong những mục tiêu quan trọng Chính phủ giao cho Bộ. Do đó, ngành nông nghiệp sẽ nỗ lực để các mặt hàng nông, lâm, thủy sản được lưu thông tốt nhất, bán được giá nhất. Bên cạnh việc khắc phục khó khăn, sẽ nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín để đảm bảo lương thực, thực phẩm và xuất khẩu đạt được mục tiêu.

Dự kiến cuối năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án nâng cao năng lực thực thi các cam kết về SPS, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận