'Có chế tài nghiêm khắc với địa phương, cá nhân cố tình trì hoãn quy định của CP'

Phải có chế tài nghiêm khắc đối với những địa phương,P.cá nhân cản trở mạch lưu thông chung, cố tình trì hoãn, hoặc hiểu không đúng quy định của CP.

 

Chiều 19/10, phát biểu tại tọa đàm “Phát huy vai trò doanh nghiệp và người dân trong phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Hội đồng tư vấn Kinh tế UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần tứ 4 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong giai đoạn phục hồi hiện nay.

Theo ông, khi đất nước quay lại với trạng thái “bình thường mới”, việc đầu tiên các địa phương phải làm là bỏ hết các chốt chặn để hàng hóa lưu thông. Xem việc một vài ổ dịch xuất hiện là bình thường, không hoảng loạn, không xử lý cực đoan.

“Năm ngoái chúng ta có chủ trương “dịch to khoanh to, dịch nhỏ khoanh nhỏ” tôi cho là rất đúng. Mô hình này đã rất thành công ở Hưng Yên, Hải Dương thậm chí là ở Hà Nội. Nhưng khi đất nước xảy ra làn sóng thứ 4, chúng ta dường như quên mất chủ trương này. Khi TP.HCM đóng cửa khiến sản xuất đứt gãy, đây chính là điểm tàn phá sinh lực nền kinh tế. Đây là bài học đầu tiên. Bài học thứ 2 là xóa bỏ cơ chế xin-cho, nới lỏng các quy định cứng nhắc. Doanh nghiệp vốn đã phải xin rất nhiều. Trong thời điểm dịch bệnh, đừng bắt doanh nghiệp phải xin thêm nữa! Các nước trên thế giới còn đang nới lỏng nhiều quy định cho doanh nghiệp” – ông Nguyễn Đình Cung cho biết.

Ông Nguyễn Đình Cung.

Lý giải về đề xuất cần nới lỏng nhiều quy định cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Cung lấy ví dụ, bác sỹ muốn hành nghề phải có chứng chỉ, nhân viên y tế tiêm vaccine cũng cần phải có chứng chỉ. Thế nhưng trong thời điểm dịch bệnh khẩn cấp, số lượng bác sỹ hồi sức cấp cứu thiếu hụt nặng nề, một số nhân viên y tế không có chứng chỉ hồi sức cấp cứu được điều sang để bổ sung và họ làm rất tốt. Điều đó cho thấy những chứng chỉ này không có ý nghĩa gì cả.

Dịch bệnh cũng là dịp để xem xét lại các quy định quản lý hiện hành, cái nào có thể bỏ được mà không gây ảnh hưởng quá nhiều thì nên nới lỏng. Chính điều này tạo nên môi trường tự do kinh doanh cho doanh nghiệp – yếu tố cần nhất để phát huy vai trò của doanh nghiệp trong phục hồi.

“Một yếu tố khác mà doanh nghiệp vướng mắc trong quá trình phục hồi với mục tiêu ngắn hạn là thiếu cầu. Vậy kích cầu ở đâu?” Một là kết hợp với an sinh xã hội, phát tiền đại trà cho người dân nghèo. Tôi cho rằng số tiền phát hiện nay là không đủ, chúng ta cần phải phát nhiều hơn số này. Khi tiền đến tay những người nghèo, họ sẽ chi ngay. Hai là kích cầu vào các dự án đầu tư công, chỉ bỏ tiền vào các dự án đã có, để không phải làm thêm thủ tục gì nữa. Thay vì kéo dài dự án trong 3 – 4 năm, chúng ta cần chi ngay lập tức, tập trung làm dứt điểm các dự án đầu tư công chỉ trong 1 – 2 năm”.

Ông Nguyễn Đình Cung nói như vậy và cho biết tâm lý chung hiện nay là hay sợ, sợ lạm phát, sợ mất tiền, sợ phát nhầm... Do đó, phải biết vượt lên nỗi sợ, bỏ lại nỗi sợ đằng sau thì mới hành động được. Bởi nếu không chi cho người dân, cho doanh nghiệp “sống lại” thì những nỗ lực “cứu chữa” sau đó sẽ không còn giá trị.

Nêu giải pháp để bảo đảm cho nền kinh tế thị trường lưu thông thông suốt, ông Trần Đình Thiên - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề cập tới việc phải bảo đảm sự thông suốt quốc gia, phải có chế tài nghiêm khắc đối với những địa phương và cá nhân cản trở mạch lưu thông chung, cố tình trì hoãn, hoặc hiểu không đúng, hiểu lệch lạc quy định của Chính phủ.

Đồng thời có những chính sách, biện pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực tài chính - miễn giảm, giãn thuế, phí, lãi suất, nợ... mà Chính phủ và hệ thống ngân hàng áp dụng khá hiệu quả lâu nay nên tiếp tục được duy trì; thậm chí, cần kéo dài thời gian và tăng mức độ hỗ trợ.

“Lúc này dòng tiền ở nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt, điều kiện vay vốn ngân hàng của họ rất “kém”, rất khó đáp ứng các tiêu chuẩn vay của ngân hàng, trong khi nhu cầu vốn mới để phục hồi sản xuất kinh doanh lại đặt ra bức bách, thậm chí là “sinh tử”. Bây giờ là lúc chúng ta cần có cách tiếp cận mạnh dạn và can đảm để giải quyết vấn đề này. Cần thành lập sớm Quỹ bảo lãnh tín dụng từ phía Nhà nước, tức là Nhà nước bảo lãnh cho doanh nghiệp vay ngân hàng khi họ thiếu điều kiện được vay”- ông Trần Đình Thiên nêu ý kiến.

Ông Trần Đình Thiên - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Đồng tình trước chủ trương xây dựng chính sách, biện pháp phù hợp để phòng, chống, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI đưa ra một số khuyến nghị trong công tác đẩy lùi dịch bệnh, nhằm đảm bảo sự vững vàng của cả ba trụ cột: y tế, kinh tế và xã hội.

Theo đó, việc thích ứng linh hoạt, an toàn của doanh nghiệp trước đại dịch cần gắn với việc trao niềm tin, sự chủ động cho các doanh nghiệp trong ứng phó dịch bệnh. Việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế cần được xác định như một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và quyết liệt thực hiện.

Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện, ban hành quy định về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” để doanh nghiệp trên cả nước có căn cứ xây dựng phương án tổ chức sản xuất cũng như phòng, chống dịch phù hợp.

Theo Phó Chủ tịch VCCI, cần nhìn nhận đại dịch Covid-19 như một thời cơ thực hiện đột phá trong xây dựng, hoàn thiện thể chế. Ông đề nghị cần chủ động rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp lý và các quy định, chính sách cho phù hợp với điều kiện “bình thường mới”, nhất là những quy định pháp luật, chính sách về kinh doanh đang là rào cản, gây cản trở đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn, chưa vì lợi ích chung của nền kinh tế./.

Uyên Anh/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận