Đảm bảo nguồn cung trong nước và xuất khẩu
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT, giá trị gia tăng quý III năm 2021 của ngành tăng 1,04% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, nông nghiệp tăng 2,83%, lâm nghiệp tăng 2,15%, thủy sản giảm 4,89%. Lũy kế 9 tháng, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 2,74% và đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Ngành đã đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các mặt hàng nông lâm thủy sản (NLTS) tăng cả về lượng và giá trị xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu NLTS ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.
Hai tổ công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT là tổ công tác 970 ở phía Nam do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu và tổ công tác 3430 ở phía Bắc do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, HTX,… khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản trong giai đoạn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Các tổ công tác đã xây dựng thành công website kết nối và tiêu thụ nông sản với sản lượng bình quân 300 - 400 tấn nông sản/ngày, cao điểm có ngày đạt trên 1.000 tấn nông sản.
Giải pháp hoàn thành mục tiêu đề ra
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, xuất khẩu toàn ngành có thể đạt mục tiêu theo kế hoạch đề ra là 44 tỷ USD. Đây là con số tính toán sơ bộ. Ngành Nông nghiệp còn nhiều khó khăn thách thức cần phải tháo gỡ như thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu, sản phẩm khó tiêu thụ, ứ đọng còn nhiều, thiếu nhân công phục hồi sản xuất, giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng cao, tỷ lệ tiêm vaccine trong các nhà máy tiêu thụ chế biến nông sản vẫn còn thấp...
Nhằm tháo gỡ khó khăn hướng tới đạt mục tiêu tăng trưởng, Bộ NN&PTNT đã ban hành kế hoạch hành động theo 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Ưu tiên hàng đầu là tập trung chỉ đạo sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 tại từng địa phương. Cùng với đó, ngành đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trong đó tăng cường kết nối, phối hợp với các đơn vị viễn thông để hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp và thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, tăng cường giao dịch điện tử...
Ngành nông nghiệp cũng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tập trung giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistics... song song với các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu; mở cửa thị trường, hỗ trợ thông tin doanh nghiệp xuất khẩu nông sản về các hiệp định thương mại…; tăng cường các giải pháp phòng, chống thiên tai hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất cho kinh tế, sản xuất, đời sống người dân.