Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi ứ đọng

  • 14/10/2021 12:01:33
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Sau gà công nghiệp thì giá lợn liên tục giảm mạnh trong những tuần qua, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, nhu cầu thị trường giảm khiến ngành chăn nuôi lao đao, đối mặt với nguy cơ đổ vỡ.

 

Giá bán thấp hơn giá thành

Mức tiêu thụ thịt giảm trung bình 30%, cá biệt tiêu thụ thịt gà công nghiệp giảm tới 90% do lưu thông khó khăn, nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động, hầu hết bếp ăn tập thể còn đóng cửa, khiến giá bán sản phẩm thịt lợn, thịt gà “lao dốc”. Hiện tại, giá lợn hơi bình quân đang dao động chỉ từ 40.000 - 49.000 đồng/kg tùy từng địa phương. Thậm chí có địa phương giá lợn giảm còn 33.000 đồng/kg. Và theo dự báo, đây chưa phải là mức giá thấp nhất.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi miền Bắc miền Trung phân tích, với mức giá hiện tại, người chăn nuôi đang bị lỗ từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng cho mỗi con lợn. Nếu người nuôi phải mua con giống thì giá thành mỗi kg thịt lợn hơi xuất chuồng lên đến 60.000 - 65.000 đồng. Còn với các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn theo chuỗi từ nuôi lợn nái đến nuôi lợn thịt, giá thành vào khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg.

Theo Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, hiện tại đàn lợn cả nước có khoảng 28 triệu con, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng thịt lợn hơi cả nước trong 9 tháng năm 2021 ước đạt khoảng 2,9 triệu tấn. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng chăn nuôi đứt gãy, sản phẩm khó tiêu thụ nên đàn lợn quá lứa còn ứ đọng trong chuồng khoảng 30%.

                Cần có chính sách tín dụng riêng để thúc đẩy hộ chăn nuôi duy trì sản xuất. 	ảnh: trube

Đối với gia cầm, hiện cả nước có khoảng 523 triệu con, tăng khoảng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện lượng gà công nghiệp quá tuổi xuất chuồng tại các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ trên 9,3 triệu con. Gà lông màu tồn đọng khoảng 30% số lượng nuôi. Trong khi đó, giá nguyên liệu vật tư đầu vào tiếp tục tăng cao, giá thức ăn tăng 16 - 36%, đặt ra thách thức lớn trong việc tái đàn.

Cần chính sách tín dụng riêng cho chăn nuôi

Để khuyến khích tái đàn, chủ động nguồn cung trong và sau dịp Tết Nguyên đán, bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định đề nghị: “Cần có chính sách tín dụng riêng đối với người chăn nuôi, đặc biệt là giảm lãi suất để cho các doanh nghiệp xây kho lạnh, dự trữ sản phẩm chăn nuôi trong thời điểm giá rất thấp như hiện nay. Khoanh nợ, giãn nợ đối với những hộ chăn nuôi trang trại để họ duy trì sản xuất, ít nhất để duy trì đàn nái. Có giải pháp quản lý bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, khi đó mới có thể hạ giá thành sản xuất chăn nuôi xuống được”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, hiện nay nhiều địa phương đã khống chế được dịch Covid-19. Do đó, cần tiếp tục khôi phục, ổn định phát triển đàn gia cầm, gia súc ăn cỏ, để phục vụ tiêu dùng gia tăng trong những tháng cuối năm 2021 và nhất là nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tăng từ 10 - 12% trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán 2022. Trước mắt là cố gắng tiêu thụ hết sản phẩm gia súc, gia cầm còn tồn đọng trong chuồng trại của các cơ sở chăn nuôi. Cục Chăn nuôi và các đơn vị phải cân đối rất sát nhu cầu tiêu thụ, tính chu kỳ phát triển, chu kỳ sản xuất.

Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội đối với những người dân đã được tiêm đủ 1 mũi và 2 mũi vaccine ở các tỉnh, thành phố để có lao động duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa, đồng thời xem xét gói hỗ trợ vay vốn để phục hồi sản xuất đối với nông dân. Đề nghị Bộ Công Thương, các địa phương xem xét mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối. Cùng với đó cần bố trí các vùng đệm, trạm trung chuyển để tập kết hàng hoá từ ngoại tỉnh chuyển về dưới sự kiểm tra, giám sát của lực lượng liên ngành. Bộ Giao thông Vận tải xem xét vấn đề vận tải thủy để giảm chi phí đầu vào. Bộ Tài chính sớm có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở chăn nuôi.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận