Làng nghề gỗ bị bỏ quên trong chính sách phát triển?

  • 07/10/2021 07:00:00
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Các làng nghề chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ các cơ chế, chính sách phát triển ngành.

 

Theo báo cáo của Forest Trends, hệ thống các làng nghề gỗ trong cả nước, tập trung nhiều ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, đóng vai trò chủ đạo trong việc cung cấp các sản phẩm gỗ cho thị trường nội địa. Nhưng đến nay, các làng nghề chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ các cơ chế, chính sách phát triển ngành. 

“Lỗ hổng” không chỉ ở cơ chế chính sách

Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt ngày 1/4/2021, định hướng phát triển đối với mảng công nghiệp chế biến, thương mại lâm sản trong tương lai không đề cập đến các hộ sản xuất làng nghề.

Các đề án không có các hoạt động về phát triển thị trường nội địa nói chung và các làng nghề gỗ nói riêng.

Trong bản thảo của Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030 mà Bộ NN&PTNT đang thực hiện tham vấn với các địa phương và bộ ngành liên quan, mặc dù có đề cập thị trường nội địa và làng nghề, nhưng mờ nhạt.

Cơ chế chính sách định hướng hỗ trợ các hộ làng nghề được đề cập chung chung, như: “Tạo công ăn việc làm cho các cơ sở chế biến gỗ quy mô nhỏ, hộ gia đình, đặc biệt là hệ thống làng nghề trong cả nước”.

Cần có chính sách hỗ trợ làng nghề trong cả nước phát triển.	Ảnh: Hà Nguyên

“Lỗ hổng” không phải chỉ trong cơ chế chính sách và áp dụng các cơ chế chính sách này trong thực tế mà còn trong việc tuân thủ quy định pháp luật của hộ kinh doanh và doanh nghiệp.

Đơn cử, mặc dù địa phương có làng nghề đang hỗ trợ các nhóm bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid -19, nhưng đến nay hộ làm nghề tại hầu hết làng nghề gỗ vẫn không tiếp cận được nguồn hỗ trợ này bởi không có đăng ký kinh doanh, không đăng ký thuế, do vậy không được cơ quan quản lý công nhận một cách chính thức. 

Cần cơ chế chính sách bao trùm hơn

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends, phân tích: “Thiếu tính chính danh làm hạn chế tiếp cận của hộ với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và các bên liên quan.

Thiếu sự công nhận chính thức của cơ quan quản lý về sự tồn tại hợp pháp của mình cũng làm các hộ không nhận được sự quan tâm cần thiết từ cơ quan quản lý và các bên liên quan khác. Điều này làm mất cơ hội tiếp cận nguồn lực phát triển của các hộ tại làng nghề”.

Từ góc độ pháp lý, ông Phúc khuyến cáo các hộ tại làng nghề cần đăng ký kinh doanh và tuân thủ pháp luật trong giao dịch và nộp thuế theo quy định.

Ông Phúc cũng đưa ra kiến nghị, trong lúc chờ đợi việc chuyển đổi, Chính phủ nên cân nhắc về một chính sách bao trùm với các tiêu chí mở rộng hơn để hộ làng nghề hiện còn thiếu tính chính danh có thể tiếp cận được với nguồn lực hỗ trợ, giúp giảm bớt khó khăn do đại dịch và mở rộng cơ hội tiếp cận của hộ đối với nguồn lực phát triển trong tương lai.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đưa ra giải pháp, cần thực hiện những đánh giá khách quan và khoa học nhằm xác định chính xác vai trò và vị thế làng nghề gỗ trong phát triển kinh tế, xã hội. Kết quả này cần được sử dụng làm nguồn thông tin đầu vào cho việc xây dưng cơ chế chính sách cho ngành gỗ nói chung và cho các hộ làng nghề nói riêng.

Tạo cơ chế kết nối hiệu quả giữa làng nghề và cơ quan quản lý và các cơ quan liên quan khác. 

Đặc biệt, cần tạo lập môi trường khuyến khích doanh nghiệp ngành gỗ liên kết hợp tác với các hộ tại làng nghề.

Trong liên kết này, doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt, giúp hộ tiếp cận thông tin thị hiếu thị trường sản phẩm, mở rộng sản xuất, tuân thủ pháp luật, chuyển đổi theo hướng tạo sản phẩm thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao.





 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận