Làm gì để tiền hỗ trợ từ quỹ BHTN đến tay người lao động nhanh chóng, chính xác nhất?

  • 01/10/2021 09:59:09
  • Nguyễn Trang
  • Kinh tế
  • 0

Ngày 1/10, chính sách hỗ trợ người lao động, DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP được triển khai.

 

Theo đó, tổng kinh phí hỗ trợ từ chính sách này là 38.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp, có khoảng hơn 12,8 triệu lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được thụ hưởng, giảm mức đóng từ 1% xuống 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Khoảng 386.000 người sử dụng lao động sẽ được giảm đóng với số tiền là trên 8.000 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ này được triển khai từ hôm nay (1/10).

Thủ tục cần đơn giản, nhưng phải tránh trục lợi chính sách

Đánh giá về chính sách này, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, gói hỗ trợ này rất cần thiết trong thời điểm này vì nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Chính sách này cho thấy được sự sát cánh, hỗ trợ doanh nghiệp từ phía cơ quan nhà nước trong giảm, tạm hoãn thuế, phí…

"Với người lao động, doanh nghiệp thì một đồng cũng quý trong thời điểm khó khăn này. Chi phí này, các doanh nghiệp sẽ dành để phục hồi sản xuất kinh doanh. Ghi nhận từ phía doanh nghiệp trực thuộc phản hồi tốt về chính sách này", ông Mạc Quốc Anh cho biết.

Gần 13 triệu lao động sẽ được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ này. (Ảnh minh họa)

Cũng theo ông Mạc Quốc Anh, khi doanh nghiệp tham gia đầy đủ các quy định về BHXH sẽ được thụ hưởng chính sách là giảm từ 1% xuống 0% đóng bảo hiểm thất nghiệp. Dù doanh nghiệp được hỗ trợ, song quyền lợi người lao động vẫn được đảm bảo như trước.

Ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) đánh giá, đây là chính sách kịp thời, hợp lý, hỗ trợ thiết thực cho người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19. Chính sách này thể hiện rõ vai trò của quỹ bảo hiểm thất nghiệp với thị trường lao động.

Theo ông Trung, đây là gói hỗ trợ rất lớn, để triển khai hiệu quả, cần xác định rõ đối tượng thụ hưởng, đẩy mạnh ứng dụng CNTT để rút ngắn thời gian thực hiện. Đặc biệt, cần xác định cụ thể những đối tượng được hưởng chính sách. Đối với nhóm thụ hưởng là người lao động, cần thống kê các trường hợp tham gia BHTN trong doanh nghiệp được hưởng.

Nhiều đơn vị tham gia nhưng gặp khó khăn chưa đóng được BHTN của những tháng gần đây. Bên cạnh đó, một số đối tượng nghỉ chế độ thai sản, ốm đau, bệnh nghề nghiệp,... cũng phải tính đến. Những người lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN nhưng tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động cũng cần được hỗ trợ bởi thực chất họ rất khó khăn.

Nguyên Phó cục trưởng Cục Việc làm cũng cho rằng, các thủ tục cần hết sức đơn giản, tránh yêu cầu nhiều văn bản, thủ tục qua nhiều cấp. Tuy nhiên, cũng cần có những quy định để tránh lợi dụng chính sách.

“Cần có sự tham gia của các cấp, ngành, đặc biệt các tổ chức xã hội để tuyên truyền, giám sát, nếu phát hiện những gì bất cập trong quá trình triển khai thì phải có kiến nghị, xử lý thật kịp thời”, ông Trung cho biết thêm.

Đánh giá đây là chính sách nhân văn, có ý nghĩa lớn với người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, song ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, cần đặt ra những tiêu chí cụ thể rằng đâu là những đối tượng gặp khó khăn, trình tự các thủ tục cũng cần hết sức đơn giản để người lao động sớm nhận được tiền.

Về quy định miễn đóng 1% cho doanh nghiệp vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp, ông Phạm Minh Huân đánh giá tốt, song về lâu dài cần sửa lại Luật Bảo hiểm xã hội để xem xét mức đóng bảo hiểm thất nghiệp phù hợp. “Chính sách của quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là số đông người lao động tham gia để hỗ trợ số ít bị thất nghiệp, chứ không phải thu tiền rồi giữ lại đó là không ổn, nhất là khi doanh nghiệp đang khó khăn lại đóng bảo hiểm thất nghiệp mức cao khiến chi phí tăng lên”, ông Phạm Minh Huân nhìn nhận.

Từ 1/10, chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ chính thức được triển khai. (Ảnh minh họa)

Người lao động nên mở tài khoản ngân hàng cá nhân để nhận hỗ trợ nhanh nhất

Thông tin về kế hoạch triển khai chính sách, ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: “Đối với người lao động hiện đang tham gia BHTN tại doanh nghiệp, chúng tôi sẽ chi trả qua tài khoản cá nhân. Bởi hiện nay, chúng ta đang thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về việc tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc chi trả chính sách hỗ trợ cho người lao động qua tài khoản vừa đảm bảo kịp thời, minh bạch đến tận tay người lao động vừa đáp ứng chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ cũng như đảm bảo tốt việc phòng, chống dịch Covid-19, tránh tiếp xúc trực tiếp. Người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp chỉ cần cung cấp cho doanh nghiệp số tài khoản cá nhân, còn với những thông tin liên quan đến nhân thân cá nhân như số chứng minh nhân dân/căn cước công dân và thời gian tham gia BHTN của người lao động cơ quan BHXH sẽ in sẵn ra để người lao động đối soát”.

Ông Sơn cho biết thêm, một số trường hợp đặc biệt khi người lao động không thể mở được tài khoản cá nhân, cơ quan BHXH sẽ chi trả qua doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo sự kịp thời và minh bạch, BHXH Việt Nam khuyến nghị người lao động nên nhanh chóng mở tài khoản cá nhân qua hệ thống các ngân hàng để có thể nhận được nhanh nhất và chính xác nhất.

Đối với người lao động bảo lưu thời gian tham gia BHTN từ 1/1/2020 đến nay, những lao động đã ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động không ở doanh nghiệp, đã về các địa phương sẽ được cơ quan BHXH tỉnh/huyện sẵn sàng tiếp nhận đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ của người lao động, không phụ thuộc vào địa giới hành chính./.

Theo Nguyễn Trang/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận